Tối 24/4, tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau long trọng tổ chức Lễ đón bằng Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Bến Vàm Lũng (thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển).
Đây là 1 trong 4 di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển, gồm các bến chính: K15 (Đồ Sơn – TP Hải Phòng; Vũng Rô (Phú Yên); Lộc An (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Vàm Lũng (Cà Mau) đã được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt vào tháng 11/2024.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân (bìa trái) đón nhận Bằng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bến Vàm Lũng - Cà Mau.
Hoạt cảnh tái hiện sự cống hiến, hy sinh của những cán bộ, chiến sĩ đã làm nên con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại.
Về dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Lam, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Thiếu tướng Nguyễn Văn Tiền, Phó Tư lệnh Quân khu 9. Về phía địa phương có các đồng chí: Nguyễn Hồ Hải, Bí thư Tỉnh uỷ; Lê Thị Nhung, Phó chủ tịch điều hành HĐND tỉnh; Hồ Trung Việt, Trưởng Ban Tuyên Giáo - Dân vận Tỉnh uỷ; Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh. Các đồng chí nguyên án bộ, chiến sĩ Đoàn 759, Đoàn 962…
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Đoàn 962 lưu hương, hoa tại cửa Vàm Lũng, tri ân và tưởng nhớ những cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số đã hy sinh mở đường Hồ Chí Minh trên biển.
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Bí thư Tỉnh uỷ và các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh và cán bộ, chiến sĩ đường Hồ Chí Minh trên biển dâng hương, dâng hoa tại Nhà niệm hương Đoàn 962 - Bến Vàm Lũng (huyện Ngọc Hiển).
Đông đảo cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân đến dâng hương tại Nhà Niệm hương Đoàn 962 - Bến Vàm Lũng.
Sau Hiệp định Genève (1954), khi đất nước tạm thời chia cắt hai miền, âm mưu của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm là biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, đàn áp dã man phong trào cách mạng bằng Luật 10/59, tàn sát, giết hại hàng vạn đồng bào yêu nước và chiến sĩ cách mạng…
Trước tình thế đó, Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết 15 (1959), xác định “Con đường cách mạng giải phóng miền Nam là đấu tranh vũ trang”.
Mở đường huyền thoại trên biển
Theo đó, nhu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Trong khi tuyến đường Trường Sơn trên bộ đang vận hành nhưng chưa vươn tới được các địa bàn trọng yếu ở Nam Bộ, một hướng vận tải mới được gợi mở, chi viện cho chiến trường miền Nam bằng đường biển.
Ngày 1/8/1961, con tàu số 1 của tỉnh Cà Mau do đồng chí Bông Văn Dĩa chỉ huy, xuất phát từ vàm Cá Mòi, xã Viên An (nay là xã Tân Ân), huyện Ngọc Hiển. Con tàu thô sơ, chỉ có 7 người, vượt hải trình ra Bắc suốt 7 ngày trong mùa biển động. Ngày 7/8/1961, tàu cập bến an toàn tại cửa Nhật Lệ (tỉnh Quảng Bình). Từ đây, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn 759 (tiền thân của Đoàn 125 Hải quân), đánh dấu sự khai sinh chính thức của đường Hồ Chí Minh trên biển.
Sau thời gian chuẩn bị khẩn trương và bí mật, ngày 11/10/1962, con tàu Phương Đông 1 do đồng chí Lê Văn Một làm thuyền trưởng, đồng chí Bông Văn Dĩa làm chính trị viên, tiếp nhận 30 tấn vũ khí ở bến Đồ Sơn, Hải Phòng, thẳng hướng vào Nam.
Vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, đến sáng ngày 16/10/1962, tàu Phương Đông 1 cập Bến Vàm Lũng (Ngọc Hiển, Cà Mau) an toàn, thành công mang theo 30 tấn vũ khí vào miền Nam, chính thức khai thông con đường vận tải quân sự trên biển Đông.
Tiếp nối thành công của con tàu Phương Đông 1, các tàu Phương Đông 2,3,4 lần lượt cập Bến Vàm Lũng an toàn. Chỉ trong vòng 2 tháng, 4 chuyến tàu đầu tiên đã mang 111 tấn vũ khí vào miền Nam. Đây là sự chi viện kịp thời, tiếp thêm sức mạnh cho cách mạng miền Nam, khẳng định sự đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong chiến lược mở đường vận tải quân sự trên biển.
Với sự phối hợp nhịp nhàng giữa lực lượng Hải quân miền Bắc và đơn vị tiếp nhận hàng hoá ở miền Nam, cùng với lợi thế về địa hình, sự che chở của rừng đước, rừng mắm Cà Mau, bến Vàm Lũng trở thành cửa ngõ vũ khí huyết mạch, đóng vai trò then chốt trong tuyến đường huyền thoại.
Đoàn 962 anh hùng
Để có thể tiếp nhận và bảo quản kịp thời một khối lượng vũ khí tương đối lớn trong điều kiện địch thường xuyên bao vây, đánh phá, Trung ương Cục miền Nam quyết định thành lập một đơn vị đặc biệt là Đoàn 962 vào ngày 19/9/1962.
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Bí thư Tỉnh uỷ cùng cán bộ, chiến sĩ dâng hương tại Tượng đài Bến Vàm Lũng.
Đông đảo cán bộ, chiến sĩ dâng hương tại Tượng đài Bến Vàm Lũng.
Trong số 124 chuyến tàu từ đường Hồ Chí Minh trên biển (chở theo hơn 6.600 tấn vũ khí) riêng Bến Vàm Lũng tiếp nhận 68 chuyến. Như vậy, Bến Vàm Lũng là bến tiếp nhận chuyến tàu đầu tiên, và cũng là bến tiếp nhận vũ khí nhiều chuyến nhất từ con đường huyền thoại. Từ Vàm Lũng, năm 1963 chúng ta có vũ khí đánh thắng trận Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là. Từ Vàm Lũng, ta mở tuyến đường vận tải nội bộ dọc ven biển lên chiến trường Quân khu 7 hơn 1.400 tấn. Từ Vàm Lũng, ta tổ chức một đội vận tải đường bộ để chuyển 315 tấn vũ khí cho 2 tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long…
Trong tình thế máy bay địch trên đầu, tàu quân thù trước mặt, suốt hơn 10 năm làm nhiệm vụ tiếp nhận vũ khí, Bến Vàm Lũng vẫn nằm ẩn mình bí mật giữa rừng. Bí mật, an toàn là yếu tố sống còn của nhiệm vụ. Để đảm bảo an toàn, tất cả các hoạt động đón tàu vào, đưa tàu ra, bốc dỡ, vận chuyển hàng đều diễn ra vào ban đêm.
Để ghi nhận sự hy sinh cao cả và những chiến công hào hùng, Đoàn 962 đã 2 lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Với những thành tích xuất sắc, 4 Cụm bến thuộc Đoàn 962, trong đó có Đơn vị HN75 - Cụm bến Vàm Vũng (Cà Mau) đã được tuyên dương Đơn vị Anh hùng.
Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành huyền thoại - đó là con đường không dấu, tàu không số; không chỉ chuyên chở vũ khí, hàng hoá mà còn mang cả tình cảm, niềm tin, ý chí và khát vọng độc lập của miền Bắc dành cho miền Nam, góp phần làm nên thắng lợi cuối cùng của cả dân tộc.
Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Hồ Hải và Phó chủ tịch điều hành HĐND tỉnh Lê Thị Nhung tặng quà tri ân các gia đình người có công đóng góp cho sự thành công của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Vàm Lũng - Cà Mau.
Giá trị và tầm vóc lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển
Phát biểu ôn lại truyền thống của Đoàn 962, Đại tá Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962 cho biết tại Bến Vàm Lũng, với 6.615 tấn vũ khí đã nhận, được bảo quản và giữ gìn tốt, trên 100 kho lớn nhỏ xây nổi hay chìm (loại có xây xi măng cất giữ dưới mặt đất); có lúc tàu vào nhiều, tổng kho của Bến Vàm Lũng lúc cao nhất chứa trên 60 tấn, trong khi kho chỉ cách Chi khu Năm Căn chưa đầy 10 km đường chim bay. Toàn bộ các kho đều được bảo vệ tốt, địch không đánh trúng một kho nào.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân nêu lên tầm vóc và giá trị lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển, trong đó có vai trò quan trọng của Bến Vàm Lũng - Cà Mau.
“Trong hoạt động của Đoàn 962, còn có một nhân tố trực tiếp đến nhiệm vụ của đoàn đó là Nhân dân, vì muốn mở bến phải di dân để xây căn cứ, và phải giữ bí mật nhiệm vụ của đơn vị đối với Nhân dân nhưng lại cần sự chở che, đùm bọc của Nhân dân và chính quyền địa phương; về phía Nhân dân, khi cách mạng cần xây dựng căn cứ thì tự giác di dời. Hai quan điểm cách mạng đó gặp nhau từ đầu, về sau này khi Nhân dân và chính quyền địa phương biết được nhiệm vụ của Đoàn 962 thì càng gắn bó, bảo vệ các hoạt động của Đoàn chặt chẽ và hiệu quả hơn”, đại tá Khưu Ngọc Bảy chia sẻ.
Theo nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962, thuật ngữ: “Bến cảng giữa lòng dân” không phải do một tổ chức và cá nhân đặt ra, mà nó xuất phát từ tấm lòng, nghĩa cử của chính quyền và Nhân dân địa phương đối với Đoàn 962; cán bộ, chiến sĩ của Đoàn 962 với tấm lòng biết ơn và quý trọng, sự đoàn kết quý báu đó đã tạo nên một “Bến cảng giữa lòng dân” tồn tại trong tâm trí của mỏi người chiến sỹ cách mạng suốt thời chiến tranh chống Mỹ và cho đến tận bây giờ.
Các đại biểu tham quan Nhà trưng bày truyền thống Đoàn 962 .
Khẳng định tầm vóc của Đường Hồ Chí Minh trên biển là hết sức lớn lao, đã phát huy tinh thần, sức mạnh dân tộc với một quyết tâm và ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân cho rằng, chính từ sự quyết tâm và ý chí kiên cường ấy, những chiến sĩ của các đoàn tàu không số đã có được những cách thức đi biển, cũng như cách thức vận chuyển vũ khí cực kỳ sáng tạo, công khai mà bí mật để có thể vận chuyển một cách an toàn, hiệu quả nhất.
“Đoàn tàu không số đã tạo nên sức mạnh biểu cảm sâu sắc, đã làm lay động trái tim của mỗi người dân yêu nước, niềm tự hào to lớn trong dòng chảy cách mạng của dân tộc ta. Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành một huyền thoại, một kỳ tích, là sự độc đáo và sáng tạo của cuộc chiến tranh Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân đánh giá.
Trần Nguyên
Nguồn: https://baocamau.vn/vinh-danh-con-duong-huyen-thoai-tren-bien-a38591.html
Bình luận (0)