Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với các đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (Ảnh tư liệu) |
Người chiến sĩ cộng sản kiên cường
Đồng chí Nguyễn Văn Linh tên thật là Nguyễn Văn Cúc, bí danh Mười Cúc, sinh ngày 1/7/1915, trong một gia đình công chức nghèo yêu nước, tại thôn Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Mỹ Văn (cũ), tỉnh Hưng Yên, một vùng quê giàu truyền thống yêu nước, văn hiến, nơi sinh thành nhiều anh hùng hào kiệt và danh nhân văn hóa. Sinh ra trong bối cảnh đất nước lầm than, thấu hiểu cuộc sống nô lệ, được giác ngộ cách mạng, lại được tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc dẫn đường, đồng chí Nguyễn Văn Linh sớm tham gia cách mạng từ lúc mới 14 tuổi...
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Nguyễn Văn Linh được Trung ương tin tưởng, điều động từ Việt Bắc trở lại với đồng bào Nam Bộ, tham gia lãnh đạo cách mạng miền Nam, với cuộc chiến đấu mới, nhiệm vụ mới vô cùng khó khăn, phức tạp (là Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn; Bí thư Xứ ủy; Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định; Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, Bí thư Trung ương Cục miền Nam...). Trong suốt cuộc kháng chiến ác liệt, gian khổ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Linh, các phong trào đấu tranh diễn ra sôi nổi, rộng khắp, thu hút đông đảo các tầng lớp nông dân, công nhân, trí thức, học sinh, sinh viên, tiểu thương, văn nghệ sĩ... tham gia đấu tranh và tạo thành cao trào sôi nổi, rộng khắp. Là người bám trụ kiên cường ở miền Nam, trong thời kỳ cam go của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí Nguyễn Văn Linh thể hiện năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện đúng đắn, sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975).
Nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo của cách mạng Việt Nam
Tháng 12/1986, tại Đại hội lần thứ VI của Đảng, đại hội mở đầu thời kỳ đổi mới, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư. Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí đã cùng với tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng vững vàng, chủ động, sáng tạo lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức từ trong nước và trên thế giới; kiên định đường lối đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thận trọng với bước đi, cách làm để phù hợp với điều kiện của Việt Nam; tập trung đổi mới kinh tế; từng bước đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, kiên quyết không chấp nhận đa nguyên, đa đảng, coi trọng phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Những bài báo “những việc cần làm ngay" của đồng chí Nguyễn Văn Linh, ký tên N.V.L đăng trên Báo Nhân dân vào những năm đầu thời kỳ đổi mới, tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở, công khai, nói thẳng, nói thật, lời nói đi đôi với việc làm, góp phần đấu tranh chống tiêu cực, làm trong sạch các cơ quan Đảng, Nhà nước...
Nhiệm kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Trưởng ban soạn thảo cương lĩnh trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng; chỉ đạo sửa đổi Hiến pháp năm 1980, thông qua Hiến pháp 1992 để phù hợp với thời kỳ đổi mới của đất nước. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh 1991) ra đời trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu tan rã nhưng thể hiện bản lĩnh vững vàng, kiên định của Đảng và Nhân dân ta. Cương lĩnh khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng.
Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/tong-bi-thu-thoi-ky-dau-doi-moi-155205.html
Bình luận (0)