Trong ánh nắng của Hà Nội, Lương Hà Châu (20 tuổi, đến từ Hòa Bình), vừa nhận kết quả tái khám sau nửa năm khỏi bệnh ung thư. Cô vừa được phát hiện có một khối tổn thương mới, nghi là di chứng của căn bệnh u não trước đó, cần theo dõi thêm.
Thay vì bàng hoàng, ngỡ ngàng như 2 năm trước, Châu giờ đây bình tĩnh, thản nhiên đối mặt với kết quả, bởi trước đây, cô cũng từng bước vào tuổi mới với một hành trình không giống bất kỳ ai.
Hai năm trước, ở độ tuổi đáng lẽ rực rỡ ước mơ và vô tư cười đùa, Châu phải đối mặt với cùng lúc bệnh ung thư: ung thư tuyến giáp và u não.

Những dấu hiệu lặng lẽ và cơn ác mộng bất ngờ
Mọi chuyện bắt đầu từ những tín hiệu nhỏ mà không ai để tâm. Trước thời điểm phát bệnh khoảng một năm, Châu bỗng khát nước một cách kỳ lạ, có ngày cô uống đến 7 lít nước lọc. Gia đình cô chỉ nghĩ đó là thói quen của một cô bé được nuông chiều, cố thu hút sự chú ý.
Phải đến khi cô giáo chủ nhiệm liên tục phản ánh với gia đình về việc Châu mất tập trung trong lớp, liên tục xin ra ngoài uống nước, gia đình mới giật mình. Cuối năm 2022, Châu được đưa đi khám. Đó cũng là cột mốc mở đầu cho một hành trình đầy sóng gió.
Hành trình tìm ra bệnh không hề dễ dàng. Ban đầu, Châu được đưa đến khoa Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai và được chẩn đoán mắc rối loạn lo âu và trầm cảm.
Tháng 1/2023, một đêm định mệnh đã thay đổi tất cả. Châu thức dậy đi vệ sinh lúc 3 giờ sáng, nhưng đôi chân bỗng không còn cảm giác. Khi cố đứng dậy, cô ngã xuống sàn. Trong cảm giác hoảng sợ, Châu vẫn cố bò lên giường, hy vọng sáng mai mọi thứ sẽ ổn.
Nhưng đến sáng, cô liệt hoàn toàn, không thể di chuyển. Gia đình vội vã đưa cô vào bệnh viện địa phương. Tại đây, Châu được thông báo bị thiếu kali nghiêm trọng do rối loạn nội tiết, gây liệt tạm thời.
Bố mẹ cô giấu nhẹm bệnh án, chỉ nhẹ nhàng động viên con gái ăn uống đầy đủ sẽ hồi phục. Nhưng qua ánh mắt lo lắng của họ, Châu cảm nhận được điều gì đó nghiêm trọng hơn lời nói.
“Em còn nhớ có lần, bà thay bố mẹ trông mình trong viện. Khi ấy, một ngón tay em cũng không cử động được, phải để bà bón cho ăn, bà vừa khóc, vừa nức nở gọi ‘Bống ơi…’. Em thương lắm, muốn ôm bà nhưng bất lực”, Châu nhớ lại.
Sau 3 ngày điều trị tại bệnh viện địa phương không cải thiện, Châu được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, cô được kê dùng hàng loạt loại thuốc, tiêm lẫn truyền. Hơn 10 ngày, tình trạng đỡ hơn, Châu được xuất viện, kèm hàng loạt túi thuốc to nhỏ. Chỉ sau một tháng uống thuốc, cơ thể cô tích nước, tăng một mạch 15kg.


Tự ti ngoại hình, Châu lén bố mẹ bỏ thuốc. Cô bé 17 tuổi ở thời điểm ấy không thể ngờ được hành động của mình lại dẫn đến hậu quả kinh khủng. Một lần nữa, Châu bị liệt, phải nhập viện lần nữa. Một lần nữa, cô nữ sinh tràn đầy năng lượng ấy lại phải gắn mình với giường bệnh.
“Những ngày ấy, em đắm mình trong tiêu cực, gần như buông xuôi, nước mắt cứ chảy dài mỗi đêm nhưng không thể lau vì liệt cả người. Thế nhưng, một ánh đèn đã kéo em lại”, Châu kể.
Một đêm, từ phòng bệnh tối thui của Bệnh viện Bạch Mai, Châu liếc mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, lờ mờ thấy ánh đèn từ biển hiệu Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phía đối diện.
Châu khi ấy như tìm thấy ánh đèn của đời mình, chỉ khác ánh đèn ấy rõ ràng, rực rỡ hơn. Ký ức 12 năm học tập chăm chỉ với bao nhiêu thành tích cứ thế ùa về, kéo cô bé ra khỏi thực tại tăm tối.
Châu quyết định chiến đấu với bệnh tật, vì một cơ hội được tiếp tục đến trường như bao bạn bè đồng trang lứa.
Những ngày tháng đối mặt với bóng tối
Sau một tuần uống thuốc, khả năng đi lại dần hồi phục, cô được cho phép về nhà điều trị ngoại trú.
Lúc này, thông qua tra cứu tên thuốc, Châu đã ngờ ngợ về căn bệnh của mình, nhưng tuyệt nhiên, chưa một lần cô nữ sinh lại nghĩ mình cuộc đời lại cùng lúc mang đến hai “bản án tử” khi chưa tròn 18.
“Có lần ngồi xe cứu thương chuyển viện, em thấy bố khóc, nước mắt lăn dài nhưng ông cố ghì chặt tiếng nấc để em khỏi nghe thấy. Hẳn bố mẹ đã phải kìm nén rất nhiều”, Châu nhớ lại.
Tháng 5/2023, khi bệnh trở nên nghiêm trọng, Châu được chuyển sang Bệnh viện K kiểm tra. Tại đây, cô tình cờ phát hiện cú sốc lớn nhất thông qua một lần lén xem bệnh án.
“Lương Hà Châu, ung thư tuyến giáp, u bào Langerhans đa hệ thống Letterer-Siwe (một dạng u não ác tính - PV)”. Dòng chữ thẳng tắp trên bệnh án lúc này như tiếng sét đánh giữa trời quang.


Ngoài cửa sổ phòng bệnh, mây vẫn xanh, nắng vẫn vàng, nhưng trong đầu cô gái 18 tuổi khi ấy là cơn bão cuộn lên với hàng ngàn câu hỏi không có câu trả lời.
Trong phút chốc, suy nghĩ quyên sinh thoáng qua đầu nữ sinh. May mắn, một người bệnh cùng phòng đã kịp giữ cô lại và báo cho gia đình.
Cũng ngay đêm hôm đó, hàng loạt lời chúc của bạn bè trong lớp được cô giáo chủ nhiệm gửi đến Châu. Những lời nhắn ấy như ngọn lửa sưởi ấm trái tim, tiếp thêm sức mạnh để nữ sinh tiếp tục chiến đấu với bệnh tật.
Sau hôm đó, Châu bắt đầu hiểu rõ hơn về căn bệnh của mình. Đây là loại u hiếm gặp, chưa có phác đồ điều trị cụ thể. Châu còn trẻ, các bác sĩ điều trị bằng thuốc và hóa chất trước.
Cô cũng phải trải qua ca phẫu thuật tuyến giáp vào tháng 5/2023, chỉ một tháng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, quá trình hồi phục không suôn sẻ. Vết mổ lành nhanh ban đầu, nhưng sau đó nứt toác ra và chảy dịch. Châu phải nhập viện lại ngay trước kỳ thi. Đêm trước ngày thi môn Ngữ văn, cả bệnh viện phải khâu vội lại vết mổ để cô kịp đi thi.
Trong phòng thi, một sự cố khó quên xảy ra: băng gạc trên cổ Châu rơi ra. Vì sự cố lộ đề năm đó, cô không được ra ngoài thay băng, đành ngồi che cổ bằng áo đến hết giờ, vừa đau vừa lo lắng.
Dù vậy, Châu vẫn hoàn thành kỳ thi và trúng tuyển Đại học Ngoại thương theo diện tuyển thẳng nhờ thành tích học tập xuất sắc trước đó.

Châu bước vào kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời với vết thương khâu vội trên cổ.
Tháng 7/2023, Châu bắt đầu hóa trị với đợt đầu, mỗi đợt 6 tuần, xen kẽ 2-3 tuần nghỉ để kiểm tra. Sau đợt này, khối u nhỏ đi một chút. Đến cuối tháng 11/2023, bác sĩ thông báo khối u đã biến mất trên hình ảnh chụp chiếu. Sau một năm theo dõi, Châu chính thức được thông báo “khỏi bệnh”.
Nghe kết quả, cô nữ sinh năm nhất khi ấy điện thoại về báo ngay tin vui cho mẹ. Ở hai đầu dây, cả hai nghẹn ngào, vì một quá trình gian khổ đã kết thúc.
Nhìn lại hành trình ấy, Châu ngộ ra nhiều điều. Từ một cô gái tiêu cực, Châu trở nên lạc quan, coi bệnh tật không phải là rào cản mà là cơ hội để sống ý nghĩa hơn.
Dù tương lai vẫn còn những thử thách, Châu của năm 20 tuổi đã không còn sợ hãi.
Với cô, sau cơn bão, ánh sáng luôn xuất hiện. Hành trình vượt qua ung thư không chỉ là câu chuyện về sự sống, mà còn là minh chứng cho sức mạnh của nghị lực, tình yêu thương và niềm tin vào những điều tốt đẹp. Châu vẫn đang bước tiếp trên con đường của mình, mang theo nụ cười và trái tim đầy hy vọng.
Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/tuoi-18-khong-giong-ai-cua-nu-sinh-mac-cung-luc-2-benh-ung-thu-20250707064524903.htm
Bình luận (0)