
Trong một con kiệt nhỏ gần Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng, nơi từng là khu tập thể của giảng viên, chúng tôi gặp thầy Trần Văn Tri – một người thầy đặc biệt. Gọi là đặc biệt, bởi cuộc đời thầy gắn liền với hai chữ “thương binh”, nhưng cũng lặng lẽ tỏa sáng nơi bục giảng suốt mấy chục năm qua.
Không để thương tật chôn vùi ý chí
Thầy Tri sinh năm 1948 tại huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam (cũ) – vùng đất nghèo nhưng giàu truyền thống cách mạng. Năm 1966, mới 18 tuổi, chàng trai trẻ ấy xếp bút nghiên, khoác ba lô lên đường nhập ngũ. Trong suốt những năm chiến đấu ác liệt, thầy nhiều lần bị thương. Và rồi, trận đánh năm 1969 đã mãi ghi dấu mốc không thể quên trong cuộc đời thầy.
“Bị vướng bom trong rừng. Hai ngày nằm giữa rừng chờ đồng đội giải cứu. Khi đưa được về thì chân trái đã hoại tử”, thầy kể, giọng nhẹ như hơi thở. Cái chân ấy sau này buộc phải cưa bỏ. Với nhiều người, đó có thể là dấu chấm hết cho một tương lai. Nhưng với thầy Tri, thương tật không phải là điểm dừng. Trái lại, nó là điểm khởi đầu cho một hành trình khác: hành trình đi tìm tri thức.
Rời quân ngũ, thầy bắt đầu lại từ đầu. Thi đỗ vào Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Vinh, thầy học với một tinh thần bền bỉ hiếm thấy. “Nghĩ rằng chỉ có học mới giúp mình sống không tàn phế. Mất một chân, nhưng không thể mất lòng tin vào chính mình”, thầy chia sẻ.
Năm 1980, tốt nghiệp đại học, thầy Tri được phân công về công tác tại Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam – Đà Nẵng, sau này là Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng. Với một chân và một trái tim đầy nhiệt huyết, thầy bắt đầu dạy học – nghề của sự kiên trì, của những người truyền lửa.
Hơn 30 năm đứng lớp, thầy Tri đã dìu dắt bao thế hệ sinh viên, giảng dạy những áng văn, những dòng thơ, nhưng trên hết là dạy bằng chính câu chuyện đời mình – về nghị lực, về niềm tin và về lòng biết ơn với cuộc sống.
Không chỉ là một người thầy, thầy Tri còn là người chồng, người cha trong một gia đình đầm ấm, giản dị. Cô Bùi Thị Hoà – vợ thầy, bây giờ vẫn nhớ như in những ngày tháng ở giảng đường Trường Đại học Sư phạm Vinh. Khi ấy, cô là nhân viên kế toán của trường. “Thương sự mộc mạc của người Quảng, thương một tấm gương bản lĩnh kiên cường. Rồi yêu lúc nào không hay”, cô cười.
Vượt qua ánh nhìn thương cảm của xã hội với một người đàn ông “chỉ còn một chân”, cô Hoà chọn gắn bó với thầy Tri bằng cả trái tim. Họ xây dựng một tổ ấm giản dị, nuôi dạy ba người con nên người. Hai trong số đó nối nghiệp cha, trở thành những nhà giáo. “Chắc vì thấy nghề giáo là nghề nhiều yêu thương”, thầy nói, mắt ánh lên niềm tự hào.
Thông điệp gửi thế hệ trẻ
Ở tuổi 77, thầy Tri vẫn minh mẫn, vẫn đọc sách mỗi ngày. Dù nghỉ hưu đã lâu, sức khỏe không được tốt nhưng thầy vẫn thường nhận lời mời nói chuyện với sinh viên khi có thể, đặc biệt là vào dịp 27/7 hàng năm.
Khi được hỏi điều gì muốn nhắn gửi đến thế hệ trẻ sống trong hòa bình, thầy nói nhẹ nhàng nhưng dứt khoát: “Các em không phải đi qua chiến tranh như thầy. Nhưng điều đó không có nghĩa các em không có thử thách. Mỗi người sẽ có chiến trường của riêng mình – học tập, làm việc, sống tử tế giữa muôn điều xô bồ của cuộc sống. Hãy sống sao cho thấy tự hào về chính mình. Và đừng bao giờ nghĩ rằng mình không thể”.
Lời nhắn ấy, nghe như một bài học cuối cùng mà người thầy một chân gửi lại cho lớp lớp học trò – bài học về ý chí, nghị lực và lòng tin vào cuộc sống.
Giữa phố xá sầm uất, căn nhà nhỏ nơi cuối kiệt của thầy Tri vẫn giản dị như chính con người thầy. Không huân chương treo dày đặc, không những dòng thành tích dài lê thê. Nhưng trong ánh mắt bao thế hệ học trò, thầy Trần Văn Tri là một tượng đài – tượng đài của lòng kiên cường.
Và với tháng Bảy – tháng tri ân, những câu chuyện như của thầy Tri không chỉ là để nhớ, mà còn để nhắc mỗi người trẻ hôm nay: Sống trong hòa bình, chính là có trách nhiệm viết tiếp những trang đẹp đẽ mà thế hệ đi trước đã mở ra.
Nguồn: https://baodanang.vn/tu-chien-truong-den-giang-duong-hanh-trinh-mot-chan-3298039.html
Bình luận (0)