Tôi có người chị gái đầu là giáo viên, dạy học tại làng An Xá, xã Lộc Thủy (quê hương Đại tướng). Lần Đại tướng về thăm quê, chị tôi vinh dự dẫn đoàn học sinh thiếu nhi tiêu biểu đến tặng hoa mừng Đại tướng nên được gần Đại tướng khá lâu. Chị tôi về kể lại cho cả nhà nghe. Tôi mang chuyện ấy kể với các bạn. Tôi và các bạn đều có chung ước mơ ngày nào đó được gặp Đại tướng như chị tôi để tận mắt ngắm Đại tướng. Chúng tôi ai cũng tự hào về Đại tướng (người con ưu tú của Quảng Bình, người học trò gần gũi, xuất sắc của Bác Hồ).
Thế rồi, khi tôi thành quân nhân, ở cùng đơn vị với các đồng chí quê tỉnh này, tỉnh khác. Các đồng chí ấy bảo tôi “quê Tướng Giáp”! Tôi thực sự tự hào về vị Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam là đồng hương của mình. Niềm mong ước được gặp Đại tướng càng tăng lên!
Thế rồi, có một ngày (hết sức đặc biệt của đời tôi): Tôi được ngồi trên xe ô tô diễu hành đi qua lễ đài có Đại tướng đứng vẫy chào, mừng miền Nam giải phóng tại Sài Gòn. Nhưng cũng chỉ là thoáng chốc được nhìn Đại tướng!
|
Khi tôi về học Trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam (đóng tại Ba Vì, Sơn Tây), có lần Đại tướng đến thăm trường, nói chuyện với cán bộ, học viên của trường. Đông người quá, tôi cũng chỉ được nhìn ngắm Đại tướng từ xa.
Mãi đến ngày tái lập tỉnh Quảng Bình, Đại tướng về thăm quê, đến thăm Trường Bồi dưỡng cán bộ tỉnh (tức Trường Chính trị bây giờ) tôi mới được gặp mặt, bắt tay, nghe Đại tướng nói chuyện suốt 2 tiếng đồng hồ. Đại tướng chụp ảnh chung kỷ niệm với cán bộ cốt cán của trường (trong đó có tôi).
Năm 2005, tôi đi dự Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam tại Hà Nội. Đoàn nhà văn Quảng Bình tổ chức đến thăm Đại tướng tại nhà riêng ở phố Hoàng Diệu. Nghe tin, nhà văn Trần Công Tấn, nhà văn Nguyễn Khắc Phê, nhà thơ Bùi Quang Thanh (mặc dù không phải quê Quảng Bình) cũng xin được đi cùng. Đại tướng và Giáo sư Đặng Bích Hà (phu nhân của Đại tướng) vui vẻ tiếp chúng tôi. Đại tướng ân cần hỏi thăm việc sáng tác của từng người và nghe một số nhà thơ đọc thơ. Tôi thưa với Đại tướng xin đọc bài thơ Về An Xá tặng Đại tướng thì Đại tướng khoát tay bảo: “Đừng đọc thơ tặng tôi! Đọc bài nào viết về Quảng Bình ấy!”. Tôi chưa nghĩ ra bài theo ý của Đại tướng thì nhà thơ Ngô Minh xin đọc một bài thơ viết về quê hương Lệ Thủy. Nghe xong, Đại tướng cùng chúng tôi vỗ tay... Đại tướng bộc bạch tâm sự về việc viết sách của mình. Đại tướng khuyên các nhà văn luôn bám sát cuộc sống, viết những gì có ý nghĩa thiết thực cho nhân dân. Chúng tôi im lặng lắng nghe. Lời của Đại tướng như lời của người cha đáng kính dạy bảo con, rất chân tình!
Đoàn nhà văn chúng tôi xin được chụp ảnh chung với vợ chồng Đại tướng... Chia tay, vợ chồng Đại tướng tiễn chúng tôi ra tận ngõ mới quay lại vào nhà...
Thế là ước mơ từ tuổi thơ của tôi đã thành hiện thực.
Tôi có cảm tưởng: Mỗi lần gặp Đại tướng, mình được lớn thêm! Trong con người Đại tướng có phẩm chất cao quý của con người Hồ Chí Minh. Hiếm có vị tướng văn võ song toàn, tài cao đức rộng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thật tự hào khi ta nghe từ phương trời nào đó cộng đồng thế giới hô vang: “Việt Nam-Hồ Chí Minh! Giáp! Giáp!”.
Ai đã từng gặp Đại tướng, được nghe Đại tướng nói chuyện, chắc cũng như tôi: Sẽ không bao giờ quên hình ảnh đẹp và giọng nói ấm áp của ông!
***
Với tình cảm chân thành và sự ngưỡng mộ Đại tướng, cho tới nay tôi đã có 4 bài thơ ca ngợi Đại tướng. Đó là: Tổng Tư lệnh của tôi, Về An Xá, Trước mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nơi Bác Giáp ngàn thu yên giấc. Những bài thơ này đã đăng báo, in sách. Trong đó bài "Nơi Bác Giáp ngàn thu yên giấc" được UBND tỉnh Quảng Bình tặng giải thưởng thơ hay viết về mảnh đất và con người Quảng Bình.
Và đây là bài thơ "Nơi Bác Giáp ngàn thu yên giấc": Nơi Bác Giáp ngàn thu yên giấc/Là nơi rừng sớm đón bình minh/Một bên núi, một bên biển biếc/Nhắc cháu con: biển, đảo giữ gìn!//Hiếm có người Tài Tâm như Bác/Ngời vinh quang song vẫn khiêm nhường/Là vị tướng nhưng giỏi từng nối nhạc/Luôn vì dân... Dân quý, dân thương!/Bay lên Trời rồi trở về đất Mẹ/Hóa thân vào cây cỏ chốn hoang sơ/Để lại nghe... giọng hò ngày bé/Nhớ lại từng chiến dịch... như mơ!//Nôi ru Bác: Vũng Chùa-Đảo Yến/Gối Hoành Sơn-huyền tích Rồng Xanh/Kính yêu Bác, triệu người đến viếng/Bác muôn đời sống giữ lòng dân.
Lý Hoài Xuân
Nguồn: https://baoquangbinh.vn/van-hoa/202505/uoc-mo-duoc-gap-dai-tuong-2226183/
Bình luận (0)