Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Văn hóa đọc - nền tảng tri thức của một xã hội phát triển

(Thanh tra) - Ngày 21/4 hàng năm được chọn là Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam - một dịp đặc biệt để tôn vinh sách, khẳng định vai trò của văn hoá đọc trong đời sống xã hội và nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc đọc sách.

Việt NamViệt Nam02/05/2025


Trong dòng chảy không ngừng của thời đại số, văn hóa đọc không còn chỉ gói gọn trong việc đọc sách giấy mà đang mở rộng sang nhiều hình thức tiếp cận mới như sách điện tử, sách nói, ứng dụng đọc trực tuyến… Song dù phương thức thay đổi ra sao, giá trị cốt lõi của văn hóa đọc – nuôi dưỡng tư duy, bồi đắp nhân cách và tạo nền tảng tri thức – vẫn luôn được gìn giữ.

Đọc sách ở thư viện huyện Đầm Hà (tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: HĐH

Một truyền thống lâu đời

Người Việt từ lâu đã có truyền thống trọng chữ nghĩa, yêu sách vở. Hình ảnh người thầy đồ bên bàn sách, học trò ê a bên trang sách mỏng manh gói ghém cả khát vọng đổi đời bằng con chữ đã in hằn trong ký ức của nhiều thế hệ. Văn hóa đọc từng là niềm tự hào của nhiều gia đình, dòng họ, được vun đắp qua từng tủ sách nhỏ, từng cuốn truyện kể đêm khuya.

Thế nhưng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, đặc biệt là sự bùng nổ của mạng xã hội và thiết bị di động, thói quen đọc sách đang đứng trước nhiều thách thức. Giới trẻ ngày càng bị cuốn vào những nội dung ngắn, nhanh, dễ tiếp thu – nhưng cũng dễ quên, thiếu chiều sâu và tính phản biện.

Thư viện tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh hoạt động của phòng truy cập Internet, phục vụ nhu cầu của bạn đọc trong thời đại kỷ nguyên số. Ảnh: Báo YB

Văn hóa đọc trong thời đại số

TS Vũ Thùy Dương - Trưởng khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định: “Chúng ta đang sống trong thời đại mà thông tin luôn ở trong tầm tay, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc người đọc trở nên sâu sắc hơn. Văn hóa đọc không chỉ là việc đọc gì, mà quan trọng là đọc như thế nào, để hiểu, để phản biện và để phát triển”.

Bà cũng cho rằng, ngành Xuất bản đang đứng trước yêu cầu đổi mới mạnh mẽ để thích nghi với thời đại mới. Không thể phủ nhận các định dạng như sách điện tử, sách nói, nền tảng đọc số đang mở ra cơ hội tiếp cận tri thức dễ dàng và linh hoạt hơn, đặc biệt với thế hệ trẻ – những người gắn bó với điện thoại thông minh nhiều hơn là sách giấy.

Tuy nhiên, theo bà Dương, muốn giữ gìn văn hóa đọc bền vững, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, cơ quan truyền thông và chính sách công. “Không thể kỳ vọng trẻ yêu đọc sách nếu ở nhà không có sách, bố mẹ không đọc; hay ở trường, thư viện trống rỗng và thầy cô không khuyến khích đọc thêm ngoài sách giáo khoa”, bà Dương nói.

Chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hòa (75 tuổi, cán bộ hưu trí, Hà Nội): “Tôi vẫn giữ thói quen đọc sách, báo giấy mỗi ngày, dù bây giờ sách điện tử nhiều lắm. Cảm giác cầm quyển sách, nghe mùi giấy mới, lật từng trang một, nó như một người bạn thân thiết theo suốt cả cuộc đời. Sách dạy tôi làm người, giúp tôi hiểu về quá khứ, trân trọng hiện tại và hy vọng vào tương lai. Tôi luôn dạy cháu mình rằng: đọc sách là cách để sống chậm lại, suy nghĩ sâu hơn và yêu thương nhiều hơn”.

Với bạn Trần Gia Hân (19 tuổi, sinh viên ngành Công nghệ thông tin Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia): “Thời đại số giúp mình tiếp cận sách dễ dàng hơn bao giờ hết, chỉ cần vài cú chạm là có thể đọc hàng nghìn đầu sách trên điện thoại. Nhưng mình nghĩ văn hóa đọc không chỉ là đọc nhiều, mà là đọc có chọn lọc và biết chiêm nghiệm. Mạng xã hội mang thông tin nhanh, còn sách cho mình nền tảng vững chắc. Dù công nghệ có thay đổi thế nào, thói quen đọc sâu và suy nghĩ kỹ vẫn là thứ mình muốn giữ gìn.”

Dù hình thức đọc thay đổi, từ sách giấy đến sách điện tử nhưng văn hóa đọc vẫn giữ giá trị cốt lõi, nuôi dưỡng tri thức, rèn luyện tư duy và kết nối con người với thế giới. Dù trẻ hay già, đọc sách vẫn là hành trình khám phá và trưởng thành không ngừng.

Chương trình "Mỗi thanh niên một cuốn sách làm bạn" được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về giá trị của văn hóa đọc. Ảnh: Báo CP

Đọc để trưởng thành

Văn hóa đọc không chỉ là vấn đề cá nhân. Đó là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, một nền kinh tế tri thức. Một quốc gia muốn phát triển bền vững cần có những công dân biết tiếp nhận và xử lý thông tin một cách khoa học, có tư duy phản biện, có khả năng thích ứng – mà những phẩm chất ấy phần lớn đến từ việc đọc.

Thực tế, nhiều quốc gia đã coi phát triển văn hóa đọc là chiến lược quốc gia. Tại Việt Nam, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) ra đời từ năm 2014 đã trở thành dịp để tôn vinh giá trị của sách, khuyến khích đọc sách trong cộng đồng. Nhiều địa phương, trường học, thư viện… tổ chức hội sách, ngày hội đọc, thi kể chuyện sách – góp phần khơi dậy tình yêu với sách từ sớm. Dẫu vậy, thách thức vẫn còn đó, tỷ lệ đọc sách trong cộng đồng còn thấp; chênh lệch tiếp cận sách giữa các vùng miền; thiếu đầu sách hay, sách chuẩn mực; và cả hiện tượng xuất bản tràn lan, thương mại hóa gây nhiễu loạn giá trị thật.


Ảnh: Nghệ An

Kỷ nguyên số mang lại thách thức, nhưng cũng là cơ hội lớn để văn hóa đọc bước sang một diện mạo mới. Những nền tảng công nghệ hiện đại hoàn toàn có thể trở thành công cụ lan tỏa văn hóa đọc nếu được định hướng đúng. Và hơn hết, văn hóa đọc cần được khơi nguồn từ mỗi cá nhân – từ việc chọn đọc thay vì lướt mạng, từ phút trầm tư bên một cuốn sách thay vì lướt vội những dòng thông tin ngắn ngủi.

Đọc không phải để chạy đua, mà để hiểu mình, hiểu đời, và không ngừng lớn lên trong tư tưởng. Bởi một dân tộc mạnh không thể chỉ mạnh về kinh tế, mà phải mạnh cả trong tâm hồn, trong tri thức – và điều đó bắt đầu từ những trang sách lặng lẽ nhưng sâu sắc.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Bởi vậy, việc xây dựng nền văn hóa, trong đó có văn hóa đọc mang tính toàn dân, toàn xã hội là việc “cần làm ngay”.

Nguồn:https://thanhtra.com.vn/an-sinh-AFA9C5670/van-hoa-doc-nen-tang-tri-thuc-cua-mot-xa-hoi-phat-trien-d8caa5504.html




Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Rừng Tà Kóu tôi đi
Phi công kể lại giây phút 'bay qua biển cờ đỏ ngày 30-4, tim rung lên vì Tổ quốc'
Tp. Hồ Chí Minh 50 năm sau ngày thống nhất
Trời đất giao hoà, vui cùng non sông

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm