Chiều 9/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.
Về định nghĩa công nghệ số chiến lược, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) dẫn khoản 2 Điều 3 dự thảo Luật quy định công nghệ số chiến lược là một loại công nghệ chiến lược, có vai trò quyết định đối với sự phát triển của quốc gia, có ảnh hưởng lớn đến năng lực cạnh tranh, an ninh quốc gia và tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
![]() |
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh). (Ảnh: DUY LINH) |
Trong đó bao gồm các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Internet vạn vật, thực tế ảo, thực tế tăng cường, bán dẫn và các công nghệ số chiến lược khác.
Đại biểu cho rằng, việc liệt kê mở dễ dẫn đến mâu thuẫn khi xác định chính sách ưu đãi không rõ căn cứ pháp lý để xác định chiến lược, gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước khi áp dụng, đặc biệt trong xét duyệt dự án sandbox, phân bổ nguồn lực.
Do vậy, đại biểu Bình đề xuất thay định nghĩa trên bằng một định nghĩa có tiêu chí cụ thể để tạo minh bạch, thống nhất trong quản lý và ưu đãi, làm cơ sở xác định đầu tư công, nghiên cứu trọng điểm, đào tạo nhân lực và thử nghiệm sandbox.
Theo đó, công nghệ số chiến lược là công nghệ có tính nền tảng, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia, năng lực cạnh tranh quốc tế, tốc độ đổi mới sáng tạo và tăng trưởng kinh tế bền vững.
Việc xác định danh mục công nghệ số chiến lược được Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ và căn cứ các tiêu chí như mức độ ảnh hưởng đến các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển, khả năng tạo đột phá về năng suất, hiệu quả, khả năng ứng dụng rộng rãi trong xã hội và nền kinh tế số, tác động đến quyền số và an ninh dữ liệu quốc gia.
![]() |
Quang cảnh phiên thảo luận ở hội trường chiều 9/5. (Ảnh: DUY LINH) |
Một nội dung khác cũng được đại biểu Đoàn Trà Vinh đề cập là về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sandbox. Theo đại biểu Bình, Điều 51 quy định khung pháp lý cho sandbox nhưng chưa xác định rõ tiêu chí lựa chọn sản phẩm, dịch vụ được phép thử nghiệm. Thiếu minh bạch có thể dẫn đến tình trạng xét duyệt tùy nghi hoặc lạm dụng chính sách, miễn trừ trách nhiệm.
Đại biểu đề xuất bổ sung thêm 1 khoản riêng tại Điều 51 hoặc nghị định hướng dẫn về bộ tiêu chí lựa chọn sản phẩm dịch vụ đủ điều kiện thử nghiệm. Thí dụ, có yếu tố công nghệ mới tích hợp đa công nghệ chưa được pháp luật hiện hành quy định rõ, có tiềm năng giải quyết bài toán thực tiễn trong chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả dịch vụ công hoặc năng suất doanh nghiệp, có phương án kiểm soát rủi ro rõ ràng về an toàn dữ liệu, quyền riêng tư, quyền lợi người tiêu dùng, không vi phạm quy định về quốc phòng, an ninh, đạo đức xã hội.
“Việc bổ sung này sẽ bảo đảm sự minh bạch, công bằng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, làm căn cứ đánh giá rủi ro, cấp phép thử nghiệm một cách có trách nhiệm”, đại biểu Thạch Phước Bình nêu quan điểm.
Cần phân biệt rõ các nhóm tài sản số
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn) đề nghị bổ sung quy định yêu cầu các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) có rủi ro cao hoặc tác động rộng lớn phải được đánh giá và thẩm định bởi các tổ chức kiểm định độc lập được nhà nước chỉ định, trước khi được triển khai nhằm bảo đảm an toàn và hiệu quả trong quản lý nhà nước.
![]() |
Đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn Lạng Sơn). (Ảnh: DUY LINH) |
Liên quan đến tài sản số, đại biểu Trịnh Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) đề nghị bổ sung quy định về “tính độc nhất hoặc có thể thay thế” bởi đây là tính chất quan trọng của tài sản số, ảnh hưởng trực tiếp đến giao dịch và sử dụng tài sản số.
“Tính độc nhất tạo ra sự khan hiếm và giá trị riêng biệt cho từng loại tài sản số. Tính có thể thay thế cho phép dễ dàng trao đổi và sử dụng tài sản số như một đơn vị tiền tệ, tạo ra tính thanh khoản và thúc đẩy các giao dịch thương mại”, đại biểu nói.
Đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) lưu ý vấn đề tiêu chí phân loại tài sản số trong dự thảo Luật còn chưa hợp lý và chưa rõ ràng. “Chúng ta chỉ nói tài sản ảo chung chung rồi phân biệt bằng cách xác định tài sản có thể dùng để trao đổi, đầu tư thì tôi cho rằng việc thực thi sẽ gặp khó khăn”, đại biểu nói và cho rằng cần căn cứ vào tiêu chí kỹ thuật để phân biệt 3 nhóm tài sản số, gồm tài sản ảo, tài sản mã hóa và các tài sản số khác, từ đó đưa ra tiêu chí quản lý phù hợp.
Còn đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) đề nghị bổ sung quy định phân loại cụ thể về tài sản số, gồm: Dữ liệu số có thể định danh cá nhân gắn với quyền riêng tư được điều chỉnh bởi pháp luật về dữ liệu cá nhân; dữ liệu phi cá nhân, không gắn danh tính con người, có thể chia sẻ, lưu trữ, kinh doanh; phần mềm thương mại, mã nguồn mở; nội dung số có tính chất sở hữu trí tuệ, có thể định giá được…
Tạo cú hích mạnh mẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Luật Công nghiệp công nghệ số được xây dựng với mong muốn tạo cú hích mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số hết sức quan trọng hiện nay.
![]() |
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu trong phiên thảo luận. (Ảnh: DUY LINH) |
Đồng thời, phải đạt được 4 mục tiêu gồm: phát triển ngành công nghiệp công nghệ số trở thành một ngành kinh tế quan trọng và đóng góp xứng đáng vào nền kinh tế của đất nước; hình thành và phát triển được hệ sinh thái về doanh nghiệp công nghệ số; cơ bản từng bước chuyển dịch từ lắp ráp gia công sang các khâu có chất lượng, hàm lượng cao hơn; phát triển hạ tầng công nghiệp, công nghệ số một cách hiện đại và đồng bộ; thu hút và hình thành đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong ngành này.
Phó Thủ tướng cho biết, sau Kỳ họp thứ 8, cơ quan soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra, đã tích cực nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Cùng với đó, đã cập nhật, bổ sung và tiếp thu đầy đủ các chủ trương mới nêu tại 3 nghị quyết của Bộ Chính trị mới đây (Nghị quyết 57, Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68) để thể hiện vào trong dự thảo lần này và bảo đảm được nguyên tắc: vừa quản lý vừa kiến tạo phát triển.
Đối với những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu trong phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng khẳng định sẽ nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc để chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm chất lượng tốt nhất trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.
Nguồn: https://nhandan.vn/xac-dinh-tieu-chi-cu-the-ve-cong-nghe-so-chien-luoc-post878611.html
Bình luận (0)