Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Yên Bái: Chính sách giúp vùng cao vươn mình

Trong hành trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS & MN), tỉnh Yên Bái đã và đang bước vào giai đoạn nước rút thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2021 - 2025. Những kết quả đạt được cho thấy nỗ lực lớn, đồng bộ và quyết liệt của toàn hệ thống chính trị. Tuy nhiên, chặng đường còn lại không ít thách thức, đòi hỏi sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành và sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ các cấp, ngành, đặc biệt là trong tháo gỡ các “nút thắt” cản trở tiến trình phát triển.

Báo Yên BáiBáo Yên Bái23/05/2025

>> Yên Bái thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc
>> Mang diện mạo mới cho vùng đồng bào dân tộc

Tín hiệu tích cực 

Khi mặt trời ló rạng cũng là lúc anh Mùa A Cắng - người đàn ông dân tộc Mông ở thôn Khe Đâm, xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên chuẩn bị thức ăn cho đàn trâu, bò của nhà mình. "Hồi trước nghèo lắm, nhà chỉ có mấy con gà. Nhờ Nhà nước hỗ trợ 30 triệu đồng, mình đã đầu tư nuôi trâu. Giờ đàn trâu đã tăng lên trên chục con, mỗi năm bán có lãi cả trăm triệu đồng. Mình vui lắm, không tin là gia đình mình thoát được nghèo” - anh Cắng vừa băm cỏ cho trâu vừa nói. 

Mỏ Vàng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên, nơi có hơn 90% dân số là người Mông giờ đã không còn "đặc biệt” như trước. Nhờ các chính sách hỗ trợ sinh kế từ Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS & MN, xã đã thành lập 3 hợp tác xã (HTX) và 28 tổ hợp tác sản xuất. Các HTX sản xuất tinh dầu quế, chăn nuôi, trồng cây lâm nghiệp… đã góp phần tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương, với mức thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/ người mỗi tháng. "Người Mông giờ biết làm ăn, không còn trông vào gạo Nhà nước phát nữa!” - Chủ tịch UBND xã Mỏ Vàng, ông Trần Tuấn Anh, cười đầy tự hào.

Cách Mỏ Vàng hơn trăm cây số, huyện Mù Cang Chải - vùng đất nổi tiếng với ruộng bậc thang cũng đang chuyển mình. Trên con đường mới đổ bê tông dẫn vào bản Thào Chua Chải, xã Chế Cu Nha, ông Giàng A Ly - Chủ tịch UBND xã chỉ tay về phía xa: "Tuyến này trước kia toàn đá lở, mưa xuống là tắc đường. Giờ xe chở lúa đi thoải mái là nhờ Chương trình đầu tư gần 2 km đường, làm thủy lợi, sửa cầu treo. Dân khỏe hơn, ruộng tốt hơn”. 

Đến năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo tại xã giảm từ 63,4% xuống 39,4%. Cả huyện Mù Cang Chải đã xây được 234 nhà ở mới, hỗ trợ hơn 1.000 bồn chứa nước inox, gần 1.400 con giống trâu, bò. Nhiều xã như: Hồ Bốn, Dế Xu Phình, Lao Chải đã có đường bê tông vào trung tâm.

Tại huyện Văn Chấn - nơi có 18 dân tộc cùng sinh sống, đồng bào DTTS chiếm gần 65%, những công trình hạ tầng thiết yếu đang thay đổi diện mạo từng bản làng. Tuyến đường từ quốc lộ 32 lên xã Sùng Đô, Nậm Mười vốn hẹp, quanh co, giờ đã được mở rộng. Bà Bàn Thị Còi, một người dân địa phương chia sẻ: "Gia đình tôi hiến hơn 1.500 m² đất trồng quế. Giờ đường thông, việc đi lại, giao thương thuận lợi, kinh tế khá lên trông thấy”. 

Giai đoạn 2022 - 2024, Văn Chấn đã xây mới 85 công trình gồm: đường giao thông, trường học, nước sạch, thủy lợi; bảo dưỡng thêm 37 công trình phục vụ dân sinh. Dự án 4 - Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu đang phát huy hiệu quả rõ rệt, từng bước hoàn thiện hạ tầng vùng cao.

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Yên Bái đã hoàn thành và vượt 17/24 chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS & MN. Trong đó có nhiều kết quả ấn tượng: tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm trung bình 5,67%/năm, vượt mục tiêu đề ra; thu nhập bình quân đầu người tăng 2,39 lần so với năm 2020; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 99% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia; trên 93% đồng bào được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đặc biệt, toàn tỉnh đã hoàn thành mục tiêu đưa 28/28 xã vùng đặc biệt khó khăn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn theo Quyết định 652 của Thủ tướng Chính phủ.

Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa cũng ghi nhận những bước chuyển mạnh mẽ: gần như toàn bộ trẻ em trong độ tuổi đến trường đều được huy động; trên 97% người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông; 94,5% phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân được triển khai sâu rộng: hơn 1.400 hộ được hỗ trợ nhà ở, hàng nghìn hộ được cấp dụng cụ trữ nước sinh hoạt, sinh kế, chuyển đổi nghề… Gần 140 km đường giao thông nông thôn được cứng hóa, vượt xa so với chỉ tiêu đề ra.


Mô hình nuôi trâu của anh Mùa A Cắng (người bên phải) ở thôn Khe Đâm, xã Mỏ Vàng cho thu nhập cao. 

"Nút thắt” cần giải quyết

Dù đạt nhiều kết quả tích cực, báo cáo của Sở Dân tộc và Tôn giáo cũng thẳng thắn chỉ ra những chỉ tiêu chưa đạt và khó đạt trong năm cuối của giai đoạn. Một số chỉ tiêu dự kiến có thể hoàn thành nếu có giải pháp kịp thời như: tỷ lệ thôn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, hiện đạt 93,2%; tỷ lệ đồng bào được xem truyền hình và nghe đài phát thanh, hiện đều đạt 99,6%; tỷ lệ học sinh học THPT, đã đạt 52%, mục tiêu là 60%… 

Đối với những chỉ tiêu này, tỉnh đang tích cực triển khai các giải pháp cụ thể như: mở rộng vùng phủ sóng phát thanh, truyền hình; đẩy mạnh vận động học sinh đến trường... Tuy nhiên, vẫn còn những chỉ tiêu khó hoàn thành trong năm 2025 mà nguyên nhân chủ yếu đến từ các "rào cản” về chính sách, nguồn lực và điều kiện thực tế. 

Đơn cử như: tỷ lệ lao động DTTS được đào tạo nghề mới đạt 43,7%, trong khi mục tiêu là trên 50%. Nguyên nhân chính là do mức hỗ trợ theo Quyết định 46/2015/QĐ-TTg đã không còn phù hợp với thực tế, dẫn đến việc khó thu hút người dân tham gia học nghề. 

Một số chỉ tiêu gần như "đóng băng” do không còn điều kiện thực hiện như: hỗ trợ đất sản xuất (0/176 hộ), hỗ trợ sắp xếp ổn định dân cư (0/170 hộ), đào tạo nghề (chỉ mới đạt 4.726 người, trong khi mục tiêu là 77.037 người). Những chỉ tiêu này chủ yếu vướng mắc ở khâu quỹ đất, đối tượng thụ hưởng không còn hoặc quy trình, thủ tục quá phức tạp... 

Cần tư duy đổi mới  và cách làm linh hoạt 

Ông Đỗ Quang Vịnh - Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh nhấn mạnh: "Để về đích đúng tiến độ và chất lượng Chương trình mục tiêu quốc gia vùng DTTS & MN, Sở đã đề xuất hàng loạt giải pháp đồng bộ và sát với thực tiễn. Trước hết, cần rà soát, điều chỉnh chính sách cho phù hợp với tình hình hiện nay, đặc biệt là chính sách đào tạo nghề, chính sách đất đai và chuyển đổi sinh kế”. 

Đối với công tác đào tạo nghề, cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn cho lao động là người DTTS học nghề phù hợp với khả năng, nhu cầu; tổ chức các lớp đào tạo nghề với chương trình, thời gian đào tạo phù hợp trình độ dân trí, tâm lý học viên là người DTTS; chú trọng đào tạo những kỹ năng chuyên môn theo yêu cầu cho từng vị trí việc làm. 

Cùng với đó, đã kiến nghị bổ sung đối tượng thụ hưởng chuyển đổi nghề là hộ cận nghèo DTTS và hộ dân tộc Kinh sống ở vùng khó khăn; hoặc xây dựng phương án khai thác đất từ các nông, lâm trường để cấp đất sản xuất cho đồng bào thiếu đất. Mặt khác, tỉnh cũng đề xuất chú trọng nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tư vấn học nghề cho lao động DTTS; đổi mới nội dung, hình thức và thời lượng đào tạo cho phù hợp với trình độ dân trí và điều kiện kinh tế. Song song, đó, cần đẩy mạnh liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để tạo đầu ra cho lao động sau học nghề. 


Người dân xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải làm đường giao thông nông thôn.

Ở lĩnh vực y tế, giáo dục, thông tin - truyền thông, tỉnh xác định cần tập trung đầu tư các mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời; hoàn thiện hạ tầng truyền thanh - truyền hình cơ sở, tăng cường hệ thống đài truyền thanh số kết nối với hệ thống nội dung của tỉnh.

Thành công bước đầu trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia vùng DTTS & MN tại Yên Bái là minh chứng cho sự quyết tâm, đồng lòng từ cấp ủy, chính quyền đến người dân. Những kết quả là thước đo cho năng lực quản lý, điều hành và cách tổ chức thực hiện bài bản, linh hoạt, sáng tạo. Tuy nhiên, trước chặng đường còn nhiều chỉ tiêu chưa đạt, đặc biệt là các chỉ tiêu mang tính chiến lược như: đào tạo nghề, sắp xếp dân cư, tháo gỡ các rào cản về chính sách, nguồn lực… là nhiệm vụ không thể trì hoãn, rất cần sự quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn nữa từ Trung ương và sự vào cuộc quyết liệt, chủ động của các ngành, địa phương.

Vùng đồng bào DTTS & MN chỉ thực sự phát triển bền vững khi người dân nơi đây không chỉ có điều kiện sống tốt hơn mà còn được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ cơ bản, được học nghề, có việc làm và sống trong môi trường văn hóa - xã hội an toàn, giàu bản sắc. Đó cũng chính là đích đến thực sự của mọi chính sách dân tộc trong thời kỳ đổi mới.

Hồng Duyên

Nguồn: https://baoyenbai.com.vn/12/350655/Yen-Bai-Chinh-sach-giup-vung-cao-vuon-minh.aspx


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm