Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Yêu văn học hơn từ trải nghiệm về lịch sử

NDO - Cùng tham quan di tích, đọc những trang báo, trang văn sống động với sự đồng hành của thầy cô giáo, phụ huynh... là hoạt động đang lôi cuốn học sinh ngày càng yêu và gắn bó với văn học hơn. Từ những câu chuyện, bài học lịch sử, cảm xúc, suy ngẫm và cả những khát khao sáng tạo đã được khơi gợi một cách thật gần gũi, tự nhiên.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân18/05/2025

Trong hành trình giáo dục, các buổi tham quan di tích lịch sử hoặc tiếp cận với các ấn phẩm, tác phẩm nổi tiếng luôn mang đến những trải nghiệm đặc biệt, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng học sinh.

Mới đây, nhóm học sinh yêu văn học thuộc khối 7, Trường THCS Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) đã có một chuyến tham quan đầy ý nghĩa tới Di tích Nhà tù Hỏa Lò - nơi được mệnh danh là "địa ngục trần gian" nhưng cũng là biểu tượng bất khuất của tinh thần dân tộc Việt Nam. Trong tay các em, còn có thêm ấn phẩm Nhân Dân Cuối tuần đặc biệt nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với nội dung phong phú, hình thức thiết kế đẹp mắt.

Ngay từ khi đặt chân tới cổng Di tích Nhà tù Hỏa Lò, các em học sinh đã cảm nhận được không khí thiêng liêng, trầm mặc của không gian từng ghi dấu bao mất mát và hy sinh trong các giai đoạn trường kỳ kháng chiến của đất nước. Với nỗ lực đưa lịch sử đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, Di tích Nhà tù Hỏa Lò vừa chú trọng bảo tồn hiện vật và không gian, vừa ứng dụng công nghệ hiện đại để đổi mới cách truyền tải thông tin. Hình thức thuyết minh tự động - một giải pháp thông minh đang được triển khai hiệu quả và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khách tham quan.

Yêu văn học hơn từ trải nghiệm về lịch sử ảnh 1

Các đoàn khách tham quan dâng hương và tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ trong không gian di tích.

Chỉ với chiếc tai nghe và thiết bị nhỏ gọn, du khách có thể chủ động khám phá từng căn phòng, từng khu trưng bày trong di tích mà không lo bỏ sót những thông tin quan trọng. Hệ thống thuyết minh tự động được lập trình kỹ lưỡng với nhiều ngôn ngữ, giọng đọc truyền cảm, mạch lạc, giúp người nghe dễ dàng hình dung lại khung cảnh lịch sử khốc liệt, những câu chuyện xúc động về lòng quả cảm và tinh thần bất khuất của các chiến sĩ cách mạng.

Không còn phụ thuộc hoàn toàn vào hướng dẫn viên, hình thức này mở rộng quyền chủ động trải nghiệm cho người nghe: có thể dừng lại lâu hơn ở những điểm đặc biệt, tua lại phần thông tin mình muốn nghe kỹ, hay lựa chọn tuyến nội dung phù hợp với độ tuổi, nhu cầu của mình. Đặc biệt, với học sinh, sinh viên, đây là công cụ lý tưởng giúp khơi dậy sự hứng thú học tập lịch sử qua trải nghiệm sinh động.

Yêu văn học hơn từ trải nghiệm về lịch sử ảnh 2

Học sinh chăm chú tìm hiểu về lịch sử.

Thuyết minh tự động cũng chính là cầu nối giúp những ký ức đau thương nhưng hào hùng được gìn giữ và kể lại một cách sống động, liên tục và thuyết phục. Giữa không gian trầm mặc của Hỏa Lò, giọng thuyết minh vang lên như tiếng vọng quá khứ, len lỏi vào từng góc tường lạnh giá, chạm vào từng rung động của trái tim người nghe, để mỗi bước chân đi qua là một lần lắng lại, suy ngẫm và biết ơn.

Các em học sinh đã lặng người khi bước qua "phòng biệt giam" - nơi ánh sáng gần như không lọt được vào, hay khi nhìn thấy "máy chém" - hiện vật còn sót lại của thời kỳ chiến tranh vô cùng tàn khốc. Những câu chuyện thật, người thật và hiện vật thật đã khiến lịch sử không còn là trang giấy khô khan, mà là một dòng chảy sống động đánh thức cảm xúc và lòng biết ơn trong mỗi trái tim.

Yêu văn học hơn từ trải nghiệm về lịch sử ảnh 3

Các em chăm chú lắng nghe thuyết minh tự động và ghi chép dữ liệu.

Từ tình yêu với văn học, nhịp cầu lịch sử đã giúp các em học sinh được tiếp thêm nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho những bài viết, những dòng thơ giàu cảm xúc. Một số em còn viết nhật ký hành trình, vẽ tranh về Hỏa Lò hay sáng tác những bài thơ nhỏ để chia sẻ cảm nhận của mình sau chuyến đi. Qua đó, các em vừa tiếp nhận được câu chuyện lịch sử, vừa sống cùng lịch sử bằng cảm xúc và trí tưởng tượng phong phú của tuổi học trò.

Chúng tôi luôn mong muốn các em học sinh cảm nhận được chiều sâu của văn hóa, lịch sử qua thực tế. Đó luôn là những không gian giáo dục lý tưởng để bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng biết ơn và ý chí vươn lên cho thế hệ trẻ và tác động vào từng trang viết của các em, thể hiện được trách nhiệm, cảm xúc một cách chân thành, sâu sắc.

Cô giáo Lê Thị Thái Thanh, Trường trung học cơ sở Chu Văn An

Cô giáo Lê Thị Thái Thanh, giáo viên Ngữ văn, Trường trung học cơ sở Chu Văn An khi đồng hành cùng học sinh, xúc động bày tỏ: "Chúng tôi luôn mong muốn các em học sinh cảm nhận được chiều sâu của văn hóa, lịch sử qua thực tế. Đó luôn là những không gian giáo dục lý tưởng để bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng biết ơn và ý chí vươn lên cho thế hệ trẻ và tác động vào từng trang viết của các em, thể hiện được trách nhiệm, cảm xúc một cách chân thành, sâu sắc".

Buổi tham quan còn nhận được sự đồng hành của các phụ huynh và sự ủng hộ của Ban giám hiệu nhà trường nhằm gắn nhiệm vụ học tập với trải nghiệm nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện cả về kiến thức và nhân cách.

Yêu văn học hơn từ trải nghiệm về lịch sử ảnh 4

Dưới tán bàng rợp mát hôm nay là bao câu chuyện xúc động về tinh thần hy sinh anh hùng của thế hệ đi trước.

Em Nguyễn Mai Linh, lớp 7A11, xúc động nói: "Em từng nghĩ nhà tù chỉ là nơi giam giữ đơn thuần, nhưng khi đến Hỏa Lò, em mới thực sự hiểu sâu sắc về ý chí kiên cường và tâm hồn cao đẹp. Em đặc biệt ấn tượng khi biết các chiến sĩ cách mạng vẫn sáng tác thơ, truyền cho nhau qua khe cửa để giữ vững tinh thần. Lúc nghe cô giáo đọc những bài báo về Bác Hồ dưới gốc bàng cổ thụ, em cảm giác như đang ngồi giữa một lớp học lịch sử sống động, mà mỗi lời kể, mỗi bài hát là một bài học về lòng dũng cảm và tình yêu nước".

Điểm nhấn đầy ý nghĩa trong chuyến tham quan của nhóm học sinh yêu văn học của nhà trường còn ở khoảnh khắc các em được tiếp cận và lắng nghe những trích đoạn từ ấn phẩm đặc biệt của Báo Nhân Dân Cuối tuần phát hành nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với em Trịnh Nguyễn Bảo Duy, lớp 7A1, chuyến đi cùng các cô giáo, bạn bè và đặc biệt có bà đồng hành đã mở ra thế giới cảm xúc rất đặc biệt. "Lúc bước vào phòng biệt giam, em thực sự rùng mình. Từ đó, em cảm thấy vô cùng biết ơn những người đi trước đã hy sinh để chúng em có được cuộc sống hôm nay. Sau chuyến đi, em muốn ghi lại cảm xúc của mình, vừa là để nhớ, vừa là cách bày tỏ lòng kính trọng với các anh hùng dân tộc".

Yêu văn học hơn từ trải nghiệm về lịch sử ảnh 5

Ấn phẩm đặc biệt của Báo Nhân Dân đồng hành cùng học sinh đọc tại không gian di tích.

Điểm nhấn đầy ý nghĩa trong chuyến tham quan của nhóm học sinh yêu văn học của nhà trường còn ở khoảnh khắc các em được tiếp cận và lắng nghe những trích đoạn từ ấn phẩm đặc biệt của Báo Nhân Dân Cuối tuần phát hành nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một sản phẩm báo chí giàu tâm huyết, kết hợp hài hòa giữa giá trị nội dung sâu sắc và hình thức trình bày hiện đại, đẹp mắt.

Ấn phẩm tạo ấn tượng mạnh qua nội dung phong phú, tái hiện sinh động hình ảnh và tư tưởng của Bác Hồ với những câu chuyện, bài viết, hình ảnh tư liệu quý giá. Đặc biệt, việc tích hợp mã QR thông minh trên các trang báo đã mở rộng trải nghiệm cho người đọc: chỉ cần quét mã bằng điện thoại, các em học sinh có thể dễ dàng truy cập thêm các bài viết, hình ảnh, video và cả những lời dạy giản dị mà sâu sắc của Bác - những thông điệp mang tính nhân văn vượt thời gian.

Yêu văn học hơn từ trải nghiệm về lịch sử ảnh 6

Học sinh vừa đọc báo, vừa trao đổi về những câu chuyện lịch sử.

Trong không gian trầm mặc và đầy ký ức của Di tích Nhà tù Hỏa Lò, hình ảnh các cô giáo và học sinh quây quần dưới tán cây bàng già từng trải qua một thời khốc liệt đã mang đến khoảnh khắc đặc biệt, lắng đọng và xúc động. Cây bàng thân sần sùi, rễ nổi gân guốc, qua đằng đẵng thời gian, chứng kiến bao nỗi đau và cả niềm hy vọng len lỏi trong chốn ngục tù tăm tối... giờ đây vươn bóng mát để thế hệ hôm nay lật từng trang báo, say sưa đọc những bài viết về Bác Hồ kính yêu.

Lời của Bác như vọng lại giữa khoảng sân đầy kỷ niệm, khiến bầu không khí như lặng đi. Các em học sinh lắng nghe lời cô giáo đọc, mắt dõi từng con chữ, ghi chép vào sổ tay. Có em cầm điện thoại, quét mã QR in trên trang báo để mở phần podcast âm nhạc. Tiếng nhạc vang lên - những giai điệu quen thuộc ca ngợi công lao của Người - khiến khoảnh khắc càng thêm sâu sắc.

Yêu văn học hơn từ trải nghiệm về lịch sử ảnh 7

Một phụ huynh học sinh đang giới thiệu với du khách nước ngoài về ấn phẩm của Báo Nhân Dân.

Dưới tán bàng rợp bóng, lịch sử trở thành một câu chuyện sống động, được kể bằng trái tim, bằng ánh nhìn xúc động của người trẻ hôm nay. Họ vừa tham quan, vừa đọc báo, vừa như đang được lắng nghe lịch sử thì thầm, đang để ký ức thấm sâu vào nhận thức, để hiểu và trân trọng những giá trị thiêng liêng của dân tộc. Trong khoảnh khắc đầy xúc động ấy, dưới tán cây lịch sử, có lẽ, những hạt mầm yêu nước đã âm thầm nảy nở trong lòng từng học sinh, như chính tán bàng kia từng vươn mình giữa bão giông để xanh mãi với thời gian.

Chị Nguyễn Thùy Dương, phụ huynh đồng hành cùng con trong hành trình đặc biệt, bày tỏ: "Khi nhìn thấy con và các bạn chăm chú nghe thuyết minh, ngồi dưới tán bàng đọc báo cùng rồi chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của mình, tôi thực sự xúc động. Tôi nhận ra rằng, có những bài học không thể truyền đạt hết qua sách vở, mà phải được cảm nhận bằng trái tim. Đối với tôi, chuyến đi còn là khoảnh khắc kết nối thế hệ để cùng nhau nhìn lại lịch sử, thấm thía hơn những mất mát và vinh quang mà cha ông đã trải qua để đổi lấy nền độc lập hôm nay".

Yêu văn học hơn từ trải nghiệm về lịch sử ảnh 8

Những câu chuyện lịch sử trở nên sống động hơn bao giờ hết.

Trong không gian lắng đọng của Di tích Nhà tù Hỏa Lò, chị Nguyễn Thị Lương Thiện, phụ huynh học sinh, đã có những chia sẻ đầy cảm xúc sau khi cùng con tham gia chuyến tham quan. Với chị, đây vừa là là một hoạt động trải nghiệm, cũng là một dịp quý giá để người lớn được sống lại với ký ức dân tộc qua lăng kính tinh tế của báo chí cách mạng.

"Bên cạnh không gian di tích, điều khiến tôi ấn tượng và xúc động nhất chính là ấn phẩm đặc biệt của Báo Nhân Dân. Đây thực sự là một món quà tinh thần sâu sắc trong hành trình. Ấn phẩm có nội dung sâu sắc, hình ảnh chỉn chu, thiết kế rất hiện đại, dễ tiếp cận", chị Thiện nói.

Theo chị, việc tích hợp công nghệ hiện đại vào sản phẩm báo chí giúp học sinh tiếp cận dễ dàng, khơi gợi được cảm xúc, làm cho việc học lịch sử trở nên tự nhiên, gần gũi và hấp dẫn hơn bao giờ hết.

"Tôi thực sự cảm ơn nhà trường, các thầy cô và cả những người làm báo đã tạo nên một hành trình giáo dục trọn vẹn đến vậy. Từ sự kết hợp, các con vừa tiếp cận được những bài học quý giá từ Bác Hồ, vừa có cơ hội hiểu thêm về vai trò của báo chí cách mạng trong việc gìn giữ và lan tỏa giá trị truyền thống. Một chuyến đi, nhưng đọng lại là cả một hành trang sống", chị nhận định.

Yêu văn học hơn từ trải nghiệm về lịch sử ảnh 9

Cô giáo và phụ huynh đọc chung một trang báo - khoảnh khắc đáng nhớ của hành trình.

Trong bối cảnh xã hội hiện đại, việc giáo dục truyền thống yêu nước, vẻ đẹp của văn chương đã không ngừng được các nhà trường cập nhật, bồi đắp để học sinh được "chạm" đến cảm xúc, được thấm qua từng trải nghiệm thực tế.

Từ những bước chân rụt rè khi bước vào "địa ngục trần gian" thuở nào đến những ánh mắt lặng lẽ nhưng đầy suy tư khi rời khỏi nơi ấy, các em học sinh đã trưởng thành hơn trong nhận thức, và lặng lẽ gieo trong mình những hạt mầm yêu nước, để mai này sẽ nở thành những bông hoa của trách nhiệm và tự hào dân tộc.

Nguồn: https://nhandan.vn/yeu-van-hoc-hon-tu-trai-nghiem-ve-lich-su-post880598.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn
10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm