Sáng 23-5, đại biểu Quốc hội (ĐB) thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 và kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024…
Nuôi dưỡng động lực cũ, chú trọng động lực mới
Thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) nhận định, mặc dù trong năm 2024, các động lực phát triển truyền thống vẫn phát huy tác dụng khá, song trong năm 2025, sẽ là không đủ để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới đang diễn biến khá phức tạp.
Thống nhất với các nhận định của Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội trong báo cáo thẩm tra đã trình bày trước Quốc hội, ĐB Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, kết quả giải ngân đầu tư công cũng như thu hút đầu tư xã hội chưa đạt yêu cầu. “Cần có những giải pháp quyết liệt hơn, không chỉ giảm thuế mà còn phải mở nới lỏng tín dụng; khuyến khích doanh nghiệp tăng cường mối liên kết cả ngang và dọc; tăng cường tính gắn kết giữa các khu vực doanh nghiệp với nhau”, ĐB Trần Anh Tuấn khuyến nghị.
Cũng theo ĐB, trong tình hình xuất nhập khẩu đứng trước nhiều yếu tố bất định như hiện nay thì cần giải pháp “chống sốc” bằng cách đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, cải thiện chất lượng quản lý điều hành, hướng đến sản xuất xanh, sạch…

ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đánh giá cao kết quả trong năm 2024 cũng như những tháng đầu năm 2025, nổi bật là hạ tầng được đẩy mạnh, khởi công nhiều dự án, công trình, thu hút FDI tích cực, năng lượng được bảo đảm… Công tác hoàn thiện thể chế được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, nền kinh tế còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn. ĐB đề nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư cho công tác hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy; thi hành pháp luật phải nghiêm minh, phân cấp phân quyền rõ ràng, nhất là tới đây thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp…
Theo ĐB, đầu tư công vẫn chậm, thấp hơn cùng kỳ, do đó phải tăng cường kỷ luật về giải ngân đầu tư công. Năm 2025, phải thực hiện các giải pháp đồng bộ để thúc đẩy đầu tư công, cần khắc phục những tồn tại đã kéo dài nhiều năm nay trong lĩnh vực này.
“Tôi không biết có Thủ tướng nào trên thế giới vất vả như Thủ tướng ta không, họp suốt ngày đêm, vào tận từng công trường để đôn đốc, do đó, cần làm mạnh khâu phân cấp phân quyền, tăng cường kỷ luật trong đầu tư công”, ĐB Dương Khắc Mai nói.
ĐB Phan Đức Hiếu (Thái Bình) nhận định, bối cảnh năm 2025 đã rất khác với 2024, do đó, các giải pháp hàng đầu là cải cách thể chế, tiếp đó là ưu tiên tăng trưởng, ổn định vĩ mô, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp… Đó là một sự thay đổi về trật tự các giải pháp. Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành hàng loạt các nghị quyết, thể hiện quan trọng hàng đầu hiện nay là cải cách, đồng bộ thể chế, trong đó Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân là một dấu mốc rất quan trọng. Nghị quyết nêu rõ yêu cầu về khơi thông nguồn lực, bảo vệ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo ĐB Phan Đức Hiếu, kinh nghiệm cải cách thể chế của các quốc gia cho thấy, nên thành lập Ủy ban cải cách thể chế, thuộc Chính phủ, làm việc độc lập, chủ động rà soát các quy định, thủ tục cần cắt bỏ, sửa đổi, không nên giao từng bộ ngành tự rà soát, vì như thế sẽ “không ai tự lấy đá ghè chân mình”. Ủy ban sẽ chủ động làm việc với các bộ ngành, cơ quan trong lĩnh vực này để đẩy nhanh tiến độ cải cách thể chế. Do đó, rất cần có một cơ quan chuyên môn về lĩnh vực này.

Nhanh chóng thể chế hoá đầy đủ “bộ tứ trụ cột”
Nhìn nhận tình hình năm 2025, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, có 2 thách thức lớn nhất hiện hữu. Thứ nhất là vấn đề thuế quan với Hoa Kỳ; đặt ra rủi ro tác động rất lớn đến sản xuất, xuất khẩu. Thứ 2 là công cuộc tinh giản bộ máy hành chính, là việc tất yếu phải làm và sẽ có tác động tích cực về lâu về dài, nhưng đặt ra những thách thức không nhỏ trước mắt.
“Bộ tứ trụ cột - 4 nghị quyết quan trọng của Đảng đã bao trùm tất cả các vấn đề kinh tế - xã hội, nhưng cần phải được thể chế hóa một cách toàn diện. Trong khi đó, thực tế vẫn còn có hiện tượng trống đánh xuôi kèn thổi ngược khi đi vào quy định cụ thể. Tinh thần của các nghị quyết là giảm thủ tục hành chính, nhưng hàng loạt “giấy phép con” vẫn tiếp tục mọc ra.

Trong thực thi vẫn còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, Trung ương rất quyết tâm nhưng ở một số địa phương thì công chức vẫn đủng đỉnh, thiếu nhiệt tình. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ là phải làm cho tinh thần đổi mới này thấm xuống đến cấp xã”, ĐB Trương Trọng Nghĩa phát biểu.
Về các vấn đề xã hội, ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đồng quan điểm với ĐB Trương Trọng Nghĩa về việc cần sớm giải quyết chính sách cho những người bị mất việc trong đợt sắp xếp này, “Quốc hội đã thông qua ngân sách 44.000 tỷ đồng, Chính phủ cần sớm triển khai. Đó là những người đã 40-50 tuổi, đã qua giai đoạn tuổi trẻ, rất cần động viên, bảo đảm chính sách cho họ, bởi ở khía cạnh nào đó, họ là những người hy sinh cho cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn này”, ĐB Dương Khắc Mai nhấn mạnh.
Đối với những cán bộ thuộc các tỉnh thành sáp nhập, đi làm xa, khó khăn về chỗ ở, Trung ương cần có chính sách để hỗ trợ chung, nếu để các địa phương tự quyết thì ở những địa phương không có điều kiện, cán bộ sẽ rất vất vả. Ví dụ sau khi sáp nhập Đắk Nông, Bình Thuận, Lâm Đồng, cán bộ ở Đắk Nông đi làm việc ở Lâm Đồng xa tới hơn 200km, đi mất gần 4 tiếng, rất khó khăn nếu không có chính sách hỗ trợ, vị ĐB Đắk Nông phản ánh.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/tinh-than-doi-moi-phai-tham-den-cap-xa-post796446.html
Bình luận (0)