Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tiên phong nuôi biển xa bờ

Vừa qua, 1 hộ nuôi biển công nghệ cao ở huyện Cam Lâm đã đưa 2.000 con cá chim vây vàng ra nuôi tại vùng biển Hòn Nội (huyện Cam Lâm). Đây là dấu mốc quan trọng trong ngành nuôi biển, khi lần đầu tiên trong cả nước có 1 hộ dân nuôi trồng thủy sản cách bờ hơn 6 hải lý.

Báo Khánh HòaBáo Khánh Hòa13/05/2025

Hộ đầu tiên nuôi ở vùng biển cách bờ đến 6 hải lý

Mới đây, chúng tôi có dịp cùng vợ chồng ông Võ Lâm Đồng và bà Lương Thị Kim Thoa (ở Tổ dân phố Bãi Giếng 3, thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm) đưa những con cá chim vây vàng ra nuôi ở vùng biển Hòn Nội, cách bờ đến 6 hải lý. Từ mờ sáng, khi xe chở 2.000 con cá giống vừa đến, ông Đồng đã thúc giục mọi người khẩn trương đưa cá giống xuống tàu để đưa ra vùng nuôi. “Gia đình tôi có truyền thống nghề biển, được tìm hiểu về nuôi biển công nghệ cao và hiệu quả mang lại từ các mô hình nuôi thành công ở vùng biển xã Cam Lập (TP. Cam Ranh), vịnh Vân Phong nên khi huyện Cam Lâm triển khai nuôi biển công nghệ cao, được Quỹ Thiện tâm (Tập đoàn Vingroup) tài trợ, vợ chồng tôi đã mạnh dạn đăng ký tham gia. Trong đợt này, gia đình tôi chỉ mới đưa 2.000 con giống ra ương nuôi trong lồng vuông, tới đây sẽ tiếp tục đưa thêm 5.000 con ra ương nuôi nữa. Khi cá lớn hơn sẽ đưa sang nuôi trong lồng tròn”, bà Thoa cho hay.

v
Cá được ương nuôi trong các lồng vuông, đạt kích cỡ sẽ chuyển sang lồng tròn.

Sau hơn 1 giờ 15 phút di chuyển, vượt qua những con sóng bạc đầu, trước mắt chúng tôi là những lồng tròn (dùng để nuôi thương phẩm), lồng vuông (dùng để ương cá hoặc nuôi tôm hùm) tại vùng nước Hòn Nội. Thay vì hình ảnh những bè gỗ, lồng chìm, phao xốp, thung phuy thường thấy ở các vùng nuôi ven bờ, Hòn Nội là một vùng nuôi công nghệ cao hiện đại. Chúng tôi đếm được đã có 20 lồng tròn kích thước 800m3, 2 cụm lồng vuông với tổng cộng 16 lồng nuôi hoàn toàn bằng chất liệu HDPE có thể chống chịu được với sóng gió lớn đã được hạ thủy đưa ra vùng nuôi, một số đã được lắp đặt lưới lồng. Đã từng nhiều lần ra vùng nuôi biển công nghệ cao ở Cam Lập, chúng tôi nhận thấy các lồng nuôi tại vùng biển Hòn Nội đã được thiết kế phù hợp với điều kiện nuôi trên vùng biển xa bờ, có dòng chảy mạnh… Kết cấu của khung lồng kiên cố hơn, với 3 vòng phao chịu lực, tăng độ nổi, giá đỡ khung lồng nguyên khối; túi lưới được thiết kế thi công tốt hơn để chống chịu với sóng gió và dòng chảy mạnh; hệ thống neo được bố trí chắc chắn, độ chịu tải lớn hơn và linh động hơn…

Chia sẻ về hệ thống lồng nuôi, ông Đồng bày tỏ: “Gia đình tôi rất tự tin khi là hộ dân đầu tiên trong cả nước đưa cá ra nuôi ở vùng biển cách bờ 6 hải lý, với 2 lồng tròn. Bởi hệ thống lồng nuôi vật liệu HDPE đã được khẳng định chống chịu được với sóng gió lớn, nuôi xa bờ chất lượng nước tốt hơn… Bên cạnh đó, các lồng nuôi còn có hệ thống quản lý như: Camera giám sát, hệ thống định vị, hệ thống quan trắc về độ mặn, pH, DO, nhiệt độ. Hệ thống quản lý này được kết nối với điện thoại thông minh giúp quản lý hiệu quả trong suốt quá trình nuôi, an toàn trong mùa mưa bão…”.

Theo chia sẻ của ông Đồng, trên vùng nuôi này đã có 10 hộ nuôi cá, 2 hộ nuôi tôm hùm ở TP. Cam Ranh đã đưa lồng ra vùng nuôi, hiện đang ương giống ở gần bờ, khi con giống đạt kích cỡ sẽ đưa ra nuôi thương phẩm. Ngoài ra, còn có các hộ khác ở huyện Cam Lâm, TP. Cam Ranh đã lắp đặt xong lồng nuôi, chuẩn bị hạ thủy đưa ra vùng nuôi. “Chúng tôi đều tin tưởng và kỳ vọng rất lớn vào mô hình nuôi biển công nghệ cao trên vùng biển 3 - 6 hải lý mà tỉnh đang triển khai”, ông Đồng nhấn mạnh.

Tích cực hỗ trợ người nuôi

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các hộ dân ở TP. Cam Ranh và huyện Cam Lâm tham gia nuôi biển công nghệ cao tại khu vực Hòn Nội là những hộ được hỗ trợ từ nguồn kinh phí của Quỹ Thiện tâm (Tập đoàn Vingroup) khi triển khai nhân rộng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao, sau khi đã thí điểm thành công tại vùng biển hở xã Cam Lập. Dự kiến, năm 2025, quỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ 70 hộ dân tại các địa phương ven biển trong tỉnh để phát triển nuôi biển công nghệ cao. Ở giai đoạn này, sẽ mở rộng phạm vi thí điểm vượt ra khỏi vùng biển 3 hải lý ở tất cả các địa phương ven biển trong tỉnh. Đến nay, đã hình thành mô hình nuôi biển bằng cụm lồng HDPE kết hợp du lịch tại khu vực Đầm Bấy; tại vùng biển Hòn Nội đã có cụm lồng nuôi trên vùng biển hở, cách bờ 3 - 6 hải lý. Tại huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa đã có các hộ đăng ký tham gia mô hình. Việc chủ động triển khai, nhân rộng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao trên các vùng biển hở là tiền đề quan trọng để tỉnh thực hiện thành công Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa.

v
Gia đình ông Võ Lâm Đồng là hộ đầu tiên trong cả nước thả giống nuôi biển cách bờ đến 6 hải lý.

Từ thực tế những ngày ra vào khu vực nuôi Hòn Nội, ông Đồng bày tỏ rằng, khu vực nuôi Hòn Nội xa bờ, hằng ngày, người nuôi phải ra vào để kiểm tra, cho cá, tôm ăn; do đó các hộ rất cần 1 bến đò để thuận tiện cho việc di chuyển. Ngoài ra, các hộ cũng rất cần có các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về bảo hiểm cho lao động nuôi biển, thủy sản nuôi; được cấp mặt nước, cấp phép nuôi trồng ổn định để phát triển…

Theo ông Nguyễn Trọng Chánh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, để khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư nuôi biển công nghệ cao, bên cạnh tập trung tham mưu tỉnh ban hành tiêu chí, phân loại lồng bè ở các mức tiêu chuẩn, công nghệ khác nhau phù hợp với từng khu vực, vùng nuôi, quy mô nuôi, cấp bão chịu đựng được… để áp dụng cho nuôi biển công nghệ cao trên địa bàn tỉnh, sở còn tham mưu UBND tỉnh các chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi lồng bè nuôi biển bằng vật liệu truyền thống sang vật liệu mới; hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm tai nạn cho người lao động làm việc trên các lồng bè và các phương tiện phục vụ nuôi biển; phối hợp với các cơ quan, đơn vị hướng dẫn, triển khai thành lập hợp tác xã nuôi biển công nghệ cao… Hiện nay, sở đã yêu cầu Chi cục Thủy sản, Biển và Hải đảo; Chi cục Khoáng sản và Môi trường khẩn trương hướng dẫn, thẩm định, tham mưu thực hiện việc cấp phép nuôi trồng thủy sản và giao mặt nước biển cho các hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nhất là đối với các hộ nuôi biển công nghệ cao, rút ngắn 50% thời gian thực hiện thủ tục so với quy định… Riêng đối với vùng nuôi biển công nghệ cao ở Hòn Nội, Quỹ Thiện tâm cũng đã có kế hoạch để xây dựng bến đò dân sinh; hỗ trợ tàu lớn để vận chuyển người dân đi từ đất liền ra vùng nuôi được thuận tiện…

HẢI LĂNG

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/kinh-te/202505/tien-phong-nuoi-bien-xa-bo-14b1a20/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm