Có thể khẳng định, thành công của ASEAN trong 10 năm triển khai Cộng đồng và thực hiện Tầm nhìn 2025 đều có sự đóng góp đáng kể của Việt Nam, thể hiện trong hầu hết các hoạt động hợp tác của ASEAN.
Việt Nam là thành viên chính thức thứ bảy của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chiều 28/7/1995.
10 năm xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, thống nhất
ASEAN được thành lập ngày 8/8/1967, hiện bao gồm 10 nước thành viên là: Indonesia, Thái Lan, Philippines, Singapore, Malaysia, Brunei, Việt Nam, Lào, Myanmar và Campuchia (Timor-Leste đang trong lộ trình để được kết nạp làm thành viên chính thức).
Sau gần 6 thập kỷ hình thành và phát triển, ASEAN khẳng định là hình mẫu thành công về hợp tác và liên kết khu vực, với vai trò và uy tín ngày càng cao. ASEAN đẩy mạnh hợp tác nội khối một cách toàn diện và đi vào chiều sâu, mở rộng và tăng cường quan hệ với nhiều đối tác trên thế giới, khởi xướng thành công và giữ vai trò chủ đạo trong nhiều cơ chế hợp tác của khu vực.
Nghi thức thượng cờ tại Lễ kết nạp Việt Nam là thành viên chính thức thứ 7 của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chiều 28/7/1995, tại Thủ đô Bandar Seri Begawan (Brunei). Ảnh: Trần Sơn/TTXVN
Đặc biệt, sự hình thành Cộng đồng ASEAN (chính thức ngày 31/12/2015) với 3 trụ cột về Chính trị-an ninh, Kinh tế, và Văn hóa-xã hội đã đánh dấu bước phát triển về chất, đưa ASEAN trở thành một thực thể chính trị-kinh tế mạnh mẽ và gắn kết đối với hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương.
Mục tiêu tổng quát của Cộng đồng ASEAN là xây dựng ASEAN trở thành một Cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm về xã hội và hợp tác rộng mở với bên ngoài; hoạt động theo luật lệ và hướng tới người dân.
Trong đó, Cộng đồng Chính trị-An ninh (APSC) có mục tiêu tạo dựng môi trường hòa bình và an ninh ở khu vực thông qua việc nâng hợp tác chính trị-an ninh ASEAN lên tầm cao mới, với 3 đặc trưng chính gồm: hoạt động theo luật lệ với các giá trị, chuẩn mực chung; gắn kết, hòa bình và tự cường, có trách nhiệm chung bảo đảm an ninh toàn diện; và một khu vực năng động, quan hệ rộng mở với bên ngoài.
Lễ thượng cờ ASEAN nhân kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (8/8/1967-8/8/2022) và 27 năm ngày Việt Nam gia nhập ASEAN (28/7/1995-28/7/2022). tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, sáng 8/8/2022. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Cộng đồng Kinh tế (AEC) nhằm tạo ra một thị trường duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề; có sức cạnh tranh cao; phát triển đồng đều; và hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu.
Cộng đồng Văn hóa-Xã hội (ASCC) có mục tiêu phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy bình đẳng và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, tăng cường ý thức cộng đồng và bản sắc chung.
Ngoài ra, ASEAN cũng hướng tới mục tiêu làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác và giữ vai trò trung tâm ở khu vực thông qua nhiều khuôn khổ (ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF và ADMM+); và được lồng ghép vào hoạt động của từng trụ cột Cộng đồng ASEAN…
Sau 1 thập kỷ hình thành, đứng trước tình hình thế giới với những biến động khó lường, cơ hội và thách thức đan xen, ASEAN vẫn giữ vững đà xây dựng Cộng đồng, duy trì đoàn kết, thống nhất, tiếp tục phát triển năng động và hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, khẳng định vai trò trung tâm ở khu vực.
Về trụ cột Chính trị-an ninh (APSC), đến nay tỷ lệ triển khai Kế hoạch Tổng thể Chính trị-an ninh ASEAN 2025 đã đạt được 99,6%. Hợp tác chính trị-an ninh được thúc đẩy sâu rộng và toàn diện trên tất cả các kênh ngoại giao, quốc phòng, an ninh, tư pháp, khẳng định vai trò và đóng góp quan trọng của ASEAN đối với hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực.
Tháng 12/1998, Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6, thông qua Chương trình Hành động Hà Nội, góp phần quan trọng tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh hợp tác, định hướng cho sự phát triển và hợp tác của Hiệp hội. Trong ảnh: Thủ tướng Phan Văn Khải và các Trưởng đoàn ký Tuyên bố Hà Nội tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6, diễn ra ở Thủ đô Hà Nội trong 2 ngày 15 - 16/12/1998. Ảnh: Minh Điền/TTXVN
Về trụ cột Kinh tế (AEC), những năm qua Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã có những bước phát triển tích cực, với tỷ lệ triển khai Kế hoạch Tổng thể Trụ cột Kinh tế ASEAN đạt 93%. Với dự báo tăng trưởng năm 2025 là 4,7%, vượt xa mức trung bình của thế giới, hợp tác kinh tế ASEAN tiếp tục là điểm sáng. ASEAN hiện là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới với GDP khoảng 3300 tỷ USD và thị trường 680 triệu dân, và dự báo vươn lên thứ 4 vào năm 2030.
Về trụ cột Văn hóa-xã hội (ASCC), ASEAN tiếp tục triển khai Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Văn hoá Xã hội ASEAN (ASCC) 2025 với tỷ lệ đạt được là 99%; ưu tiên các nỗ lực ứng phó các vấn đề toàn cầu và hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương. Nhiều sáng kiến như Mạng lưới Làng xã ASEAN, Mạng lưới Một Sức khoẻ ASEAN và Trung tâm ASEAN về biến đổi khí hậu đã được thiết lập.
Từ năm 2023, ASEAN đã hướng tới việc xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025. Sau quá trình xây dựng, mới đây tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46 và các Hội nghị Cấp cao liên quan diễn ra tại Kuala Lumpur (Malaysia) tháng 5/2025, các nhà lãnh đạo ASEAN đã chính thức thông qua Tầm nhìn Cộng đồng đến năm 2045, cùng với các kế hoạch chiến lược được xây dựng trên 4 trụ cột: Chính trị-An ninh, Kinh tế, Văn hóa-Xã hội và Kết nối. Đây không chỉ là những trụ cột củng cố cấu trúc nội khối mà còn giúp ASEAN tiến xa hơn trong việc định vị mình là trung tâm tăng trưởng của khu vực.
Tầm nhìn Cộng đồng đến năm 2045 không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng mà còn thể hiện cam kết chính trị cao nhất của các quốc gia thành viên trong việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, tự cường, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm. Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhận định: “Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 là chiến lược phát triển dài hạn, định hướng cho giai đoạn 20 năm tiếp theo 2025-2045. Tầm nhìn này không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng mà còn thể hiện cam kết chính trị cao nhất của các quốc gia thành viên trong việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, tự cường, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm”.
Việt Nam đóng góp tích cực trong xây dựng Cộng đồng ASEAN
Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn và Phu nhân cắt bánh chào mừng 30 năm Ngày Việt Nam gia nhập ASEAN (Indonesia, 10/3/2025). Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào ngày 28/7/1995. Kể từ khi tham gia “ngôi nhà chung” đến nay, với tư cách là một thành viên, cũng như khi đảm nhận những trọng trách của Hiệp hội, Việt Nam luôn khẳng định được vai trò nòng cốt, dẫn dắt và ghi đậm dấu ấn đóng góp trong sự phát triển của ASEAN.
Trên tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam sát cánh cùng các nước thành viên đóng góp thiết thực vào nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, duy trì sự đoàn kết, thống nhất và phát huy vai trò trung tâm của Hiệp hội, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực.
Từ khi Cộng đồng ASEAN hình thành cuối năm 2015, Việt Nam đã và đang cùng các thành viên ASEAN tích cực triển khai xây dựng Cộng đồng, thực hiện nghiêm túc các cam kết và đề xuất sáng kiến trong nhiều lĩnh vực.
Hội nghị trực tuyến Tư lệnh lực lượng quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 17 (ACDFM-17), diễn ra tại Hà Nội (24/9/2020). Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn đánh giá, Việt Nam đã đóng góp rất nhiều về mặt thúc đẩy và duy trì hòa bình, ổn định, an ninh trong ASEAN, thúc đẩy mở rộng, phát triển sự thịnh vượng của ASEAN, tăng cường quan hệ đối ngoại của khối, đặc biệt là hợp tác với các đối tác bên ngoài. Việt Nam hiện là một mảnh ghép quan trọng về chính trị, ngoại giao, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội, từ đó giúp cho ASEAN trở nên vững mạnh, tự cường và năng động hơn.
Ông Trần Bá Phúc - Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại nước ngoài nhận định rằng, Việt Nam đã có rất nhiều đóng góp nổi bật trong các lĩnh vực chính như chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội; luôn là một trong những quốc gia tích cực thúc đẩy đoàn kết nội khối để đóng góp vào việc duy trì trật tự, hòa bình và ổn định của ASEAN.
Trên trụ cột Chính trị-an ninh, Việt Nam nổi bật là một trong những quốc gia kiên định bảo vệ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Thông qua đường lối ngoại giao cân bằng và cách tiếp cận linh hoạt, Việt Nam góp phần duy trì ổn định khu vực trong bối cảnh cạnh tranh ảnh hưởng ngày càng gay gắt giữa các nước lớn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Trưởng đoàn tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Việt Nam tích cực thúc đẩy một trật tự dựa trên luật lệ, thể hiện rõ vai trò trong việc xây dựng lập trường chung về an ninh hàng hải. Đây là minh chứng cho nỗ lực giữ vững luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Việt Nam luôn đóng góp tích cực trong việc duy trì trật tự, hòa bình dựa trên công ước và luật pháp quốc tế, thúc đẩy các nội dung hợp tác mới như chuyển đổi số, phát triển xanh và bền vững.
Trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, giữa cao điểm COVID-19, Việt Nam thể hiện năng lực điều phối khủng hoảng hiệu quả về an ninh y tế và tiếp tục đóng góp vào ứng phó các thách thức xuyên biên giới như tội phạm, an ninh mạng…
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã nhanh chóng, linh hoạt thúc đẩy cách tiếp cận hiệu quả của ASEAN trước cơn bùng phát của đại dịch COVID-19, đề xuất nhiều sáng kiến quan trọng như: Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp ASEAN, Khung chiến lược ASEAN về các tình huống khẩn cấp, Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai, Tuyên bố ASEAN về Khung thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN, Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (AC-PHEED)…
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Trên trụ cột Kinh tế, Việt Nam luôn cam kết mạnh mẽ với tiến trình hội nhập khu vực, ủng hộ tự do hóa thương mại, tích cực thúc đẩy thực thi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Khung phục hồi kinh tế ASEAN. Trong lĩnh vực kinh tế số và doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu ủng hộ Hiệp định khung Kinh tế số ASEAN (DEFA), đồng thời vận động sự ủng hộ toàn khu vực nhằm tăng cường năng lực và khả năng thích ứng cho các doanh nghiệp.
Về phát triển bền vững, Việt Nam tích cực tham gia vào hợp tác năng lượng ASEAN và thúc đẩy khung đầu tư xanh, phù hợp với định hướng ASEAN Green Deal đang hình thành.
Theo ông Trần Bá Phúc, Việt Nam đã tận dụng tốt các cơ hội khi gia nhập ASEAN, mở rộng thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ các nước thành viên. Thông qua Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam đã cải cách thể chế và các thủ tục để nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập và tăng cường hợp tác phát triển kinh tế khu vực; đồng thời chủ động tham gia các sáng kiến kết nối khu vực như Hành lang Kinh tế Đông-Tây, Hành lang Bắc-Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của ASEAN. Việt Nam cũng đã trở thành “mắt xích” quan trọng của chuỗi cung ứng khu vực, tích cực thúc đẩy các hiệp định kinh tế như Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 31 (AEMR-31) chụp ảnh kỷ niệm, ngày 28/2/2025. Ảnh: Thành Trung/TTXVN
Trong khi đó, bà Dinna Prapto Raharja, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu chính sách Synergy của Indonesia nhận định, về hợp tác kinh tế, Việt Nam đã góp phần vào kết quả thương mại nội khối tăng gấp 4 lần trong 30 năm qua. Việt Nam được hưởng lợi nhiều từ việc cải thiện thương mại với các quốc gia thành viên khác. Ngược lại, các quốc gia trong khu vực, trong đó có Indonesia, cũng được hưởng lợi từ sự có mặt của Việt Nam trong ASEAN.
Trong lĩnh vực Văn hóa-Xã hội, Việt Nam thường xuyên tham gia các chương trình giao lưu văn hóa, đồng thời tích cực thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác nội khối về đào tạo kỹ thuật, giáo dục nghề (TVET) và trao đổi thanh niên. Việt Nam tích cực tham gia các sáng kiến như Hội nhập ASEAN và Hợp tác Tiểu vùng Mekong, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên. Về bản sắc, văn hóa và ngoại giao nhân dân, Việt Nam không ngừng thúc đẩy nhận thức về ASEAN, tôn vinh đa dạng văn hóa và tăng cường gắn kết xã hội thông qua giáo dục, ngôn ngữ...
Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Dato' Tan Yang Thai đánh giá, trong xây dựng trụ cột Văn hóa-Xã hội, Việt Nam đã tích cực tham gia và dẫn dắt nhiều chương trình hợp tác giáo dục, giao lưu thanh niên và thể thao, như đăng cai Đại hội Thể thao học sinh ASEAN. Các chương trình hỗ trợ người dân như phòng, chống thiên tai, an ninh y tế, di cư lao động cũng được Việt Nam đặc biệt chú trọng, bên cạnh các ưu tiên về bình đẳng giới, phát triển nông thôn...
Có thể khẳng định, sau 30 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam đã chuyển mình từ một thành viên mới thành quốc gia có tiếng nói xây dựng, có trách nhiệm và thúc đẩy đồng thuận trong nội khối. Vị thế ngoại giao ngày càng được củng cố, thể hiện cam kết mạnh mẽ với hòa bình, thịnh vượng và bản sắc chung - đúng với tinh thần Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045.
Năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với ASEAN và Việt Nam, khi khối chính thức hoàn thành 10 năm triển khai các kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN và bước vào một chặng đường phát triển mới với Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 với 4 chiến lược triển khai về Chính trị-an ninh, Kinh tế, Văn hóa-xã hội, Kết nối. Trong giai đoạn chuyển mình đầy ý nghĩa của ASEAN, Việt Nam tiếp tục khẳng định vị trí chiến lược và vai trò dẫn dắt trong nhiều mặt hoạt động của ASEAN, đóng góp thực chất vào quá trình xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, với định hướng hướng tới một Cộng đồng ASEAN tự cường, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm. Như lời khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN tại Indonesia hồi tháng 3/2025 rằng, từ khi bắt đầu mở cửa và hội nhập, Việt Nam luôn xác định ASEAN là cơ chế hợp tác đa phương gắn bó trực tiếp, quan trọng hàng đầu. ASEAN là trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, và là một phần không thể tách rời trong chiến lược phát triển và hội nhập của Việt Nam. Việt Nam sẽ tiếp tục chung tay cùng các nước ASEAN hiện thực hóa sứ mệnh lịch sử của ASEAN, lan tỏa các câu chuyện thành công của ASEAN.
Phước An (TTXVN)
Nguồn:https://baotintuc.vn/chinh-tri/xay-dung-cong-dong-asean-doan-ket-thong-nhat-va-dau-an-viet-nam-20250728063709087.htm
Bình luận (0)