Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có khoảng 270.000 người thuộc diện chính sách, người có công với cách mạng, trong đó gần 25.000 thương binh, bệnh binh và hơn 4.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, với 21 mẹ còn sống.
Thấm nhuần đạo lý "uống nước nhớ nguồn", tỉnh luôn coi công tác đền ơn đáp nghĩa là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và đầy ý nghĩa nhân văn. Đặc biệt, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công được tỉnh xác định là ưu tiên hàng đầu – vừa khẩn thiết về mặt đời sống, vừa thể hiện sự tri ân sâu sắc hướng tới Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7.
Căn nhà mới khang trang của một gia đình thương binh hạng 4/4 ở Quảng Trị vừa hoàn thiện, mang theo niềm vui sum vầy và sự ấm áp nghĩa tình
Gần 100% hộ người có công đã được xây mới, sửa chữa nhà ở
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị cho biết: Thực hiện Nghị định 131/2021/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định 21/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng, 2 tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình (trước sáp nhập) đã phê duyệt đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công và thân nhân liệt sĩ. Qua rà soát, tổng số hộ có nhu cầu hỗ trợ là 4.949. Cụ thể, Quảng Trị có 2.390 hộ (312 xây mới, 2.078 sửa chữa), Quảng Bình có 2.559 hộ (548 xây mới, 2.011 sửa chữa).
Mỗi hộ xây mới được hỗ trợ 60 triệu đồng từ ngân sách trung ương, sửa chữa được 30 triệu đồng. Ngân sách địa phương hỗ trợ thêm từ 10-40 triệu đồng/hộ, tùy mức độ và nhu cầu cụ thể.
Song song lập đề án, địa phương xây dựng các nghị quyết, thiết kế mẫu nhà bảo đảm tiêu chí "3 cứng" (nền cứng, khung/tường cứng, mái cứng) với diện tích phù hợp, kết cấu bền vững. Hộ dân được tự quyết kiến trúc và quy mô căn nhà theo khả năng và nguyện vọng, trên cơ sở hỗ trợ từ Nhà nước và đóng góp của gia đình.
Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm giám sát, ứng vốn theo từng giai đoạn, hướng dẫn thủ tục thanh quyết toán, xử lý điều chỉnh danh sách thụ hưởng nếu cần thiết. Đặc biệt, với các hộ neo đơn, khó khăn, địa phương tổ chức thi công trọn gói, huy động lực lượng thanh niên, người dân hỗ trợ ngày công, vật liệu với tinh thần "lá lành đùm lá rách".
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự vào cuộc đồng bộ của các sở ngành, chính quyền cơ sở và sự đồng thuận của người dân, đến sáng ngày 18/7/2025, toàn tỉnh đã khởi công 4.903/4.907 hộ có nhu cầu, đạt 99,9% kế hoạch. So với số ban đầu 4.949 hộ đăng ký, có 42 hộ rút do thay đổi nhu cầu, trong đó Quảng Bình (cũ) giảm 33 hộ, Quảng Trị (cũ) giảm 9 hộ.
Mỗi hộ được hỗ trợ 60 triệu đồng khi xây mới, 30 triệu đồng khi sửa chữa từ ngân sách trung ương; địa phương hỗ trợ thêm 10-40 triệu đồng
Chia sẻ về những kinh nghiệm giúp đạt được kết quả này, lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: Trước hết là sự vào cuộc đồng bộ, có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò nòng cốt của chính quyền cấp xã, thôn, bản, khu phố. Tất cả các khâu – từ công khai tiêu chí, rà soát đối tượng – đều được thực hiện minh bạch, với sự tham gia của mặt trận, đoàn thể và người dân tại cơ sở.
Quá trình phối hợp giữa các sở, ngành được tổ chức chặt chẽ, thống nhất, giúp chính sách đi vào thực tiễn hiệu quả, tránh chồng chéo. Tỉnh cũng thiết lập hệ thống thông tin để theo dõi tiến độ, giải quyết kịp thời vướng mắc nảy sinh từ cơ sở.
Kế hoạch thực hiện được xây dựng theo lộ trình rõ ràng, song linh hoạt điều chỉnh tùy theo điều kiện thời tiết, nguồn lực và khả năng tự lực của từng hộ. Chính quyền cơ sở được giao quyền chủ động điều chỉnh danh sách hỗ trợ trong quá trình triển khai, bảo đảm sát thực tế, đúng đối tượng, không hình thức, không chạy theo thành tích.
Việc lồng ghép các chương trình, chính sách và huy động nguồn lực xã hội hóa – từ doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội và người dân – giúp mỗi căn nhà hoàn thiện không chỉ bảo đảm tiêu chuẩn "3 cứng" mà còn khang trang, bền vững, phù hợp điều kiện sống.
Một kinh nghiệm xuyên suốt là lấy người dân làm trung tâm. Mọi khâu đều có sự lắng nghe, đồng thuận và tham gia trực tiếp của người dân, nhất là các gia đình người có công. Chính quyền đóng vai trò điều phối, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn tại chỗ.
Đặc biệt, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã chỉ đạo ứng trước ngân sách địa phương để kịp thời triển khai, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực khác để tăng hiệu quả hỗ trợ. Cách làm này không chỉ giảm áp lực tài chính mà còn lan tỏa sâu sắc giá trị nhân văn, trách nhiệm cộng đồng.
Sức mạnh đoàn kết, nghĩa tình của cộng đồng
Dù không phải là địa phương trong nhóm có điều kiện kinh tế phát triển, lại là nơi có số lượng người có công, đối tượng chính sách thuộc hàng cao nhất cả nước, với hàng nghìn căn nhà cần xây mới, sửa chữa – nhưng với quyết tâm chính trị mạnh mẽ và tinh thần trách nhiệm cao, Quảng Trị đã nỗ lực "về đích" đúng hạn.
Quảng Trị đã làm được điều tưởng chừng không dễ, để góp phần tô thắm thêm ý nghĩa Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 năm nay bằng những việc làm thiết thực, đầy cảm xúc. Đây cũng là một hình mẫu để các địa phương khác nhìn vào, cùng chung tay lan tỏa đạo lý "uống nước nhớ nguồn" bằng hành động cụ thể, nhân văn và sâu sắc.
Sơn Hào
Nguồn: https://baochinhphu.vn/xoa-nha-tam-cho-nguoi-co-cong-dau-an-nghia-tinh-cua-dat-lua-quang-tri-102250718161039928.htm
Bình luận (0)