Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tiếp sức nông dân thoát nghèo

- Trong những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều chương trình, dự án thiết thực nhằm khơi dậy tinh thần thi đua lao động, sản xuất. Thông qua các phong trào thi đua và hoạt động hỗ trợ cụ thể, Hội đã góp phần tạo động lực, khích lệ giúp hội viên nông dân vươn lên làm giàu và thoát nghèo bền vững.

Báo Tuyên QuangBáo Tuyên Quang14/05/2025

Hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Hội Nông dân tỉnh đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động. Với sự đa dạng trong hình thức truyền tải thông tin, từ văn bản chỉ đạo đến các hội nghị, hội thi, cùng với việc phát huy tối đa vai trò của đội ngũ cán bộ hội cơ sở, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đã lan tỏa sâu rộng đến từng chi hội, câu lạc bộ, tổ tiết kiệm và cả trên không gian mạng xã hội, bản tin nội bộ.

Trong đó, phong trào "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" đã thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhân rộng những mô hình sản xuất hiệu quả, thu hút sự tham gia của hơn 150.000 lượt hội viên.

Theo đồng chí Đào Thị Mai, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Hội đã triển khai quyết liệt Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 thông qua hệ thống văn bản chỉ đạo, giao chỉ tiêu cụ thể và xem đây là thước đo quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động. Song song với đó, Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" được triển khai sâu rộng, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Các hoạt động hỗ trợ xóa nghèo, xóa nhà tạm được thực hiện một cách thiết thực, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái trong hội viên.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh thăm mô hình trồng bưởi của hội viên nông dân thôn Soi Hà, xã Xuân Vân (Yên Sơn).

Những nỗ lực không ngừng của Hội đã mang lại "trái ngọt" đáng khích lệ. Nổi bật, trong giai đoạn 2021-2024 toàn tỉnh có trên 140.130 lượt hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Bên cạnh đó, Quỹ Hỗ trợ nông dân do Hội quản lý hiệu quả với nguồn vốn trên 40 tỷ đồng đã tiếp sức cho 929 lượt hộ thông qua 120 dự án. Kênh ủy thác qua ngân hàng cũng đã tạo điều kiện cho hơn 34.912 hộ tiếp cận nguồn vốn lên đến 2.948,8 tỷ đồng.

Đặc biệt, nhiều mô hình hỗ trợ thoát nghèo bền vững đã được triển khai thành công, tiêu biểu như chương trình "Vay bò trả bê", trao tặng 65 con bò giống H’Mông trị giá hơn 1,5 tỷ đồng cho các hộ nghèo đồng bào dân tộc Mông tại Yên Sơn và Hàm Yên. Dự án liên kết chuỗi giá trị bò H'Mông tại Chiêm Hóa với tổng kinh phí 3 tỷ đồng đã trao 120 con bò cho 60 hộ nghèo và mới thoát nghèo. Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện luân chuyển 974 con bò, quản lý 2.132 con, hỗ trợ 5.295 hộ hưởng lợi và giúp 309 hộ thoát khỏi cảnh nghèo khó.

Xã Xuân Quang là một trong hai xã của huyện Chiêm Hóa triển khai Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm bò H’Mông với 60 con bò cái sinh sản. Đồng chí Hoàng Thị Tuất, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Quang khẳng định: "Mô hình đã và đang mang lại hiệu quả rất tích cực, tạo sinh kế bền vững, giúp các hộ nghèo cải thiện đáng kể kinh tế gia đình. Dự án hỗ trợ bò H'Mông, đặc biệt là dự án liên kết theo chuỗi giá trị, không chỉ giúp bà con có con giống tốt mà còn mở ra hướng sản xuất hàng hóa ổn định, nâng cao thu nhập.

Gia đình chị Ma Thị Dọt ở thôn Ngoan B, xã Xuân Quang là một trong 30 hộ dân được hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ bò sinh sản. Sau gần một năm, 2 con bò cái được hỗ trợ đã sinh thêm một chú bê con khỏe mạnh. Chị Dọt xúc động chia sẻ: "Được hỗ trợ bò thật sự là một công đôi việc. Vừa tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho gia đình, vừa có thêm nguồn phân bón rất tốt cho cây trồng".

Nâng cao năng lực và giá trị sản phẩm cho nông dân

Không chỉ hỗ trợ về vốn và con giống, Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang còn đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao năng lực sản xuất và giá trị sản phẩm cho bà con nông dân thông qua việc tích cực hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật. Công tác đào tạo nghề được quan tâm đầu tư với 165 lớp học, thu hút trên 5.780 lượt hội viên tham gia. Từ những lớp học này, nhiều người đã mạnh dạn thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hội Nông dân tỉnh khen thưởng hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu năm 2024.

Hội Nông dân tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến tiêu thụ thông qua các sự kiện như tuần lễ cam sành, gian hàng OCOP, hội chợ và xây dựng website kết nối nông sản. Đặc biệt, Hội đã tiên phong trong việc hỗ trợ nông dân tiếp cận với công nghệ số bằng việc tổ chức trên 1.150 lớp tập huấn chuyển đổi số, hỗ trợ 7.080 hội viên tạo tài khoản và đưa 115 sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, đồng thời tôn vinh 9 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2024.

Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, toàn tỉnh đã có 376 lượt hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương, 2.560 lượt hộ cấp tỉnh. Trong đó, Trung ương Hội đã trao tặng danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" cho 8 hội viên, tôn vinh "Nhà khoa học của nhà nông" cho 2 hội viên, tặng Bằng khen cho 4 hội viên tiêu biểu...

Tiêu biểu có anh Nguyễn Công Sử với thương hiệu chè Ngọc Thúy nổi tiếng, đạt doanh thu trên 5 tỷ đồng/năm, được vinh danh là "Nhà khoa học của nhà nông" và "Nông dân Việt Nam xuất sắc"; anh Nguyễn Ngọc Sáng với mô hình nuôi lợn thảo dược doanh thu trên 20 tỷ đồng/năm, được tôn vinh là "Nông dân Việt Nam xuất sắc".

Song song với hỗ trợ sản xuất, Hội tích cực tham gia chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đến tháng 4/2025, Hội đã huy động đóng góp ngày công và vật liệu trị giá trên 32 tỷ đồng, giúp 4.379 hộ làm và sửa nhà. Vận động hội viên nông dân ủng hộ Quỹ “Mái ấm nông dân” được trên 1.7 tỷ đồng, đã hỗ trợ trên 1,3 tỷ đồng xây mới và sửa chữa 38 nhà ở cho hội viên. Từ năm 2021 đến nay, Hội đã giúp trên 1.120 hộ hội viên thoát nghèo.

Với những nỗ lực, Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đã và đang tiếp tục khẳng định vị thế là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp của tỉnh, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống hội viên.

Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/tiep-suc-nong-dan-thoat-ngheo-211791.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm