Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Viên ngọc quý kịch nói giữa gia tộc Thanh Nga

Thế hệ thứ ba của gia tộc Thanh Nga sáng rực lên với viên ngọc quý của sân khấu kịch nói: NSƯT Hữu Châu.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên19/07/2025

Hữu Châu là con của nghệ sĩ Hữu Thình và Thanh Lệ, gọi Thanh Nga là cô ruột, gọi Bảo Quốc là chú ruột.

Từ nhỏ anh đã sống trong cái nôi của gánh hát, kề cận bà nội và các cô chú nghệ sĩ, cho nên anh cũng thừa hưởng được nhiều nghệ thuật quý giá của cải lương. Nhưng anh không có giọng ca mùi mẫn nên không theo cải lương, và cũng lớn lên lúc đoàn Thanh Nga khó khăn, bà nội qua đời, không ai trong gia tộc tiếp tục quản lý đoàn nữa, giao hẳn cho cán bộ của Sở VH-TT TP.HCM quản lý, cho nên anh chọn kịch nói để học.

Sau khi tốt nghiệp Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (tiền thân của Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM), Hữu Châu lăn vào đời mưu sinh bằng cách đi tấu hài vì sân khấu kịch lúc đó chưa khởi sắc. Trong giai đoạn hài đang tiến dần đến cực thịnh thì cơ hội cho diễn viên trẻ rất nhiều, thế là Hữu Châu cùng bật sáng như chú Sáu Bảo Quốc, làm mưa làm gió khắp các tụ điểm, và cả hai chú cháu đều được khán giả ái mộ vô cùng.

Rồi khi sân khấu 5B, Nhà hát Hòa Bình, IDECAF, Thiên Đăng phát triển, Hữu Châu về cộng tác, tỏa sáng rực rỡ trong các vở dài, cả chính kịch lẫn hài kịch, kịch lịch sử, kịch tâm lý, kể cả vai trò đạo diễn. Hữu Châu rất đa năng, và tuy giỏi diễn kịch nhưng anh thừa kế và áp dụng nhiều bài học quý từ sân khấu cải lương Thanh Nga, khiến nghệ thuật diễn xuất của anh có những điểm rất khác biệt. Vai Nguyễn Trãi (vở Bí mật vườn Lệ Chi) là vai diễn để đời, bên cạnh những nhân vật xuất sắc như Lỗ Quý (Lôi Vũ), ông Phán (Cậu đồng), Nguyễn Quốc công (Vua thánh triều Lê) … Anh còn tham gia rất nhiều phim nhựa lẫn truyền hình.

Viên ngọc quý kịch nói giữa gia tộc Thanh Nga- Ảnh 1.

NSƯT Hữu Châu và Hồng Loan trong vở Tiếng trống Mê Linh

ẢNH: H.K

Và không thể không nhắc đến đóng góp rất lớn của Hữu Châu trong công tác đào tạo. Mười mấy năm anh giảng dạy ở Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, sân khấu Hồng Vân, nổi tiếng là người thầy nghiêm khắc, nhưng dạy rất hiệu quả và được học trò yêu thương.

HÌNH BÓNG THANH NGA TRONG THẾ HỆ THỨ ba

Thế hệ này còn có Hồng Loan (con gái của Bảo Quốc) dù sống bên Mỹ nhưng vẫn hoạt động trong lĩnh vực cải lương lẫn kịch nói. Hồng Loan có điểm đặc biệt là khi diễn lại có nét hao hao cô ruột Thanh Nga. Tất nhiên, không thể sánh bằng Thanh Nga, nhưng trong dòng máu của Hồng Loan vẫn có chút gì của gia tộc, nên khi cô diễn vai Trưng Trắc (vở Tiếng trống Mê Linh), khán giả bất giác giật mình. Cô nói: "Dù xa quê nhưng tôi vẫn quyết giữ gìn truyền thống gia đình, giữ được bao nhiêu hay bấy nhiêu, chứ không dám so sánh với thế hệ cha chú quá giỏi. Mình giữ văn hóa Việt, nghệ thuật Việt, để con cháu mình không bị hụt hẫng".

Hồng Loan cùng chồng lập một kênh YouTube tên là Bảo Quốc - Hồng Loan, hiện có gần 300.000 người theo dõi, chuyên phát sóng tin tức xã hội, văn hóa của Mỹ, châu Âu, Trung Đông, VN. Trong đó, cô có thể ca cải lương cho khán giả nghe, cũng là cách giữ cho ngọn lửa cải lương được sáng. Thực tế ở nước ngoài sân khấu cải lương khá lặng lẽ, một năm hoặc vài năm mới có một vở ra mắt, dù mời rất đông nghệ sĩ nhưng vẫn không đủ đất cho nghệ sĩ tung hoành. Vì vậy sử dụng kênh YouTube để giao lưu với khán giả là cách phù hợp nhất. Ngoài ra, Hồng Loan thường đi hát show cuối tuần với tân nhạc và diễn hài, vậy cũng bớt nhớ sân khấu. Còn mỗi năm về VN thì sẽ hát cải lương cho "ông bầu" Gia Bảo, cũng là một cơ hội đáng quý.

Viên ngọc quý kịch nói giữa gia tộc Thanh Nga- Ảnh 2.

Gia Bảo và Hồng Trang trong vở Lũ quỷ sống

ẢNH: H.K

Khi hỏi đến thế hệ kế tiếp là cô con gái, Loan cười: "Nó đòi đi học điện ảnh. Tôi có làm vài phim ngắn cho con đóng thử đăng lên kênh, được khán giả khen. Thôi thì không hát cải lương được, cứ theo nghệ thuật vẫn là giữ lửa cho gia tộc".

Nhưng đặc biệt Hồng Loan thực hiện được một công tác thiện nguyện rất ý nghĩa, đó là dùng kênh của mình để tìm người thất lạc trên đường ra hải ngoại sau 1975, miễn phí hoàn toàn. Mới thực hiện 3 năm mà đã tìm được gần 400 người. "Đâu cũng là đồng bào mình, đoàn tụ là hạnh phúc rồi", cô nói.

Cùng thế hệ này còn có Hà Linh (con của Thanh Nga) cũng diễn kịch và phim, không nổi tiếng bằng các anh chị trong gia tộc nhưng vẫn có gien nghệ thuật, sống được bằng nghề.

NSƯT Hữu Châu nói: "Chúng tôi sinh ra trong một gia tộc nghệ thuật lớn chính là một may mắn, nhưng cũng không ít áp lực, chỉ biết cố gắng hết sức mà thôi. Quan trọng là không chỉ giữ lấy nghề mà còn giữ được cái "đạo" làm nghề, tử tế, đàng hoàng. Mình ăn lộc tổ thì mình phải biết ơn tổ, biết ơn khán giả, đơn giản vậy thôi". (còn tiếp)

Nguồn: https://thanhnien.vn/vien-ngoc-quy-kich-noi-giua-gia-toc-thanh-nga-185250719203130017.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm