Nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách về chuyển đổi số trong giáo dục, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP HCM phối hợp cùng Trung tâm Phát triển Khoa học Công nghệ & Kinh tế Maple (Maple STC) và Tổ chức Khảo thí ABE (Vương quốc Anh) tổ chức chuỗi hội thảo chuyên sâu "Ứng dụng AI trong giáo dục nghề nghiệp: Từ chính sách đến thực tiễn".
Hội thảo chuyên sâu "Ứng dụng AI trong giáo dục nghề nghiệp: Từ chính sách đến thực tiễn".
Buổi hội thảo đầu tiên với chủ đề "Ứng dụng AI phục vụ Tư vấn, Hướng nghiệp và Tuyển sinh" được tổ chức vào sáng 9-5 tại Trường CĐ Kinh tế TP HCM quy tụ đông đảo đại biểu từ các cơ sở giáo dục, tổ chức công nghệ và nhà hoạch định chính sách.
Ông Đỗ Hữu Khoa, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Chuyển đổi số Hội Giáo dục nghề nghiệp, cho biết chuỗi hội thảo là bước đi cụ thể hóa các định hướng chiến lược của Nhà nước về chuyển đổi số. Thông qua việc tự động hóa các tác vụ lặp lại, phân tích dữ liệu lớn, cá nhân hóa học tập và dự báo xu hướng nghề nghiệp, AI mở ra hướng đi mới cho các cơ sở đào tạo trong việc tối ưu hóa nguồn lực và tăng hiệu quả tiếp cận người học.
Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc nghiên cứu và xây dựng sản phẩm của Công ty TNHH Workerbot, cho biết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở TP HCM và nhiều tỉnh, thành đều đang đối mặt với 3 vấn đề lớn trong tuyển sinh.
"Một là khó tiếp cận đúng đối tượng học sinh, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh cao với đại học; hai là nguồn lực tuyển sinh còn mỏng, chưa có hệ thống quản lý dữ liệu học sinh hiệu quả; ba là thiếu công cụ truyền thông cá nhân hóa và hỗ trợ tư vấn tự động hoá, dẫn đến chi phí tuyển sinh tăng cao mà hiệu quả không tương xứng" - ông Phúc chỉ rõ.
Ông Phúc giới thiệu về mô hình ứng dụng AI tư vấn tuyển sinh tự động, hỗ trợ thí sinh thông qua các kênh Facebook, Zalo OA và website của Trường CĐ Văn Lang
Theo ông Phúc, nếu biết ứng dụng, AI sẽ là "cánh tay" đắc lực giúp nhà trường tiết kiệm thời gian, chi phí và tuyển sinh hiệu quả.
Cụ thể, AI giúp phân tích hành vi học sinh, sở thích nghề nghiệp, vị trí địa lý và hành trình tra cứu thông tin để cá nhân hóa thông điệp tuyển sinh. Sau đó gửi đến học sinh vào đúng thời điểm.
AI Chatbot có thể tư vấn 24/7, trả lời mọi câu hỏi của học viên và phụ huynh, đồng thời có khả năng tự thao tác đăng ký xét tuyển trên nền tảng số của trường. Hệ thống AI tích hợp CRM giúp phân tích tỉ lệ chuyển đổi, điểm chạm hiệu quả, đề xuất các phương án tối ưu chiến dịch tuyển sinh.
Nguồn: https://nld.com.vn/vi-sao-can-ung-dung-ai-trong-giao-duc-nghe-nghiep-19625050911021085.htm
Bình luận (0)