Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Truyền nhân của đại gia tộc sân khấu: Gia tộc Thành Tôn - Huỳnh Mai

NSƯT Thành Lộc nổi tiếng trong kịch nói, nhưng khởi thủy anh thuộc dòng dõi hát bội cải lương kỳ cựu của miền Nam. Và cha của anh chính là NSND Thành Tôn sau 1975 vẫn cống hiến rất nhiều cho sân khấu, được nhà nước lẫn khán giả ghi công.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên25/07/2025

BỐN ĐỜI THEO HÁT BỘI

Đời thứ nhất là ông Nguyễn Văn Sĩ, một quan triều Nguyễn am hiểu nghệ thuật hát bội, đã rời kinh thành về miền Nam sinh sống, và huấn luyện con cháu lẫn người trong làng để khi có lễ tết, cúng đình, cúng chùa thì cùng nhau diễn hát tạo nên không gian văn hóa sôi động. Thế hệ thứ hai là ông Nguyễn Văn Luông cùng vợ là Trần Thị Mười đã kế thừa nghệ thuật hát bội của cha, vừa trở thành nghệ sĩ vừa là ông bầu lập gánh Phước Long ban, hoạt động khắp vùng Vĩnh Long và miền Tây Nam bộ. Đời thứ ba là kép Nguyễn Văn Nở trưởng thành từ Phước Long ban của cha, nhưng năm 1947 ông đi kháng chiến và hy sinh năm 1952, để lại người con là Nguyễn Thành Tôn.

Truyền nhân của đại gia tộc sân khấu: Gia tộc Thành Tôn - Huỳnh Mai - Ảnh 1.

NSƯT Bạch Long (phải) và học trò Bạch Tú My trong vở Xuân về trên đất Thăng Long

ẢNH: H.K

Nguyễn Thành Tôn thuộc thế hệ thứ tư, được gia đình cho đi học chữ nhưng ông nghỉ sớm, 13 tuổi trở về quê sống trong gánh hát bội Phước Long ban của ông nội bầu Luông, và bắt đầu học nghề hát từ những vai nhỏ nhất như quân sĩ, lính hầu, chạy cờ, 17 tuổi mới tiến dần lên vai kép con, vai phụ. Ông nội không hề có một đặc ân nào dành cho đứa cháu, mà rèn nghề cho cháu đúng nghĩa nghiêm khắc từ dưới lên trên.

Thập niên 1930, hát bội dần giảm vị thế trong lúc cải lương đang đà phát triển, Thành Tôn bèn đi thọ giáo với các nghệ sĩ lớn về ca diễn cải lương và học cả đàn kìm, cò, sến, nên ông có một kiến thức và tay nghề nổi trội, sâu sắc hơn những người đồng trang lứa.

Năm 1940, ông nội qua đời, cha ngưng luôn đoàn hát, Thành Tôn khăn gói lên Sài Gòn đi hát cho nhiều gánh, trong đó có Vĩnh Xuân ban của bầu Thắng (gia tộc Minh Tơ). Năm 1945, ông theo kháng chiến vài năm, sau trở lại hoạt động nội thành cùng với nghệ sĩ Trần Hữu Trang, Nguyễn Thành Châu, cùng lập Hội tương tế nghệ sĩ để bí mật làm việc. Nhưng ông vẫn không bỏ hát bội, cùng bạn bè thành lập ban Vân Hạc, vừa lãnh đạo vừa viết và chỉnh sửa kịch bản để công diễn thường xuyên ở Đài Phát thanh Sài Gòn.

Sau 1975, nghệ sĩ Thành Tôn tham gia thành lập Đoàn Hát bội TP.HCM, và dành tất cả tâm huyết để nghiên cứu cách diễn, cách viết kịch bản, cách dàn dựng sao cho mới mẻ, phù hợp với khán giả hôm nay. Ông quan tâm tới nghệ sĩ trẻ, bởi ông muốn họ giữ gìn nghệ thuật hát bội, cải lương cho văn hóa Việt. Ông nổi tiếng nghiêm khắc trong đào tạo, truyền nghề, và thế hệ sau biết ơn ông vì những tâm huyết đó.

Trong thời gian đi hát cho Vĩnh Xuân ban, ông đã gặp và kết duyên cùng bà Huỳnh Mai, con của ông bầu Thắng. Bà cũng là đào hát hồ quảng, tuồng cổ, nên hai dòng máu nghệ thuật hòa chung lại sản sinh ra những tài năng như Thành Lộc.

Thế hệ thứ năm đa dạng tài năng

Đôi nghệ sĩ Thành Tôn - Huỳnh Mai có những người con như Bạch Lê, Bạch Lựu, Bạch Lý, Bạch Long, Thành Lộc, đều xuất sắc trong từng lĩnh vực nghệ thuật. Họ cùng lớn lên trong không gian của đình Cầu Quan, được cha mẹ dạy dỗ nghiêm khắc, và thời thơ ấu đó đã để lại dấu ấn nghệ thuật rất sâu đậm.

Truyền nhân của đại gia tộc sân khấu: Gia tộc Thành Tôn - Huỳnh Mai - Ảnh 2.

Nghệ sĩ Bạch Lê vai Điều Tam Xuân

ẢNH: H.K

Nghệ sĩ Bạch Lê thành cô đào nổi tiếng từ hồ quảng tới tuồng cổ. Bà đầy đủ thần thái để vào những vai võ lẫn văn, mẫu nghi thiên hạ. Bà được cha mẹ trực tiếp truyền nghề, lại sống trong cái nôi của lớp Đồng ấu Minh Tơ, nên mới 8 tuổi đã nổi danh trong vai Quách Hải Thọ (vở Bao Công xử án Quách Hòe). Lớn lên bà có nhiều vai nổi tiếng như Lưu Kim Đính, Điều Tam Xuân, Thần Nữ… Bà được đề cử giải Thanh Tâm, tiếc rằng sau 1968 do tình hình chiến tranh nên giải này đã ngưng. Năm 1972, 1973, 1974 bà liên tiếp đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc do báo Trắng Đen bình bầu. Mỗi mùa giải cũng có một số nghệ sĩ được bình chọn cùng bà, nhưng Bạch Lê liên tiếp được chọn trong 3 năm liền cũng chứng minh tài năng của bà khá là đặc biệt. Sau 1975, bà tiếp tục gây ấn tượng với vai Thượng Dương hoàng hậu, và nên duyên cùng nghệ sĩ Thanh Bạch của gia tộc Huỳnh Long. Nhưng vì lo tương lai cho con cái, bà cùng chồng sang Pháp định cư, đi làm trong hãng xưởng, nghề hát trở thành "tay trái". Tuy vậy, Bạch Lê và Thanh Bạch vẫn xuất hiện rất vững vàng trong nhiều show diễn, làm khán giả nể phục.

Còn Bạch Lựu thì giỏi về quản lý đoàn, biên tập kịch bản, cung cấp đều đặn cho chương trình của các đài truyền hình; ngay cả khi sang định cư nước ngoài, bà vẫn cộng tác với một đài truyền hình để chuyển tải những giá trị của cải lương. Bạch Lý là tay trống cự phách của cải lương và các đoàn ca nhạc. Bạch Long và Thành Lộc lại là hai ngôi sao sáng trong lĩnh vực kịch nói. (còn tiếp) 

Nguồn: https://thanhnien.vn/truyen-nhan-cua-dai-gia-toc-san-khau-gia-toc-thanh-ton-huynh-mai-185250724222918636.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm