Du lịch tâm linh là một loại hình du lịch mà trong đó hoạt động chính của du khách không chỉ là cầu mong bình an, may mắn, sức khỏe, tài lộc mà còn tham quan, chiêm bái, hành hương đến những địa điểm có ý nghĩa về tín ngưỡng, tôn giáo, từ đó khám phá giá trị văn hóa, lịch sử và phong tục tín ngưỡng truyền thống.
Tại Cẩm Phả hiện sở hữu nhiều tiềm năng phát triển du lịch tâm linh như: Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông - Cặp Tiên, chùa Phả Thiên, chùa Cao Sơn, chùa Cao Lâm.
Nổi bật, Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông - Cặp Tiên - từ lâu đã trở thành không gian văn hoá tín ngưỡng truyền thống linh thiêng không chỉ đối với người dân Vùng mỏ mà còn đối với du khách thập phương. Nếu tới đền vào dịp đầu xuân, ngoài được dâng nén tâm hương tưởng nhớ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng và các nhân thần, du khách còn được hòa mình vào không khí lễ hội đền. Đây là lễ hội lớn của tỉnh, được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Nhà ở Thủ đô Hà Nội nhưng năm nào gia đình chị Trần Thị Trang (SN 1983) cũng đều đi lễ đền Cửa Ông để cầu mong nhiều điều tốt đẹp. Chị Trang chia sẻ: Nếu dịp đầu xuân không thể tới đền thì vào cuối tháng 5, sau khi trẻ con được nghỉ hè, cả nhà tôi lại đi chiêm bái ở đền Cửa Ông. Nhiều năm đi lễ tại đây, tôi đều cảm nhận được không khí vui tươi, cảnh quan, không gian đền luôn thoáng đãng với sắc hoa tươi tắn.
Ông Nguyễn Duy Thanh, Phó trưởng BQL Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông - Cặp Tiên, cho biết: Từ đầu năm đến nay, Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông - Cặp Tiên đã có trên 300.000 lượt khách đến chiêm bái, tham quan. Để tăng lượng du khách tham quan đền trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chú trọng chỉ đạo đến từng cán bộ viên chức cũng như người lao động đón tiếp du khách thập phương đến chiêm bái một cách nhiệt tình chu đáo.
Việc đảm bảo an ninh trật tự phòng chống cháy nổ sẽ được nâng cao. Bên cạnh đó, trồng nhiều cây cảnh và hoa trong khuôn viên đền tạo nên một khung cảnh đẹp làm điểm nhấn để du khách ngoài việc đến chiêm bái còn chụp ảnh tham quan du lịch tâm linh.
Hằng năm, Ban vẫn tu sửa các hạng mục cấp thiết để bảo tồn di tích như đảo mái ngói các nơi thờ tự, xây dựng các tuyến kè xung quanh đền, các hệ thống thoát nước để bảo vệ vùng lõi của di tích. Từ đó, làm cho ngôi đền càng ngày càng bề thế và linh thiêng hơn, du khách cảm nhận được nét đẹp văn hóa của đền Cửa Ông thể hiện được đạo lý uống nước nhớ nguồn đối với các bậc tiền nhân, đem lại những giá trị về lịch sử, văn hóa phi vật thể.
Dù đã có nhiều đổi mới, nhưng sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh của thành phố vẫn còn gặp nhiều thách thức. Các khu du lịch tâm linh chỉ tập trung đông khách vào vài tháng lễ hội đầu năm, sau đó thì thưa thớt dần.
Các lễ hội tín ngưỡng thường tập trung diễn ra vào dịp mùa xuân nên dẫn đến tình trạng quá tải, gây áp lực lên hạ tầng và ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách. Một số du khách thiếu ý thức gây ảnh hưởng đến sự tôn kính, trang nghiêm của chốn linh thiêng.
Để du lịch tâm linh phát triển đúng hướng, mang lại những giá trị truyền thống, tinh thần, giá trị văn hóa lịch sử, bên cạnh việc bảo tồn và gìn giữ các giá trị cảnh quan của di sản, thành phố cần chú trọng tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ; bảo tồn và tôn tạo các di tích tâm linh; xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh đặc trưng; đẩy mạnh truyền thông và quảng bá. Hướng tới sự phát triển bền vững, chắc chắn du lịch tâm linh sẽ đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/phat-huy-tiem-nang-du-lich-tam-linh-3359304.html
Bình luận (0)