
Thích ứng, không “chọn” khách
Trước năm 2019, khoảng 90% khách của nhà hàng Sabirama (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) là khách Âu - Mỹ, số ít còn lại là khách Hồng Kông và Singapore. Tuy nhiên, cơ cấu khách của nhà hàng đã có sự xoay chuyển rất lớn trong 5 năm qua. Năm 2024 nhà hàng Sabirama chỉ còn đón khoảng vài trăm khách châu Âu (chiếm 10-20% tổng số khách).
Ông Trương Văn Quý - chủ nhà hàng Sabirama cho biết, thị trường mục tiêu ban đầu khi Sabirama thành lập là khách Âu - Mỹ bởi sản phẩm chính là tour cooking class (lớp học nấu ăn), nhưng trước sự xoay chuyển thị trường khách thì đơn vị buộc phải chấp nhận chuyển đổi dần sản phẩm và công năng để thích ứng.
“Khách Âu có xu hướng thích trải nghiệm nên thường chọn tour cooking class và khám phá rừng dừa. Ngược lại, phần lớn khách Á lại thích đi chơi rừng dừa và ăn uống. Mình phải tìm hiểu sở thích, đặc trưng của từng dòng khách Á để có sản phẩm cung cấp phù hợp. Ví dụ với khách Hàn Quốc, Đài Loan, ASEAN thì lồng ghép tour học pha chế cà phê; còn với khách Tây Á thì phải nghiên cứu thay đổi thực đơn…” - ông Quý nói.
Được biết, quan điểm của tỉnh Quảng Nam về định hướng thị trường khách quốc tế là thu hút đa dạng thị trường khách với mục đích trải nghiệm văn hóa, nghỉ dưỡng, có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày.
Trong đó, tiếp tục thu hút khách đến từ các thị trường truyền thống, như châu Âu (Anh, Pháp, Đức...), châu Đại Dương, Bắc Mỹ (Mỹ, Canada) và thị trường ASEAN (Thái Lan, Malaysia, Singapore…).
Đồng thời duy trì lượng khách đến từ khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc…). Ngoài ra, tích cực mở rộng các thị trường mới và thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông…
.jpeg)
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL, về chiến lược xúc tiến, thu hút các thị trường khách quốc tế, ngành du lịch Quảng Nam xác định phải giữ thế cân bằng giữa các thị trường khách, không để quá phụ thuộc vào một thị trường riêng biệt hay khu vực nào, nhằm giảm thiểu rủi ro khi có biến động (như dịch bệnh, bất ổn kinh tế…).
“Dù tỷ trọng khách châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đang tăng mạnh và luôn là những thị trường nằm trong tốp dẫn đầu khách quốc tế lưu trú tại Quảng Nam những năm gần đây, Quảng Nam vẫn xác định khách Âu - Mỹ - Úc là nhóm khách truyền thống.
Bởi nhóm khách này có xu hướng lưu trú dài ngày, chi tiêu cao và yêu thích trải nghiệm văn hóa bản địa - rất phù hợp với thế mạnh di sản, văn hóa Hội An, Mỹ Sơn và du lịch cộng đồng, sinh thái Quảng Nam” - ông Hồng chia sẻ.
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng: “Một khi ngành du lịch có khảo sát chi tiêu, thị hiếu cụ thể các thị trường khách thì mới có cơ sở để phát triển sản phẩm phù hợp và mang tính chuyên sâu. Nếu cứ nói chung chung phát triển sản phẩm mới như lâu nay rất khó, bởi cơ cấu khách quốc tế Quảng Nam hiện rất đa dạng”.
Giải pháp nào để dung hòa?
Tín hiệu tích cực từ đầu năm 2025 đến nay, lượng khách châu Âu đến Quảng Nam có dấu hiệu tăng trưởng mạnh. Nguyên nhân quan trọng nhất là chính sách thị thực thông thoáng hơn rất nhiều khi có 14 quốc gia ở châu Âu nằm trong danh sách miễn visa. Như tại Khu đền tháp Mỹ Sơn, lượng khách quốc tế đến tham quan mỗi ngày từ khoảng 1.000 lượt đã tăng lên 1.700 lượt trong vài tháng qua.

Mới đây, Quảng Nam đã công bố hành lang du lịch Hội An - Mỹ Sơn - Cổng Trời Đông Giang và vận hành tuyến buýt theo hành lang này. Qua đó kỳ vọng sẽ giúp nâng tầm tuyến du lịch di sản của tỉnh, đồng thời giảm tải mật độ khách cho Đô thị cổ Hội An.
Vừa qua doanh nghiệp du lịch cũng đề xuất công bố một hành lang du lịch khác dọc theo đường ven biển phía đông kết nối Hội An - Nam Hội An - Tam Kỳ - Chu Lai để tạo sự bứt phá trong việc xúc tiến, đầu tư du lịch ở cung đường này. Nếu đầu tư sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn, bài bản, 2 hành lang này mới cụ thể hóa định hướng mở rộng phát triển du lịch về phía tây và phía nam của tỉnh, giảm thiểu việc mất cân đối mật độ quá lớn của du lịch Quảng Nam hiện nay.
Theo đại diện Ban Quản lý di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, để gia tăng trải nghiệm cho các dòng khách, Mỹ Sơn đã đưa vào trải nghiệm dệt thổ cẩm Chăm; hát bài chòi vào thứ Bảy, Chủ nhật…
Thời gian tới sẽ phát triển thêm sản phẩm xe đạp địa hình dành cho khách thích khám phá, tham quan thêm các điểm di tích (như dấu vết Giếng Tiên, bệnh viện dã chiến thời chống Mỹ…). Sau khi khu E, F trùng tu xong, đơn vị sẽ tổ chức lại sản phẩm “Đêm Mỹ Sơn huyền thoại” rút gọn để phù hợp kinh phí và nhu cầu du khách.
Tại Hội An, đầu năm 2025 UBND thành phố đã phê duyệt phương án sắp xếp, phát triển mới tuyến tham quan tại khu Di tích lịch sử văn hóa Rừng dừa Bảy Mẫu, xã Cẩm Thanh. Trong đó phân bố 13 tuyến có bến, điểm cập phương tiện do Nhà nước quản lý và phân luồng rõ ràng theo thị hiếu của khách.
Với khách thích sự sôi động, náo nhiệt sẽ có 7 tuyến ở khu vực trung tâm rừng dừa. Còn 6 tuyến phục vụ khách thích sự yên tĩnh ở các khu vực vùng lõi khác. Ngoài ra, thành phố bố trí 2 tuyến phục vụ khách tìm hiểu các giá trị của vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển và làng nghề tre dừa Cẩm Thanh , cùng 2 tuyến phục vụ khách thích sự yên tĩnh ở khu vực khác ngoài vùng lõi.
Hội An đang triển khai xây dựng tuyến tham quan xanh tại các điểm đến khác như Cù Lao Chàm, làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà nhằm khai thác hài hòa giá trị thiên nhiên và văn hóa cũng như gia tăng chất lượng trải nghiệm cho dòng khách có nhu cầu.
Theo lãnh đạo TP.Hội An, riêng với khu phố cổ, về lâu dài chính quyền địa phương sẽ vận động các đơn vị lữ hành điều chỉnh giảm bớt thời gian tham quan về đêm, tăng cường khung giờ tham quan vào buổi sáng.

Theo ông Nguyễn Sơn Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Duy Nhất Đông Dương, việc phố cổ Hội An bị quá tải là thực trạng đã diễn ra từ lâu và là câu chuyện tất yếu bởi sức hút quốc tế của Hội An quá lớn chứ không quy nguyên nhân cho sự tăng trưởng nhanh của bất kỳ dòng khách nào. Khách châu Âu, châu Á hay bất kỳ thị trường khách nào khác đến Hội An cũng có nhu cầu tham quan phố cổ nên vấn đề là phải có cách quản trị điểm đến bài bản.
Ông Thủy cho rằng, đối với phố cổ Hội An, cần sớm có giải pháp điều tiết khách, trong đó có thể xem xét xây dựng các mức giá khác nhau cho vé tham quan và áp mức giá cao nhất cho khung giờ cao điểm, tập trung quá đông du khách để du khách phải cân nhắc chuyển đổi.
Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu áp phí cho phương tiện giao thông liên quan đến du lịch vào giờ cao điểm cho các tuyến đường xung quanh phố cổ tương tự với vấn đề vé tham quan.
“Cần tham khảo áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất để quản lý du lịch. Thực ra, với quy mô không gian như Hội An không phải là quá lớn, rất phù hợp để áp dụng các biện pháp kiểm soát bằng công nghệ hiện đại. Chúng ta có thể làm được, vấn đề là cần làm rốt ráo, chỗ nào khó thì đề xuất tháo gỡ chứ không thể lừng khừng mãi vì cơ chế này, quy định nọ không cho triển khai” - ông Thủy khuyến nghị.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/xoay-chuyen-co-cau-thi-truong-khach-quoc-te-den-quang-nam-bai-cuoi-bai-toan-diem-den-ben-vung-3153562.html
Bình luận (0)