Chương trình nghệ thuật đặc biệt mang tên “Ca khúc Việt lời Nga”. (Ảnh: Báo Nhân dân) |
Sự kiện do nhóm cựu sinh viên Khoa Tiếng Nga phối hợp tổ chức nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên bang Nga (30/1/1950 - 30/1/2025), hướng tới kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5) và Chiến thắng phát xít trong Thế chiến II (9/5).
Tại buổi lễ, nhiều bài hát Việt Nam quen thuộc được thể hiện bằng tiếng Nga, với phần lời chuyển ngữ do dịch giả Lê Đức Mẫn thực hiện. Đó là những ca khúc gắn liền với lịch sử và tâm hồn người Việt như: Tiến về Hà Nội, Tình ca Tây Bắc, Bài ca hy vọng, Bài ca Hồ Chí Minh, Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, Trái đất này là của chúng mình, Nối vòng tay lớn, Xin chào Việt Nam, Tái sinh…
Dịch giả Lê Đức Mẫn sinh năm 1941 tại Duy Tiên, Hà Nam. Ông từng công tác tại Trường Đại học Hà Nội từ năm 1966 đến 2002. Với tình yêu đặc biệt dành cho ngôn ngữ, âm nhạc và văn hóa, từ những năm 1990, ông bắt đầu dịch lời các bài hát Việt sang tiếng Nga. Không chỉ đơn thuần chuyển nghĩa, ông còn cẩn trọng trong cách chọn từ, nhịp điệu để lời ca giữ nguyên sắc thái cảm xúc và hòa hợp với giai điệu gốc - công việc đòi hỏi sự am hiểu sâu sắc về cả ngôn ngữ lẫn âm nhạc.
Nói về các tác phẩm chuyển ngữ của nhà giáo, dịch giả Lê Đức Mẫn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trào, Hiệu trưởng Trường đại học Hà Nội cho rằng, để sáng tác 1 tác phẩm âm nhạc và các tình ca, người nghệ sĩ cần chất liệu sáng tác, cảm xúc, hoàn cảnh sáng tác, dẫn lối giai điệu, ca từ.
Tuyển tập "Ca khúc Việt lời Nga" của nhà giáo, dịch giả Lê Đức Mẫn. (Ảnh: Báo Nhân dân) |
“Khi chuyển dịch lời Nga cho các tác phẩm nhạc Việt, thầy Mẫn có sức mạnh của ngôn từ, sự tinh thông văn chương, ngôn ngữ Nga - Việt, có tình yêu to lớn đối với cả hai đất nước Việt Nam và Nga. Thầy có nhạc cảm, cảm xúc thật từ trái tim và tâm hồn, có sự đồng cảm, giao cảm giữa nhạc sĩ sáng tác và người chuyển ngữ, sự cảm giao của giá trị văn hóa Nga - Việt. Quan trọng hơn cả, đó là sự hòa điệu của tiếng lòng, tâm hồn của thầy Mẫn và sự thấu hiểu của sinh viên các thế hệ” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trào nói.
Ông Maksim Kurilov, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam bày tỏ sự xúc động khi được nghe các ca khúc Việt Nam vang lên bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Ông đánh giá cao vai trò của dịch giả Lê Đức Mẫn trong việc thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa hai dân tộc và khẳng định: “Công tác dịch thuật là cầu nối quan trọng để hai đất nước hiểu nhau hơn. Những đóng góp của ông Lê Đức Mẫn là minh chứng sống động cho sự bền chặt trong quan hệ hữu nghị Nga - Việt.”
Ông Maksim Kurilov, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam. (Ảnh: Báo Nhân dân) |
Sinh viên Nguyễn Thị Hoài Thu (năm thứ hai, khoa Tiếng Nga) cho biết: “Những ca khúc do thầy dịch giúp chúng em thêm yêu tiếng Nga và hiểu sâu sắc hơn về văn hóa Việt Nam. Đây không chỉ là dịp để rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ mà còn là cơ hội để gìn giữ và lan tỏa bản sắc dân tộc.”
Bên cạnh việc dịch lời ca khúc, ông Lê Đức Mẫn còn chuyển ngữ hơn 40 tác phẩm văn học Nga sang tiếng Việt, trong đó có nhiều tác phẩm kinh điển như: Anna Karenina (Tolstoi), Trường ca Ác quỷ (Mikhail Lermontov), Và nơi đây bình minh yên tĩnh (Boris Vasilyev), cùng các vở kịch, thơ và truyện ngắn của Pushkin, Dostoievsky, Griboedov…
Năm 2017, ông được Hội Nhà văn Việt Nam trao Giải thưởng Dịch thuật xuất sắc với bản dịch vở kịch thơ “Khổ vì trí tuệ” gồm hơn 5.000 câu.
Dù đã bước sang tuổi ngoài 80, dịch giả Lê Đức Mẫn vẫn miệt mài với công việc “nhả tơ” dịch thuật. Với ông, mỗi bản dịch là một tấm lụa được dệt nên bằng cảm xúc, tâm huyết và tình yêu sâu sắc với đất nước, ngôn ngữ và con người. Những đóng góp lặng lẽ nhưng bền bỉ ấy sẽ còn tiếp tục góp phần làm đẹp thêm cây cầu văn hóa Việt - Nga trong hiện tại và tương lai.
Nguồn: https://thoidai.com.vn/tri-an-dich-gia-le-duc-man-nguoi-ket-noi-van-hoa-viet-nga-qua-am-nhac-213385.html
Bình luận (0)