Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Về Cao Lãnh dự Lễ giỗ ông, bà Đỗ Công Tường lần thứ 205

Báo Đồng ThápBáo Đồng Tháp28/07/2025

ĐTO - Từ ngày 31/7 - 3/8/2025 (nhằm mùng 7 - 10/6 âm lịch, năm Ất Tỵ), người dân và du khách sẽ cùng tề tựu về phường Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) để tham dự Lễ giỗ ông, bà Đỗ Công Tường lần thứ 205. Đây là sự kiện văn hóa tâm linh quan trọng, nhằm tuyên truyền, giáo dục và tạo điều kiện cho mọi người bày tỏ lòng tôn kính, ghi nhớ công ơn của ông, bà Đỗ Công Tường - những người có công khai khẩn đất hoang và cưu mang giúp đỡ người dân thuở khai hoang mở cõi.


Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường (tọa lạc tại đường Lê Lợi, phường Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia

Lễ giỗ năm nay do UBND phường Cao Lãnh tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao và kết nối du lịch đa dạng, hứa hẹn mang đến không gian lễ hội ý nghĩa, góp phần quảng bá hình ảnh, giá trị văn hóa tâm linh vùng đất Cao Lãnh và nghệ thuật dân gian đến du khách gần xa.

Đền thờ và mộ ông, bà Đỗ Công Tường tọa lạc tại đường Lê Lợi, phường Cao Lãnh sẽ là trung tâm của các hoạt động. Lễ giỗ được tổ chức trong không gian mở rộng với nhiều chương trình đặc sắc như: Không gian Văn hóa Góc quê để tái hiện những nét đẹp truyền thống qua các hoạt động thư pháp, tái hiện chợ Vườn Quýt xưa và trải nghiệm trà đạo thanh tịnh; Đêm hội hoa đăng chủ đề “Trăm năm nguồn cội” sẽ là đêm huyền ảo với hàng ngàn hoa đăng lung linh, mang đậm ý nghĩa tri ân và tưởng nhớ; Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của Đồng Tháp là cơ hội để du khách khám phá và mua sắm những đặc sản địa phương. Hoạt động nói chuyện Chuyên đề về công đức ông, bà Đỗ Công Tường nhằm giúp người dân và du khách hiểu sâu sắc hơn về tấm gương đạo đức và công lao của ông, bà. Cùng với đó, hoạt động giao lưu các Câu lạc bộ dưỡng sinh, thi đấu môn cờ tướng, hội diễn lân - sư - rồng sẽ diễn ra sôi nổi, hào hứng, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân.

Năm 2019, mộ và đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia, khẳng định giá trị to lớn của di tích này trong lịch sử và đời sống tinh thần của người dân. Hằng năm, Lễ giỗ ông, bà không chỉ là dịp để tri ân bậc tiền nhân đã có công ơn với người dân, mà còn là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân Cao Lãnh, đặc biệt là những tiểu thương buôn bán tại chợ Cao Lãnh, luôn cầu mong ông, bà phù hộ mua may bán đắt, làm ăn phát đạt.


Ban Tế tự Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường thực hiện Lễ nghinh sắc theo nghi thức dân gian truyền thống năm 2024

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng Ban Tế tự Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường chia sẻ: “Hiện nay, chúng tôi đang chuẩn bị chu đáo cho Lễ giỗ ông, bà Đỗ Công Tường lần thứ 205 như: dọn dẹp vệ sinh, sắp xếp các công việc hậu cần để chuẩn bị lễ cúng và tiếp đãi người dân trong những ngày diễn ra lễ giỗ. Hằng năm, Lễ giỗ ông, bà có khoảng 90.000 người dân ở Cao Lãnh và từ các nơi đến cúng ông, bà”. Điều này cho thấy sự gắn bó sâu sắc và lòng thành kính của người dân đối với ông, bà Đỗ Công Tường.


Du khách khắp nơi đến cúng viếng tại Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường

Theo tư liệu lịch sử, vào những năm đầu thời vua Gia Long, ông, bà Đỗ Công Tường, tục danh là Lãnh, từ miền Trung đến lập nghiệp tại thôn Mỹ Trà (TP Cao Lãnh trước đây). Với tính tình cương trực và gia tư khá giả, ông được dân làng cử giữ chức Câu Đương, phân xử các vụ tranh tụng. Ông, bà đã khai khẩn đất hoang và trồng vườn quýt bên bờ rạch Thầy Khâm. Nơi đây dần trở thành điểm tập trung mua bán sầm uất. Thấy cảnh người mua bán không nơi trú ngụ khi nắng mưa, ông, bà đã dựng chòi tre lá, hình thành nên chợ ban đầu, về sau được gọi là chợ Vườn Quýt, chợ Ông Câu hay Câu Lãnh - cái tên gắn liền với địa danh Cao Lãnh ngày nay.


Người dân Cao Lãnh gói bánh tét để dâng lên cúng viếng ông, bà Đỗ Công Tường bày tỏ lòng thành kính và tri ân

Năm Canh Thìn (1820), khi dịch tả hoành hành khắp vùng Mỹ Trà, gây ra cái chết của rất nhiều người, ông, bà Đỗ Công Tường đã lập bàn hương án, nguyện chết thay cho dân chúng và cầu cho dịch bệnh chấm dứt. Sau 3 ngày chay lạt, khổ hạnh, bà mất vào mùng 9 tháng 6 âm lịch và ông cũng qua đời vào mùng 10. Kỳ lạ thay, sau đó dịch tả dần lắng xuống. Tưởng nhớ công đức vô bờ của ông, bà, Nhân dân đã lập miếu phụng thờ, gọi là Miếu ông, bà Chủ Chợ và tổ chức lễ giỗ vào mùng 9 - 10 tháng 6 âm lịch hằng năm.


Du khách đến dự Lễ giỗ ông, bà Đỗ Công Tường và tham quan, chụp ảnh lưu niệm với các tiểu cảnh tái hiện không gian xưa (Ảnh : tư liệu)

Những ngày cận kề lễ giỗ, không khí tại phường Cao Lãnh trở nên nhộn nhịp, tươi vui. Lễ giỗ ông, bà Đỗ Công Tường thực sự là lễ hội của lòng dân, nơi những giá trị truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” được gìn giữ và lan tỏa. Đối với nhiều thế hệ người Cao Lãnh, dù đang sinh sống tại địa phương hay ở xa, những kỷ niệm về Lễ giỗ ông, bà Chủ chợ, về Cao Lãnh thân yêu luôn là một phần ký ức đẹp đẽ, nhắc nhở về nguồn cội và lòng biết ơn sâu sắc.

DƯƠNG ÚT

Nguồn: https://baodongthap.vn/van-hoa/ve-cao-lanh-du-le-gio-ong-ba-do-cong-tuong-lan-thu-205-133230.aspx


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm