Tạo nền tảng sản xuất theo tiêu chuẩn
Gia Lai có tiềm năng phát triển vùng nguyên liệu tập trung, chuyên canh các loại cây trồng phục vụ xuất khẩu với khoảng 106.400 ha cà phê, 33.250 ha cây ăn quả, 83.750 ha cao su, 7.800 ha hồ tiêu… Ngoài tiềm năng phát triển nông nghiệp, Gia Lai còn là cửa ngõ kết nối Tây Nguyên với các tỉnh khu vực miền Trung và Đông Nam Bộ qua các quốc lộ 14, 19, 25. Đây là cơ sở để Gia Lai trở thành đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa kết nối cả khu vực Đông Bắc Campuchia và Nam Lào.
Mặt khác, thời gian qua, Gia Lai rất chú trọng phát triển mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, khuyến khích xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, mở rộng liên kết hợp tác giữa nông dân-hợp tác xã-doanh nghiệp và tăng cường ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc, bảo quản sau thu hoạch.
Toàn tỉnh có gần 256.000 ha được canh tác theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO; trong đó có khoảng 60.000 ha cây trồng (cà phê, hồ tiêu, chè, rau, củ, trái cây, lúa…) đã được cấp chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn.
Gia Lai cũng đã được cấp 227 mã số vùng trồng với diện tích hơn 9.668 ha và 38 mã số cơ sở đóng gói với tổng công suất đóng gói khoảng 1.550-1.700 tấn quả tươi/ngày, chủ yếu trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Úc, New Zealand, Hoa Kỳ…
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt mức 820 triệu USD. Trong năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 850 triệu USD, trong đó, ngành hàng nông sản kỳ vọng có bước tiến đột phá. Trong 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước tính 685,7 triệu USD (đạt 80,67% kế hoạch, tăng 55,84% so với cùng kỳ năm ngoái). Riêng mặt hàng cà phê đã đạt kim ngạch xuất khẩu 662 triệu USD (tăng 65,5% về giá trị) với sản lượng 122.000 tấn. Mặt hàng này hiện chiếm đến 96,5% trên tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

Ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam-chia sẻ: “Với vai trò là một trong những nhà cung cấp cà phê nhân xanh hàng đầu của Việt Nam có trách nhiệm và uy tín trong chuỗi cung ứng cà phê xuất khẩu toàn cầu, Vĩnh Hiệp đã phát huy lợi thế của mình để xây dựng mạng lưới sản xuất cà phê bền vững theo các tiêu chuẩn thị trường quốc tế, với sản lượng hàng năm trên 150.000 tấn.
Hiện nay, Công ty đã mở rộng thị trường xuất khẩu ra 58 nước trên thế giới, trong đó, thị trường châu Âu chiếm khoảng 60%”. Cũng theo ông Thái Như Hiệp, một vùng nguyên liệu chỉ thực sự có giá trị xuất khẩu khi hội đủ các yếu tố: có tổ chức sản xuất theo chuỗi, liên kết chặt với doanh nghiệp đầu mối và hệ thống logistics, sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn thị trường nhập khẩu, đảm bảo truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh sự bứt phá mạnh của ngành hàng cà phê, nhiều loại nông sản khác cũng đón nhận những tín hiệu vui từ thị trường khi giá ở mức cao; một số loại trái cây tươi như sầu riêng, chuối, chanh dây… đã đủ các tiêu chuẩn để đi theo con đường chính ngạch vào các thị trường lớn trên thế giới. Đặc biệt, Việt Nam đã ký nhiều nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đây là cơ hội lớn cho các sản phẩm có lợi thế của Gia Lai và cũng là động lực để người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-nhìn nhận: “Trên địa bàn tỉnh có một số doanh nghiệp xuất khẩu uy tín như Vĩnh Hiệp, Hoa Trang, Tín Thành Đạt, Công ty TNHH Thương mại và chế biến Louis Dreyfu Company Việt Nam. Cùng với đó, tỉnh đã thu hút được một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sơ chế, chế biến để tạo nguồn hàng cho xuất khẩu mặt hàng trái cây như: Hưng Sơn, Quicornac, DOVECO, Nafoods… Năm 2024 và 4 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu nông sản Gia Lai ghi nhận nhiều điểm sáng.
Ngoài cà phê nhân xanh, cà phê qua chế biến đã từng bước chinh phục các thị trường khó tính, cà phê đặc sản được các nhà rang xay châu Âu lựa chọn. Mặt hàng chuối, chanh dây mở rộng ra thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu như mật ong, hạt điều, hạt mắc ca, hồ tiêu… được nhiều nhà nhập khẩu quan tâm tìm hiểu”.
Vươn xa bằng chính sản phẩm nông nghiệp lợi thế
Đến nay, Việt Nam đã ký kết và thực thi 17 FTA với nhiều đối tác lớn trên thế giới. Đặc biệt, việc tham gia các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA đã khẳng định cam kết hội nhập sâu rộng và toàn diện của Việt Nam. Tuy nhiên, các hàng rào kỹ thuật ngày càng siết chặt bởi các quốc gia nhập khẩu; rồi vấn đề cạnh tranh từ các quốc gia có sản lượng nông sản lớn trên thế giới đang ngày càng trở nên khốc liệt, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, cùng với việc tìm kiếm các phân khúc thị trường mới…
Ông Lưu Quốc Thạnh-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quicornac-cho hay: “Gia Lai sở hữu điều kiện khí hậu lý tưởng để phát triển cây chanh dây tím. Đây là lợi thế cạnh tranh nổi bật khi thị trường châu Âu và khu vực Bắc Mỹ đặc biệt ưa chuộng nhờ hương vị đậm đà, giá trị dinh dưỡng cao. Hiện có khoảng 90% sản lượng chanh dây qua chế biến của các nhà máy được xuất khẩu sang thị trường này và dư địa tăng trưởng vẫn còn rất lớn. Với chu kỳ thu hoạch ngắn, chi phí đầu tư vừa phải, chanh dây còn mang lại cơ hội sinh kế cho nông dân, phù hợp mô hình lấy ngắn nuôi dài”.

Thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm chủ lực, ngành Công thương tỉnh đang tích cực triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, trong đó tập trung hỗ trợ mở rộng thị trường cho nhóm ngành nông sản có thế mạnh như cà phê, chanh dây, chuối; các sản phẩm OCOP có tiềm năng xuất khẩu như mật ong, hạt điều, hạt mắc ca, dược liệu chế biến… Hỗ trợ tham gia các sự kiện kết nối doanh nghiệp, tham gia hội chợ quốc tế ngành hàng nông sản. Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tham gia vào các nền tảng xuất khẩu trực tuyến xuyên biên giới như Amazon và Alibaba. Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công thương tăng cường tập huấn, đào tạo ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động xuất khẩu. Tổ chức, tham gia gặp gỡ, trao đổi, kết nối tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa thu hút đầu tư thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài, các hiệp hội ngành hàng và các cơ quan thương mại, tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài…
Với kế hoạch hành động rõ ràng, Sở Công thương hướng đến mục tiêu xuyên suốt trong năm 2025 là tăng tốc, đột phá và vươn xa bằng chính những sản phẩm nông nghiệp lợi thế. Theo Giám đốc Sở Công thương: Hiện nay, riêng nhóm hàng nông sản chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh với nhiều mặt hàng nông sản đã có mặt ở gần 60 quốc gia trên thế giới. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là châu Âu với tỷ lệ 50-60% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tiêu thụ phần lớn mặt hàng cà phê, sản phẩm gỗ, trái cây chế biến... Thị trường châu Á chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu, tiêu thụ chủ yếu cao su, mì lát, cà phê, trái cây...
Tuy nhiên, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của tỉnh hiện chưa đa dạng, chủ yếu vẫn tập trung vào 2 ngành hàng chủ lực là cà phê, cây ăn quả, trong khi sản lượng cao su, hồ tiêu, điều, mì rất lớn. Xuất khẩu nông sản của tỉnh vẫn còn đối mặt với một số hạn chế như: tỷ lệ xuất thô còn cao, thiếu liên kết chuỗi, năng lực sơ chế, chế biến, khả năng cung ứng các đơn hàng chế biến sâu còn hạn chế, nhiều sản phẩm có chất lượng tốt nhưng lại chưa đáp ứng được yêu cầu về quy chuẩn, mẫu mã trước thách thức của thị trường nhập khẩu ngày càng siết chặt về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Chính vì thế, bên cạnh hàng xuất thô, Gia Lai đang dần chuyển hướng hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu.
“Trong các chuyến công tác tại Mỹ, Canada hồi tháng 4-2024 của lãnh đạo tỉnh, cũng như chương trình đối tác Nhật Bản làm việc với Sở Công thương vào tháng 3 vừa qua, các đối tác đánh giá rất cao chất lượng một số sản phẩm của Gia Lai. Họ cũng khẳng định các sản phẩm của Gia Lai hoàn toàn có thể xuất khẩu sang các thị trường này dưới dạng thành phẩm hoàn thiện chất lượng cao”-Giám đốc Sở Công thương cho biết thêm.
Nguồn: https://baogialai.com.vn/xuat-khau-nong-san-tu-loi-the-dia-phuong-den-san-choi-toan-cau-post320945.html
Bình luận (0)