Xã Trần Ðề có chiều dài 12km bờ biển, thuận lợi cho phát triển kinh tế biển tại địa phương.
Xã Trần Ðề được hình thành trên cơ sở hợp nhất ba đơn vị hành chính gồm: thị trấn Trần Ðề, xã Ðại Ân 2 và xã Trung Bình. Không chỉ mang vị thế mới về mặt hành chính, việc sáp nhập còn mở ra không gian phát triển mới cho địa phương do Trần Ðề có 12km bờ biển, tiếp giáp hai cửa biển là cửa Trần Ðề và cửa Mỹ Thanh.
Nhiều năm qua, người dân vùng ven biển đã phát triển nghề đánh bắt hải sản với đội tàu 520 chiếc, trong đó có 337 tàu khai thác xa bờ, 42 tàu dịch vụ hậu cần và 183 tàu đánh bắt gần bờ. Chính quyền địa phương đã thực hiện tốt các chủ trương hỗ trợ giúp ngư dân khai thác, đánh bắt xa bờ và phát triển mạnh dịch vụ hậu cần nghề cá. Nhờ vậy, trong giai đoạn 2020-2025, tổng sản lượng khai thác thủy sản của xã đạt 247.179 tấn tôm, cá các loại.
Cảng cá Trần Ðề hiện được xếp vào 15 cảng cá lớn của cả nước, với vị trí gần ngư trường khai thác, thuận tiện kết nối với các trục giao thông huyết mạch như quốc lộ Nam Sông Hậu, quốc lộ 60, quốc lộ 1A cùng mạng lưới tỉnh lộ đấu nối vào tạo nên trục phát triển kinh tế biển. Ðây là những điều kiện thuận lợi thu hút nhiều lượng tàu thuyền khai thác cập bến và sử dụng dịch vụ hậu cần nghề khai thác biển của cảng. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2025, số tàu thuyền cập, lưu cảng cá Trần Ðề đạt 9.703 lượt, đạt 103% kế hoạch; lượng hàng hóa qua cảng 55.511 tấn, đạt 70% kế hoạch, trong đó hàng thủy sản là 33.208 tấn.
Theo ông Phạm Văn Hứa, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Trần Ðề, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp cùng các ngành chuyên môn, lực lượng chức năng tuyên truyền đến ngư dân chấp hành tốt việc đánh bắt hải sản đúng luật định. Qua đó, tàu khai thác hải sản xa bờ của thành phố đều không vi phạm về khai thác IUU trên biển. Ban Quản lý Cảng cá cũng tạo điều kiện cho ngư dân có nơi neo đậu tàu thuận lợi, cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá như bốc xếp, cung cấp nhiên liệu, vật tư ngư lưới cụ, sửa chữa… Ðồng thời phối hợp chặt chẽ cùng các doanh nghiệp trong cảng để ngư dân tiêu thụ hải sản nhanh chóng.
Ngoài cảng cá, cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã Trần Ðề cũng đang được quan tâm đầu tư đồng bộ và đúng mức, với nhiều công trình trọng điểm như Khu công nghiệp Trần Ðề, Khu thương mại kinh tế biển, Bến cá Mỏ Ó và tuyến cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua Trần Ðề. Ðây đều là những dự án lớn, không chỉ tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của xã Trần Ðề, mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của TP Cần Thơ. Ðặc biệt, Cảng biển nước sâu Trần Ðề được Chính phủ quy hoạch cảng biển đặc biệt, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ của vùng ÐBSCL.
Theo quy hoạch, cảng biển Trần Ðề có tổng diện tích hơn 4.435ha, bao gồm khu hậu cần logistics rộng 4.000ha và khu bến cảng ngoài khơi rộng 435ha. Cảng được thiết kế với cầu cảng vượt biển dài 17,8km, có khả năng tiếp nhận tàu container trọng tải đến 100.000 DWT và tàu hàng rời trọng tải đến 160.000 DWT. Cảng biển nước sâu Trần Ðề sau khi được xây dựng hoàn thiện sẽ đáp ứng nhu cầu luân chuyển hàng hóa, xuất khẩu hàng hóa, nông sản của cả khu vực ÐBSCL.
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, huyện Trần Ðề (cũ) đã tranh thủ các nguồn vốn, kêu gọi đầu tư trong phát triển du lịch. Ðến nay, tuyến tàu Cao tốc Trần Ðề - Côn Ðảo trên địa bàn xã thu hút trên 139.000 lượt người/năm đến với Trần Ðề. Bên cạnh đó, Trần Ðề còn sở hữu hệ sinh thái rừng ngập mặn đa dạng, kết hợp với lễ hội Nghinh Ông Nam Hải mang đậm bản sắc văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, văn hóa - tâm linh. Ðây là điều kiện thuận lợi giúp tăng nguồn thu ngân sách, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Hồ Quang Ðại, Chủ tịch UBND xã Trần Ðề, cho biết, thời gian tới, xã Trần Ðề sẽ khẩn trương rà soát, bổ sung và điều chỉnh quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành... trên cơ sở tích hợp quy hoạch của các địa phương (cũ) để xây dựng quy hoạch mới cho xã, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và khai thác tối đa lợi thế của xã mới. Ðồng thời phấn đấu đến năm 2030 Trần Ðề đạt xã nông thôn mới nâng cao, là trung tâm kinh tế của vùng với các lĩnh vực như công nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch, cảng logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, theo ông Hồ Quang Ðại, địa phương cũng tích cực kêu gọi đầu tư vào Khu công nghiệp Trần Ðề, phát triển các ngành hàng có lợi thế cạnh tranh từ nguồn nguyên liệu tại chỗ; khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện các dự án về dịch vụ, du lịch biển Trần Ðề và khu du lịch sinh thái Mỏ Ó gắn với các điểm du lịch văn hóa, tâm linh.
Bài, ảnh: QUỐC KHA
Nguồn: https://baocantho.com.vn/tran-de-phat-huy-loi-the-kinh-te-bien-a188632.html
Bình luận (0)