Phó Chủ tịch nước phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu 2025. Ảnh: TTXVN
Thưa Bà I-ren Na-ti-vi-đát, Chủ tịch Hội nghị,
Thưa Ngài Phó Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức,
Thưa Bà Phó Chủ tịch Quốc hội Liên bang Đức,
Thưa các vị Trưởng đoàn,
Thưa Quý vị đại biểu,
Tôi rất vui mừng trở lại dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu lần này. Thay mặt Đoàn đại biểu Việt Nam, tôi gửi tới Bà Chủ tịch Hội nghị cùng tất cả Quý vị lời chào nồng nhiệt nhất. Xin chân thành cảm ơn Ban Tổ chức Hội nghị, Lãnh đạo và nhân dân nước chủ nhà, thành phố Berlin tươi đẹp đã dành cho Đoàn Việt Nam sự đón tiếp chu đáo, thân tình.
Trải qua 35 năm hình thành và phát triển, Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu đã trở thành một diễn đàn uy tín, không ngừng thúc đẩy đối thoại và hợp tác quốc tế về bình đẳng giới. Đặc biệt năm nay, Hội nghị với chủ đề "Phụ nữ: Khôi phục giá trị trong thời đại số", được tổ chức tại Bearlin - biểu tượng của hòa bình, thống nhất, sáng tạo và phát triển bền vững - càng mang ý nghĩa hết sức sâu sắc, thiết thực trong bối cảnh thế giới đầy bất ổn.
Thưa quý vị,
Thế giới đang trải qua nhiều biến động to lớn, diễn biến nhanh, phức tạp chưa từng có, tác động đan xen lên đời sống và tương lai của hàng triệu người dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái, đe dọa kéo lùi những thành tựu mà tiến trình bình đẳng giới đạt được. Trong bối cảnh đó, quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ vừa mang lại cơ hội cho phát triển bền vững, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, quản trị hiệu quả và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, vừa có nguy cơ làm sâu sắc thêm những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, nhất là đối với những nhóm yếu thế trong xã hội. Vì vậy, sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của phụ nữ trong tiến trình chuyển đổi số là đòi hỏi khách quan. Nếu không, chúng ta sẽ lãng phí đi một nửa tiềm năng, một nửa trí tuệ và một nửa sức mạnh để kiến tạo một tương lai số bền vững, bao trùm và nhân văn.
Việt Nam tự hào về những cam kết nhất quán và hành động mạnh mẽ của mình trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. Những nỗ lực không ngừng nghỉ đó đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Theo Báo cáo Khoảng cách giới Toàn cầu năm 2024 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 72 trên 146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022. Tỷ lệ phụ nữ trong lực lượng nghiên cứu khoa học chiếm 44%. Trong lĩnh vực STEM, nữ sinh chiếm 37% tổng số sinh viên, vượt mức trung bình toàn cầu. Những thành tựu đó không đến một cách ngẫu nhiên. Chúng được định hướng bởi một triết lý nhất quán, một kim chỉ nam cho mọi hành động của chúng tôi: Lấy con người làm trung tâm, trong đó, phụ nữ vừa là chủ thể, vừa là nguồn nhân lực quan trọng của đất nước.
Chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam được xây dựng trên ba trụ cột chính, với mục tiêu đảm bảo mọi người dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái, đều được tham gia và hưởng lợi từ quá trình này.
Trụ cột đầu tiên là cam kết xây dựng một xã hội số thực sự bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau. Từ ngọn lửa của phong trào “Bình dân học vụ” để xóa nạn mù chữ cho hàng triệu người dân Việt Nam vào năm 45 của thế kỷ trước, nay lại được thắp lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên số. Các phong trào như “Bình dân học vụ số”, “Bình dân học AI” được phát động rộng rãi, nhằm phổ cập tri thức và kỹ năng số cho toàn dân, trong đó có phụ nữ ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, giúp họ có thể nắm bắt và làm chủ công nghệ, từ đó tham gia sâu hơn vào nền kinh tế số, xã hội số. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang là lực lượng tiên phong, đưa những chương trình này đến từng ngõ xóm, bản làng, đảm bảo rằng mọi phụ nữ đều có trong tay chiếc chìa khóa để tự tin bước vào tương lai số.
Trụ cột thứ hai là giải phóng và phát huy trọn vẹn tiềm năng kinh tế của phụ nữ. Tại Việt Nam, phụ nữ không chỉ là lực lượng lao động nòng cốt, mà còn là những kiến trúc sư của nền kinh tế, với hơn 28% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Điều đặc biệt là trong các hiệp hội công nghệ đầu ngành như: Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin hay Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia có rất nhiều phụ nữ lãnh đạo tài năng đang giữ các vị trí chủ chốt, góp phần hoạch định chiến lược cho cả một ngành công nghiệp số. Đề án hỗ trợ hơn 100.000 phụ nữ khởi nghiệp; các mô hình "Phụ nữ kết nối số, kinh doanh online" không chỉ là sự hỗ trợ, mà là một lời cam kết đầu tư, nhằm đưa phụ nữ Việt Nam trở thành lực lượng tiên phong, dẫn dắt các mô hình kinh doanh mới, gắn liền với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Khi phụ nữ thành công, họ không chỉ thay đổi cuộc đời mình, gia đình mình, mà còn góp phần kiến tạo nên một quốc gia thịnh vượng.
Trụ cột thứ ba là kiến tạo một không gian số an toàn và thân thiện đối với thế hệ tương lai. Cam kết này được thể hiện rõ nét qua Chương trình quốc gia “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” hay những hành động cụ thể, quyết liệt như việc vận hành Tổng đài quốc gia 111 hoạt động 24/7 để tiếp nhận và xử lý mọi thông tin xâm hại trẻ em, đến việc ban hành “Bộ cẩm nang bảo vệ trẻ em trên không gian mạng” được biên soạn cẩn thận cho từng lứa tuổi. Chúng tôi tin rằng, tạo cơ hội tiếp cận đầy đủ và công bằng cho trẻ em trong không gian số không chỉ giúp thay đổi một cuộc đời, mà còn vun đắp tương lai tiến bộ và bình đẳng hơn cho cả nhân loại.
Thưa quý vị,
Hành trình chuyển đổi số này, với tất cả cơ hội và thách thức, không một quốc gia nào có thể đi một mình. Đây là lúc chúng ta cần chung một tầm nhìn và cùng nhau hành động. Vì vậy, Việt Nam xin trân trọng đưa ra một số đề xuất sau:
Thứ nhất, để công nghệ thực sự phục vụ con người, phụ nữ không chỉ là người sử dụng, mà còn phải là những kiến trúc sư của tương lai số. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế, các quốc gia hãy cùng nhau đặt bình đẳng giới vào trung tâm của mọi cuộc thảo luận, mọi khuôn khổ pháp lý về công nghệ. Chỉ như vậy, tiếng nói và quyền lợi của phụ nữ, trẻ em mới luôn được bảo vệ và đề cao.
Thứ hai, tri thức là tài sản chung. Chúng ta hãy cùng nhau làm cho tài sản đó trở nên giàu có hơn. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ câu chuyện và kinh nghiệm từ các mô hình thành công của mình. Đồng thời, chúng tôi mong muốn học hỏi từ những sáng kiến của bạn bè quốc tế, để không một người dân nào, dù ở nông thôn hay thành thị, bị bỏ lại phía sau trong hành trình này.
Thứ ba, chúng ta hãy cùng nhau thắp lên những ngọn đuốc truyền cảm hứng. Bằng cách đưa những đóng góp của các nhà khoa học nữ, các nữ doanh nhân công nghệ tài năng ra ánh sáng, vinh danh họ một cách trang trọng và bình đẳng trong các diễn đàn công nghệ uy tín nhất. Mỗi câu chuyện thành công được lan tỏa sẽ là một thông điệp mạnh mẽ, phá vỡ những rào cản vô hình và gieo vào lòng thế hệ trẻ, đặc biệt là các em gái niềm tin và khát vọng vươn lên chinh phục bất kỳ đỉnh cao nào.
Thưa quý vị,
Chuyển đổi số là một hành trình đầy thách thức nhưng cũng mở ra cơ hội chiến lược để kiến tạo một tương lai phát triển bền vững, công bằng và nhân ái hơn. Việt Nam cam kết tiếp tục là một đối tác tin cậy, một thành viên có trách nhiệm, chung tay cùng cộng đồng quốc tế vì một thế giới số bao trùm, nơi mọi phụ nữ và trẻ em gái đều được tham gia một cách đầy đủ, được bảo vệ hiệu quả và được trao quyền để phát triển toàn diện.
Chúc Diễn đàn Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu tiếp tục phát triển mạnh mẽ, có nhiều ý tưởng và hành động thiết thực cho tiến trình bình đẳng giới nói riêng và cho hòa bình, ổn định, phát triển bền vững của thế giới nói chung.
Chúc sức khỏe Bà Chủ tịch Hội nghị, các vị lãnh đạo, cùng toàn thể quý vị đại biểu.
Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn./
Nguồn: https://vpctn.gov.vn/tin-tuc-su-kien/hoat-dong-cua-pho-chu-tich-nuoc/toan-van-phat-bieu-cua-pho-chu-tich-nuoc-tai-hoi-nghi-thuong-dinh-phu-nu-toan-cau-2025.html
Bình luận (0)