Theo thông tin từ họa sĩ Bùi Đức Lâm, họa sĩ Nguyễn Hùng Lân (sinh năm 1956) mất do đột quỵ. Do ông ở một mình, nên không ai phát hiện kịp thời để cấp cứu. "Không thể đếm được mình đã có bao nhiêu buổi ngồi cùng anh, trao đổi với anh bao nhiêu chuyện đời, chuyện nghề, và cả chuyện đạo... Tất cả giờ là kỷ niệm, anh Hùng Lân ơi!", họa sĩ Bùi Đức Lâm thảng thốt.
Họa sĩ Nguyễn Hùng Lân (trái) và họa sĩ Bùi Đức Lâm
Ảnh: HỌA SĨ BÙI ĐỨC LÂM CUNG CẤP
Cuộc đời của họa sĩ Nguyễn Hùng Lân đến với hội họa như một cái duyên, dù trước đó ông có một nghề không liên quan đến mỹ thuật là công nhân cạo mủ cao su. May mắn thay, trong một lần về Mỹ Tho, ông bắt gặp rồi cầm đọc một tác phẩm truyện tranh thì cảm thấy mình cũng có thể làm được, rồi gắn bó luôn với nghề.
Cuộc đời họa sĩ Hùng Lân cũng là câu chuyện đáng ngưỡng mộ
Cả cuộc đời lao động nghệ thuật của ông có hơn 700 tập truyện. Ngoài bộ truyện tranh nổi tiếng như Dũng sĩ Hesman (160 tập), ông còn có nhiều tác phẩm khác rất được yêu thích: Cô Tiên xanh (150 tập), Siêu nhân Việt Nam... Có thể nói từ những năm cuối thập niên 1980 đến đầu 2000, họa sĩ Nguyễn Hùng Lân đã nuôi dưỡng ký ức tuổi thơ của biết bao thế hệ độc giả bằng những nét vẽ giản dị nhưng giàu tưởng tượng, với những câu chuyện nhân văn, hào sảng.
Về sự ra đi của ông, trang Du Bút chia sẻ rất cảm động: "Cuộc đời họa sĩ Hùng Lân cũng là câu chuyện đáng ngưỡng mộ. Không qua trường lớp chính quy, ông "khởi nghiệp" với cuốn truyện tranh đầu tiên khi đã ngoài 30 tuổi, sau những năm tháng gian khổ làm thợ cạo mủ cao su. Từng bước một, ông vừa vẽ vừa học, vừa đáp ứng thị hiếu độc giả vừa tạo nên cá tính sáng tạo riêng biệt. Chính tinh thần làm việc bền bỉ đã giúp ông nuôi sống cả gia đình 5 con và đưa truyện tranh Việt vào thời kỳ hưng thịnh. Ông là một trong những họa sĩ hiếm hoi giữ lửa sáng tạo liên tục suốt hơn ba thập kỷ. Không chỉ để lại dấu ấn trên mặt báo và kệ sách, ông còn để lại ảnh hưởng sâu đậm trong tâm hồn của nhiều thế hệ họa sĩ trẻ – trong đó có cả chúng tôi, những người ở Du Bút. Đặc biệt, thái độ khiêm tốn, cầu thị và tinh thần sáng tạo không ngừng nghỉ của ông luôn là tấm gương lớn cho những người làm truyện tranh Việt Nam hôm nay".
Cả cuộc đời lao động nghệ thuật của ông có hơn 700 tập truyện
Ảnh: Tư liệu
Được biết, bộ truyện tranh khoa học viễn tưởng Dũng sĩ Hesman (do NXB Mỹ thuật Hà Nội ấn hành, dài 160 tập) được ông rất tâm huyết và tập trung thực hiện ròng rã từ năm 1992 đến năm 1997. Tập 160 được họa sĩ sáng tác vào năm 2019 đã tạo nên "cơn sốt" đối với độc giả và tạo tiếng vang lớn cho tên tuổi ông.
Một công việc khác ít người biết: anh Hùng Lân chính là Chủ tịch Hội đồng Mục vụ, kiêm Trưởng Ca đoàn Giáo xứ Phú Hạnh. Ngoài tài sáng tác thánh ca, anh còn viết truyện ngắn, truyện dài (không phát hành, chỉ in ít bản tặng bạn bè thân thiết – trong đó có tôi)...
Nguồn: https://thanhnien.vn/vinh-biet-hoa-si-nguyen-hung-lan-cha-de-bo-truyen-tranh-huyen-thoai-dung-si-hesman-185250509204603834.htm
Bình luận (0)