Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Xu thế số hóa

STO - Trước xu thế số hóa quản lý sản xuất đang ngày càng lan rộng trong hầu hết các lĩnh vực, thì thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, tỷ lệ số hóa trong nuôi tôm đến nay vẫn còn thấp và chưa đồng bộ.

Báo Sóc TrăngBáo Sóc Trăng28/05/2025

Thực tế cho thấy, việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý ao nuôi đã được một số doanh nghiệp, chủ trang trại thực hiện nhằm giúp tối ưu hóa một số khâu trong quy trình nuôi tôm và cả khâu tiêu thụ. Từ đó, giúp tiết kiệm thời gian, hạn chế rủi ro, tăng tỷ lệ tôm nuôi thành công và hiệu quả qua từng vụ nuôi. Tuy chưa nhiều và chưa thật sự đồng bộ, nhưng việc ứng dụng công nghệ số vào nuôi tôm cũng đã được doanh nghiệp và người nuôi tôm quan tâm. Một trong những người tiên phong đưa công nghệ số vào nuôi tôm khá đồng bộ là Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ (TS. Mỹ), người sáng lập Công ty Salicornia Ngón Biển ở huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

Máy đếm tôm, một trong những thiết bị công nghệ số được ứng dụng khá sớm trong nuôi tôm. Ảnh: TÍCH CHU

Theo TS. Mỹ, trong chuyển đổi số có 3 bước: số hóa dữ liệu, số hóa quy trình (tự động hóa quy trình) và chuyển đổi số. Mục đích để thu thập được dữ liệu lớn, thông minh giúp tạo giá trị mới. Tuy nhiên, để giúp người nuôi có thêm nhiều chọn lựa nhằm giảm chi phí, ông đưa ra giải pháp gồm 3 cấp độ: thủ công, bán tự động và tự động. Ông minh họa: “Ví dụ như dùng điện thoại thông minh (có cài áp chuyên dụng-NV) chụp hình con tôm thì hệ thống sẽ cho ra các thông số về tốc độ tăng trọng, về dịch bệnh trên tôm…”. Hiện nay, ngoài địa bàn tỉnh Trà Vinh, mô hình của TS. Mỹ còn được thực hiện thử nghiệm ở Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu.

Với mô hình này, người nuôi chỉ cần cài đặt ứng dụng Rynan Mekong trong App Store trên điện thoại thông minh là có thể điều khiển từ xa, hay cập nhật tình hình con tôm, quan trắc nước qua màn hình điện thoại... Đặc biệt, với máy cho tôm ăn thông minh (model AIF 100) có phần chế độ kết hợp thuật toán trí tuệ nhân tạo sẽ kết hợp với các trạm quan trắc, thiết bị đo chỉ tiêu môi trường, đo chỉ tiêu của tôm, để cho ra được lượng thức ăn trong ngày, giúp tiết kiệm thức ăn lên tới 20%.

Một đơn vị tiên phong khác trong việc đưa số hóa vào nuôi tôm phải kể đến là Công ty Cổ phần Công nghệ Otanics - đơn vị thành viên của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Otanics hiện đang sở hữu hệ thống Tomota - ứng dụng trí tuệ nhân tạo và internet kết nối vạn vật để giám sát hoạt động của ao tôm. Với hệ thống trên, chỉ vài thao tác lướt và chạm trên ứng dụng Tomota, người quản lý sẽ lập tức nhận thông tin về cân nặng, kích cỡ, tốc độ tăng trưởng của tôm, dự báo lợi nhuận ao nuôi, vẽ ra biểu đồ mô hình sản lượng dự kiến ​​của ao nuôi, giám sát năng lượng trực tiếp của hệ thống sục khí và cho ăn tự động, dự báo thu nhập và chi phí cũng như thu thập dữ liệu thu hoạch…

Đơn cử như công nghệ Tomota S3. Chỉ trong 10 giây, thiết bị này có thể đếm, định cỡ, đo kích thước và trọng lượng tôm giống tối đa số lượng lên đến 4.000 con với độ chính xác đến 95%. Hay như Tomota A3 (công nghệ xử lý hình ảnh), có thể phân tích và đánh giá 4 thông số quan trọng: pH, kiềm, TAN và nitrit thông qua hình ảnh tôm nuôi được chụp bằng điện thoại thông minh. Dựa trên dữ liệu về các thông số này, thông tin đáng tin cậy và chính xác, giúp theo dõi mật độ thả nuôi một cách hiệu quả; tối ưu hóa các biện pháp quản lý chất lượng nước, ngăn chặn các tác động xấu đến sức khỏe tôm và duy trì môi trường nước lý tưởng cho tôm tăng trưởng khỏe mạnh.

Tính hiệu quả của những tiến bộ công nghệ số khi ứng dụng vào nuôi tôm không có gì để bàn cãi, nhưng để những tiến bộ này được ứng dụng một cách rộng rãi trong nghề nuôi tôm là một vấn đề không hề đơn giản. Nguyên do là vẫn còn đó những hạn chế, bất cập, từ quy mô diện tích nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao; là chi phí đầu tư lớn, trong khi người nuôi tôm đang thiếu vốn; là trình độ, khả năng ứng dụng công nghệ… Không nói đâu xa, ngay cả trại nuôi quy mô lớn trong tỉnh, việc ứng dụng công nghệ số một cách đồng bộ vào trại nuôi vẫn chưa thể triển khai được do thiếu nền tảng dữ liệu và thông tin đầu vào. Ngoài ra, chi phí cho các thiết bị này còn rất cao, cũng như độ bền kém do môi trường nước ao nuôi phức tạp. Vì vậy, việc theo dõi môi trường hằng ngày tại trại nuôi chỉ được thực hiện theo hình thức bán thủ công.

Trang trại lớn đã khó như thế, hộ nuôi tôm quy mô nhỏ và vừa lại càng khó khăn hơn, bởi thường đi kèm với quy mô trên là tình trạng khó khăn về nguồn vốn và khả năng sử dụng công nghệ một cách thành thạo. Đây cũng chính là rào cản lớn nhất trong việc đưa công nghệ số vào nuôi tôm và chỉ có con đường hợp tác sản xuất một cách thực chất mới có thể hóa giải được. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ số vào nuôi tôm hiện tại mới chỉ dừng lại ở cấp độ phổ biến là bán thủ công, kể cả những trang trại nuôi tôm quy mô lớn.

Theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, từ cả chục năm trước, khách hàng ở châu Âu đã yêu cầu gắn camera, các thiết bị cảm biến để theo dõi diễn biến trong ao nuôi. Những chỉ số cơ bản về chất lượng nước được hiển thị qua màn hình điện thoại thông minh. Thậm chí, camera có thể theo dõi để nhận biết tôm đang khỏe hay stress, ăn nhiều hay ít. Tuy nhiên, để đưa ra kết quả chính xác thì phải có đầy đủ dữ liệu và thông tin đầu vào. Mà hiện nay, nền tảng dữ liệu của ngành nuôi tôm vẫn chưa đủ. “Dù vậy, chúng tôi rất quan tâm vấn đề này và gần đây có hợp tác thử nghiệm với TS. Mỹ ở Trà Vinh về các thiết bị đo môi trường, nhưng vẫn đang trong quá trình xem xét và chưa áp dụng được. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và chắc chắn phải đi theo xu hướng này, nhưng phải từng bước phù hợp với điều kiện thực tế”, ông Lực chia sẻ.

TÍCH CHU

Nguồn: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/202505/xu-the-so-hoa-f12506a/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm