
Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chiếm khoảng 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu với giá trị đạt 119,5 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, gồm máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, máy móc, thiết bị, dệt may và gỗ... (Ảnh: Vietnam+)
Ngày 5/7, tại buổi Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội thường kỳ, ông Lê Trung Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Thống kê đã chia sẻ một số đánh giá phân tích về tác động của thuế đối ứng từ Mỹ đến tăng trưởng GDP, dựa trên các kịch bản khác nhau.
Việc đánh giá các kịch bản này là nhằm cung cấp các dữ liệu trong điều hành kinh tế vĩ mô đồng thời giúp các doanh nghiệp có cái nhìn rõ nét hơn về những thách thức và cơ hội trong thời gian tới.
Tác động đến nhóm ngành chủ lực
Để hiểu rõ mức độ ảnh hưởng của các kịch bản thuế quan, trước hết cần nhìn vào bức tranh toàn cảnh của quan hệ thương mại song phương Việt - Mỹ. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra hàng triệu việc làm.
Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chiếm khoảng 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu với giá trị đạt 119,5 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, gồm máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, máy móc, thiết bị, dệt may và gỗ...
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ, chiếm khoảng 4% tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ. Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ là 104,4 tỷ USD. Tỷ trọng hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có xu hướng tăng trong các năm gần đây.
Theo Báo cáo về Rào cản Thương mại nước ngoài năm 2024 của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), mức thuế Tối huệ quốc (MFN) trung bình mà Mỹ đang áp dụng cho hàng hóa Việt Nam là 9,4%.
Tuy nhiên, mức thuế này có sự phân hóa rõ rệt khi hàng nông nghiệp chịu mức thuế cao ở mức 17,1% và hàng phi nông nghiệp có mức thuế trung bình là 8,1%. Đây là mức thuế nền tảng để xem xét và mọi sự thay đổi về chính sách thuế từ phía Mỹ sẽ được tính toán dựa trên mức trung bình 9,4% này.

Ba nhóm ngành hàng chủ lực đang chiếm tỷ trọng áp đảo, bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 23,2 tỷ USD, chiếm 19,4% tổng kim ngạch. Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 22 tỷ USD, chiếm 18,5%. Hàng dệt may đạt 16,2 tỷ USD, chiếm 13,5%. (Ảnh: Vietnam+)
Số liệu từ Hải quan năm 2024, Việt Nam có 15 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, cho thấy sự đa dạng và chiều sâu trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Trong đó, ba nhóm ngành hàng chủ lực đang chiếm tỷ trọng áp đảo, bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 23,2 tỷ USD, chiếm 19,4% tổng kim ngạch. Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 22 tỷ USD, chiếm 18,5%. Hàng dệt may đạt 16,2 tỷ USD, chiếm 13,5%.
Như vậy, ba nhóm hàng này đã chiếm hơn một nửa tổng giá trị xuất khẩu sang Mỹ. Do đó, đây sẽ là những lĩnh vực chịu tác động nếu có sự thay đổi nào về chính sách thuế quan.
Ba kịch bản với các tác động
Trên cơ sở đó, Cục Thống kê đưa ra kịch bản đầu tiên với mức thuế đối ứng áp trung bình 10% đối với toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, thì tác động tăng thuế bình quân tăng thêm chỉ là 0,6 điểm phần trăm và kéo theo giá hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Mỹ tăng lên tương ứng.
Theo tính toán của Cục Thống kê, mức tăng thuế này sẽ khiến giá bán lẻ cuối cùng đến tay người tiêu dùng Mỹ tăng khoảng 0,5%. Trong kinh tế học, khi giá tăng-lượng cầu sẽ giảm. Mức độ giảm phụ thuộc vào một chỉ số quan trọng là "hệ số co giãn của cầu theo giá". Phân tích của Cục Thống kê đã xem xét hai giả định về hệ số co giãn này.
Giả định hệ số co giãn bằng 1 (tức là giá tăng 1% thì lượng cầu giảm đúng 1%), ông Hiếu cho biết lượng cầu hàng hóa Việt Nam sẽ giảm khoảng 0,5%, tương đương với việc trị giá xuất khẩu vào thị trường Mỹ sụt giảm 0,5%.
Bên cạnh đó, giả định hệ số co giãn bằng 1,2 (trường hợp người tiêu dùng nhạy cảm hơn với giá cả), ông Hiếu cho hay lượng cầu sẽ giảm khoảng 0,6%, theo đó ước tính GDP sẽ giảm khoảng 0,05 điểm phần trăm.
Kịch bản thứ hai, với việc Mỹ quyết định áp một mức thuế trung bình 15%. Theo ông Hiếu, khi mức thuế đối ứng trung bình được nâng lên 15%, mức tăng thuế bình quân so với hiện tại sẽ là 5,6 điểm phần trăm (từ 9,4% lên 15%).

Mức thuế đối ứng 20%, kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng 9-10% và tác động cuối cùng là làm GDP giảm khoảng 0,8 điểm phần trăm. (Ảnh: Vietnam+)
Kịch bản thứ ba, mức thuế đối ứng 20%, giá bán lẻ tại thị trường Mỹ được dự báo sẽ tăng khoảng 9,7%.
Ông Hiếu lưu ý các kịch bản đánh giá tác động trên cơ sở các điều kiện, giả thiết điều kiện hệ số co giãn trong khoảng từ 1-1,2%. Cuối cùng giả thiết không có sự tác động tăng thêm hay mở rộng thị trường xuất khẩu và thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện có.
Nguồn: https://vtcnews.vn/3-kich-ban-du-bao-thue-doi-ung-co-the-tac-dong-den-tang-truong-ar952872.html
Bình luận (0)