Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

TPHCM: Rộng cửa vào lớp 10 công lập

TP - Việc tăng tỷ lệ học sinh vào trường công lập cùng với kế hoạch đầu tư xây dựng hàng nghìn phòng học mới, cho thấy quyết tâm của TPHCM trong việc bảo đảm quyền học tập cho mọi học sinh sau THCS, hướng đến mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao.

Báo Tiền PhongBáo Tiền Phong08/07/2025

Trường tư, GDTX... “mất mùa”

Mùa tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026 tại TPHCM ghi nhận nhiều chuyển biến bất ngờ. Trái với cảnh “cháy chỗ” ở các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) hay trường tư thục trong những năm trước, năm nay, số lượng học sinh đăng ký học ở các đơn vị này sụt giảm mạnh. Trong khi đó, tỷ lệ học sinh vào học lớp 10 tại các trường THPT công lập lại tăng cao.

 TPHCM: Rộng cửa vào lớp 10 công lập ảnh 1

Học sinh thi vào lớp 10 tại TPHCM năm học 2025-2026. Ảnh: Anh Nhàn

Tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) Phú Thọ Hòa (phường Phú Thọ Hòa), ông Lưu Thanh Tòng - Giám đốc trung tâm - cho biết đơn vị chỉ tuyển 8 lớp 10 với 360 học sinh, giảm gần một nửa so với con số 640 chỉ tiêu của năm ngoái. Những năm trước, trung tâm “cháy chỗ” chỉ sau vài ngày tuyển sinh, nhưng năm nay phải kéo dài đến đầu tháng 7 mới đủ chỉ tiêu.

Theo ông Tòng, quy mô tuyển sinh năm nay giảm vì phải phù hợp với cơ cấu giáo viên từng bộ môn; cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng dạy học và phòng học hiện có của trung tâm. Một tín hiệu tích cực là nhiều phụ huynh đã chủ động đăng ký cho con theo học nghề sau THCS, phần nào nhờ chính sách miễn giảm học phí theo Nghị định 81. Tuy nhiên, nhìn chung, sự sụt giảm lượng hồ sơ tại các trung tâm GDTX cho thấy một thực tế học sinh và phụ huynh vẫn ưu tiên các trường công lập nếu còn cơ hội.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại nhiều trường tư thục trên địa bàn TPHCM. TS Phạm Hồng Danh - Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Viễn thông tin: Số học sinh dự tuyển năm nay giảm đáng kể, một phần vì các em vào học lớp 10 năm nay thuộc tuổi Dần, số lượng ít hơn những năm trước, dẫn tới quy mô học sinh lớp 9 thấp hơn chu kỳ thông thường.

Phân luồng phải là định hướng mềm dẻo

Từ nhiều năm qua, vấn đề phân luồng học sinh sau THCS luôn là chủ đề gây tranh cãi. Thực tế, TPHCM đã sớm nhận ra điều này và chủ động điều chỉnh chính sách phân luồng. Từ năm 2018 đến 2023, thành phố thực hiện phân luồng với khoảng 70% học sinh vào lớp 10 công lập, 30% còn lại theo học tại trung tâm GDTX, GDNN-GDTX, trường tư hoặc học nghề. Năm 2024, tỷ lệ học sinh vào lớp 10 công lập đạt gần 80% - mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Theo TS Danh, việc áp dụng các tỷ lệ cứng như 60-40 hay 70-30 (tức 60% học sinh học THPT, còn lại học nghề hoặc GDTX) là thiếu căn cứ khoa học và không sát thực tế. “Phân luồng phải là sự định hướng mềm dẻo, không thể là áp đặt. Nếu ép buộc thì sẽ cản trở ước mơ và quyền học tập của học sinh”, TS Danh nhấn mạnh.

Tại buổi họp giao ban đầu tiên với cán bộ, công chức, người lao động cơ quan sau khi sáp nhập vào đầu tháng 7, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM đã khẳng định, việc xây dựng phòng học và đầu tư cơ sở vật chất là trách nhiệm liên tục, thường xuyên của ngành giáo dục TPHCM.

Chuyên gia này phân tích thêm: TPHCM là trung tâm kinh tế, công nghệ lớn nhất cả nước, không thể thiếu lực lượng lao động có trình độ cao. Nếu muốn phát triển các ngành công nghệ thông tin, y sinh, kỹ thuật… thì học sinh phải học đến lớp 12 mới đủ nền tảng. Khi các cánh cửa trường công thu hẹp lại, bắt buộc học sinh phải đi học nghề từ lớp 9, điều này về lâu dài sẽ tạo ra một lực lượng lao động không đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội. Những nghề các em được học trong các trường nghề đến một lúc nào đó sẽ có AI thay thế. “Chính sách phải xuất phát từ quyền lợi và nhu cầu thực tế của học sinh, chứ không phải từ con số phân bổ cứng nhắc. Nếu các em và phụ huynh được tư vấn rõ ràng, họ sẽ có niềm tin để lựa chọn con đường phù hợp, dù là THPT hay học nghề”, TS Danh nhấn mạnh.

Nguồn: https://tienphong.vn/tphcm-rong-cua-vao-lop-10-cong-lap-post1758597.tpo


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm