Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tưởng niệm giữa trùng khơi…

Trên boong tàu Trường Sa 21 giữa vùng biển DK1 thiêng liêng, những giọt nước mắt rơi vào biển cả ở lễ tưởng niệm đặc biệt. Ở đó có nghĩa trang không mộ phần mà chỉ có biển trời mênh mông, nơi máu xương của những người lính đã hòa vào sóng nước đại dương để góp phần tạc nên dáng hình Tổ quốc…

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk28/07/2025

Trong hải trình đến với DK1 đầu năm 2025, lễ tưởng niệm các liệt sĩ nhà giàn DK1 đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc tại vùng biển thuộc thềm lục địa phía Nam được tổ chức trang nghiêm, xúc động tại khu vực Nhà giàn DK1/18 cụm Phúc Tần. Thật kỳ lạ là vùng biển này sóng to, gió lớn nhiều ngày trước đó thì bỗng yên ắng, bầu trời trong xanh. Khi được thông báo sắp đến giờ làm lễ, tất cả thành viên đoàn đều nhanh chóng có mặt với trang phục chỉnh tề, trang nghiêm.

Thượng tá Triệu Thanh Tùng, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân nghiêm trang bước lên chỉnh lễ. Giọng điếu văn trầm ấm, đầy xúc động khiến tất cả lặng người với những câu chuyện bi hùng của người lính hải quân trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Không cảm phục sao được sự hy sinh cao cả của cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/3 cụm Phúc Tần, khi cơn bão giật trên cấp 12 đổ bộ đêm ngày 4, rạng sáng ngày 5/12/1990.

Trong thời khắc ấy, Thượng úy Trần Hữu Quảng đã nêu cao vai trò người bí thư chi bộ, động viên đồng đội bám sát để hỗ trợ nhau chống chọi với sóng dữ. Trong cận kề cái chết, anh đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người chiến sĩ yếu nhất, nhường sự sống cho đồng đội, để rồi thanh thản ra đi vào cõi vĩnh hằng.

Lễ tưởng niệm các liệt sĩ nhà giàn DK1.

Các đại biểu cũng bùi ngùi xúc động tưởng nhớ đến tấm gương hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/6 cụm Phúc Nguyên trước sự hung dữ và tàn khốc của cơn bão số 8 vào cuối tháng 12/1998. Dù nhà giàn bị nghiêng, rung lắc dữ dội... nhưng các anh vẫn kiên trì bám trụ, giữ vững thông tin liên lạc với Sở Chỉ huy, bình tĩnh, dũng cảm, kiên cường chống chọi với những trận cuồng phong giữa đêm đen mịt mù sóng dữ với tinh thần còn người, còn nhà trạm, quyết bám trụ đến cùng. Nhưng sức người có hạn. Nhà giàn bị đổ, cả 9 cán bộ, chiến sĩ bị hất tung xuống biển.

Đại úy Vũ Quang Chương, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/6, Chuẩn úy chuyên nghiệp Lê Đức Hồng, Chuẩn úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn An đã hy sinh, vĩnh viễn hóa thân vào sóng nước của đại dương. Càng đau xót hơn khi anh Nguyễn Văn An ra đi, để lại nỗi đau vô bờ cho người vợ trẻ cùng đứa con nhỏ mới chào đời chưa kịp nhìn mặt bố. Hành động cố gắng đến cùng để giữ vững liên lạc với đất liền khi nhà giàn đổ của liệt sĩ, Chuẩn úy Lê Đức Hồng cũng được nhắc nhớ. Anh đã mãi mãi ra đi và chỉ kịp gửi lời chào vĩnh biệt đất liền qua bộ đàm...

 

"Gương hy sinh của các anh đã trở thành biểu tượng cao đẹp, sáng ngời phẩm chất anh hùng của người chiến sĩ hải quân trong thời kỳ mới”. 

Đại tá , Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân

Đến đây, tất cả đều bùi ngùi, xúc động không cầm được nước mắt. Mọi người dành phút tưởng niệm trên nền nhạc “Hồn tử sĩ” tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh và nằm lại mãi mãi giữa biển khơi. Từng người thả những nhành hoa, con hạc giấy mang theo lời tri ân và gửi gắm ước vọng hòa bình


Chia sẻ về truyền thống DK1 anh hùng, Đại tá Vũ Duy Lưu, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân cho biết, ngày 5/7/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ra chỉ thị về việc xây dựng “Cụm kinh tế - khoa học dịch vụ” trên thềm lục địa phía Nam thuộc đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (gọi tắt là DK1). Với mệnh lệnh “Bằng bất cứ giá nào, chúng ta cũng phải giữ cho được thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc”, những người lính hải quân của Lữ đoàn 171 Hải quân đã khẩn cấp lên tàu ra khơi, trấn giữ vùng biển chủ quyền của đất nước. Thực hiện chỉ thị của Bộ Quốc phòng về tổ chức lực lượng ra tiếp quản, chốt giữ trên các nhà giàn, Quân chủng Hải quân đã quyết định thành lập Khung quản lý DK1.

Từ năm 1989 đến năm 1991, đã xây dựng được 7 nhà giàn. Tuy nhiên, do điều kiện sóng gió dữ dội, kinh nghiệm trong xây dựng nhà giàn hạn chế, không bảo đảm chắc chắn, vì vậy đã có 2 nhà giàn bị đổ. Từ năm 1992 đến năm 1998, Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân đã quyết định xây dựng thêm 13 nhà giàn. Đồng thời, nâng cấp Khung quản lý DK1 thành Tiểu đoàn DK1, trực thuộc sự quản lý chỉ huy trực tiếp của Lữ đoàn 171 Hải quân. Giai đoạn này, sau thời gian sử dụng và ảnh hưởng của thời tiết, các nhà giàn bị xuống cấp, đã có 3 nhà giàn bị đổ. Trước tình hình đó, từ năm 2010 đến 2017, Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân đã quyết định nâng cấp, đóng mới 14 nhà giàn.

Những người lính nhà giàn DK1/21 luôn vững tay súng vì sự bình yên của Tổ quốc.

36 năm kể từ khi nhà giàn DK1 đầu tiên được thành lập, đến nay, 21 nhà giàn DK1 đã trở thành những cột mốc vững chãi khẳng định chủ quyền Tổ quốc trên Biển Đông. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã gác lại những tình cảm riêng tư, gác lại bao hoài bão, khát vọng lớn lao của tuổi trẻ để có mặt, làm nhiệm vụ trên các nhà giàn thuộc thềm lục địa phía Nam. Những người lính đã thể hiện rõ ý chí quyết tâm, không ngại khó khăn gian khổ, không sợ hy sinh, luôn kiên cường bám trụ, chốt giữ, bảo vệ vững chắc cột mốc, chủ quyền tiền tiêu của Tổ quốc. Vào thời khắc giữa lằn ranh sự sống và cái chết ấy, các anh đã thể hiện rõ lòng trung thành vô hạn với Đảng, Tổ quốc, Nhân dân, quyết tâm bám trụ đến cùng, chấp nhận hy sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Nhà giàn DK1 hiên ngang như một pháo đài thép, biểu tượng của ý chí kiên cường và tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam. Sự hy sinh, mất mát của các thế hệ đi trước vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc là lời nhắc nhở đến trái tim những người lính nhà giàn hôm nay về truyền thống anh hùng, lý tưởng sống cao đẹp vì Tổ quốc, Nhân dân.

Như chia sẻ của Thượng úy Lê Xuân Quý, Chính trị viên Nhà giàn DK1/21: “Chúng tôi luôn tự hào vì được làm nhiệm vụ nơi cột mốc chủ quyền tiền tiêu của Tổ quốc. Cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn luôn vững vàng tư tưởng, quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ”.

Hay như tâm niệm của Trung úy Nguyễn Trung Đức, Khẩu đội trưởng, Nhà giàn DKI/21, thanh xuân là phải cống hiến và đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta. “Mọi người yên tâm, đã có chúng tôi luôn chắc tay súng để bảo vệ biển đảo quê hương, với phương châm “còn người là còn nhà giàn” để đảm bảo bình yên cho đất nước, nhân dân”, Trung úy Nguyễn Trung Đức nhắn gửi với đất liền.

Minh Chi

Nguồn: https://baodaklak.vn/an-ninh-quoc-phong/202507/tuong-niem-giua-trung-khoi-29f1a67/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm