Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

50 năm nghệ thuật: Giai điệu cuộc sống từ vùng đất anh hùng

Trong suốt 50 năm sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, dưới sự lãnh đạo sâu sát của Đảng bộ tỉnh, nền nghệ thuật Long An đã trải qua một chặng đường phát triển đầy ấn tượng. Từ những loại hình truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc đến các bộ môn hiện đại, nghệ thuật Long An (Tây Ninh mới) không chỉ đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng mà còn đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, xứng danh vùng đất "Trung dũng, kiên cường".

Báo Long AnBáo Long An09/07/2025

Vở cải lương Người con của rừng tràm

Nền tảng vững chắc

Long An với vị trí chiến lược là cửa ngõ kết nối Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, được thiên nhiên ban tặng một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú. Toàn tỉnh tự hào với 127 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 21 di tích cấp quốc gia. Đặc biệt, các giá trị văn hóa phi vật thể đa dạng với 2 bảo vật quốc gia, 5 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và hàng trăm lễ hội truyền thống, tạo nên một bức tranh nghệ thuật sống động.

Người dân Long An, với tinh thần "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc", đã và đang tiếp tục gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, làm phong phú nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã mở ra một kỷ nguyên mới, tạo không gian phát triển chưa từng có cho nghệ thuật. Cùng với sự phát triển kinh tế và môi trường chính trị ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho nghệ thuật thăng hoa. Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn học, nghệ thuật đã trở thành kim chỉ nam, định hướng cho sự phát triển của nghệ thuật Long An.

Hơn nữa, sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ đã mở ra nhiều cơ hội mới trong quảng bá, giao lưu, tiếp thu tinh hoa nghệ thuật thế giới, đồng thời, tác động đa chiều của cơ chế thị trường và hiện thực đời sống xã hội là chất liệu dồi dào, thúc đẩy sự sáng tạo của mỗi nghệ sĩ.

Dấu ấn nổi bật

Trong suốt 50 năm qua, dòng mạch chính trong sáng tạo nghệ thuật tỉnh Long An luôn là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc và nhân dân. Khuynh hướng này thể hiện rõ nét qua việc bám sát hiện thực cuộc sống, tập trung vào các chủ đề chính như ca ngợi quê hương, đất nước; phản ánh công cuộc xây dựng và đổi mới; giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa; xây dựng nông thôn mới, chủ quyền biên giới quốc gia, biển, đảo; và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nghệ thuật Long An vừa phản ánh lịch sử truyền thống, vừa mang hơi thở của cuộc sống đương đại, chú trọng khai thác các khía cạnh của đời sống xã hội. Sự đa dạng về nội dung và phương thức thể hiện là một bước phát triển mới, trong đó, quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ được tôn trọng, từng bước tạo dấu ấn cá nhân trong các tác phẩm.

Tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động sáng tạo nghệ thuật như các cuộc thi sáng tác, biểu diễn, giao lưu, quảng bá, góp phần làm phong phú đời sống nghệ thuật. Nhìn chung, quá trình sáng tạo nghệ thuật của tỉnh nhà luôn bắt nhịp theo xu hướng phát triển chung của cả nước, thể hiện tinh thần yêu quê hương, đất nước và phản ánh chân thực cuộc sống.

 Lá cờ đầu của sân khấu Long An

Ngay từ những ngày đầu thống nhất đất nước, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo xây dựng các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Từ đó, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An (năm 1977) và Đoàn Xiếc nhân dân Long An (năm 1982) ra đời.

Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An, với gần 50 năm xây dựng và phát triển, luôn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kế thừa. Đoàn đã dàn dựng, biểu diễn nhiều vở diễn, tiết mục có giá trị nghệ thuật cao, phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh, đạt nhiều thành tích cao tại các hội thi, liên hoan khu vực và toàn quốc.

Các vở diễn như Đất và hoa, Lửa thần, Nghĩa sĩ Cần Giuộc, Thầy Ba Đợi, Cuộc đời của Mẹ, Bên dòng Long Khốt, Người con của rừng tràm,... đã tạo tiếng vang lớn. Hàng năm, Đoàn tổ chức các chương trình biểu diễn không doanh thu phục vụ cán bộ và nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, đồng thời, thường xuyên giao lưu nghệ thuật với các đơn vị bạn, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống.

Đoàn Xiếc nhân dân Long An, với hơn 40 năm thành lập, là niềm tự hào của tỉnh khi là tỉnh duy nhất trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long duy trì và phát triển đoàn xiếc. Đoàn đã dàn dựng nhiều tiết mục biểu diễn hay, đoạt giải tại các kỳ liên hoan xiếc khu vực và toàn quốc, thậm chí tham gia biểu diễn tại một số nước, tạo dấu ấn tốt đẹp đối với khán giả.

Các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh luôn thể hiện vai trò nòng cốt trong các hoạt động nghệ thuật, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương, đáp ứng yêu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của nhân dân.

Sức mạnh từ phong trào văn nghệ quần chúng

Các cơ quan, đơn vị chuyên môn về văn hóa, nghệ thuật trong tỉnh đã tăng cường xây dựng và phát triển hoạt động văn nghệ quần chúng, hướng dẫn, khuyến khích nhân dân lưu truyền và phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống. Các hoạt động biểu diễn, hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng được các cấp, các ngành duy trì tổ chức thường xuyên. Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh đã tích cực tham gia các hội thi, liên hoan do Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, đạt kết quả cao.

Tỉnh đã chỉ đạo triển khai có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trong đó, đẩy mạnh phong trào văn nghệ quần chúng ở khu dân cư. Hàng năm, các trung tâm văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng xã đã tổ chức hơn 500 cuộc sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; các nhà văn hóa ấp, khu phố đã tổ chức hơn 1.000 đêm văn nghệ tại các khu dân cư; có 996 câu lạc bộ, đội, nhóm văn nghệ được thành lập, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa.

Đờn ca tài cử thăng hoa

Công tác bảo tồn, phát huy di sản nghệ thuật các dân tộc có bước phát triển rõ rệt. Các loại hình nghệ thuật truyền thống dân gian như trò chơi dân gian, đờn ca tài tử, cải lương, hát bội được chú trọng khôi phục trong các hoạt động nghệ thuật quần chúng, đặc biệt thông qua lễ hội truyền thống.

Đặc biệt, đối với nghệ thuật đờn ca tài tử – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO vinh danh, Long An đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, bảo tồn và phát triển. Hiện nay, tỉnh có trên 134 câu lạc bộ, đội, nhóm với khoảng 3.100 tài tử đờn và ca.

Toàn tỉnh hiện có 1 nghệ nhân nhân dân và 8 nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực này. UBND tỉnh đã xây dựng và triển khai Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Long An giai đoạn I (2024 - 2026) và tầm nhìn đến năm 2030”, thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc bảo tồn di sản quý giá này.

Tỉnh Long An đã tổ chức 2 cuộc tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể vào các năm 2005 và 2013. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh và Bảo tàng - Thư viện tỉnh đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu chuyên sâu về một số di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu thuộc lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có đờn ca tài tử, nhạc lễ, hát bội, cải lương, bóng rỗi, múa lân sư rồng, trò chơi dân gian.

Cùng với đó, tỉnh quan tâm chỉ đạo xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, từ đó đội ngũ này không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng. Đến nay, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật có 521 hội viên thuộc 9 lĩnh vực chuyên ngành. Trong đó, nhiều văn nghệ sĩ đã được Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý: 1 nghệ sĩ nhân dân, 9 nghệ sĩ ưu tú, 1 nghệ nhân nhân dân và 10 nghệ nhân ưu tú. Nhiều văn nghệ sĩ đã đoạt giải cao tại các cuộc thi trong và ngoài nước.

Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Thông, ra đời năm 2000, đã góp phần làm phong phú, sinh động và sâu sắc hơn đời sống nghệ thuật của tỉnh. Đây là giải thưởng có uy tín, tôn vinh những thành quả lao động nghệ thuật của văn nghệ sĩ có các tác phẩm tiêu biểu, giá trị về đất và người Long An.

Các chi hội nghệ thuật chuyên ngành trực thuộc Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh cũng có những đóng góp nổi bật. Chi hội Âm nhạc có 58 hội viên, tích cực tổ chức biểu diễn, sinh hoạt chuyên đề, giao lưu giới thiệu tác giả, tác phẩm. Hàng năm, Chi hội tổ chức trại sáng tác, cho ra đời nhiều tác phẩm mới chất lượng.

Chi hội Sân khấu có 109 hội viên, là chi hội đông đảo nhất, đã sáng tác hàng trăm bài ca cải lương, vọng cổ, thu hàng chục chương trình phát trên đài và hàng ngàn đĩa CD, VCD, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương và đoạt nhiều giải thưởng cao tại các cuộc thi, liên hoan toàn quốc, khu vực.

Chi hội Nhiếp ảnh với 63 hội viên, một số nghệ sĩ được phong tước nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc và đặc biệt xuất sắc. Chi hội duy trì thi ảnh truyền thống “Long An quê hương tôi” (lần thứ 37) với hàng ngàn bức ảnh đẹp về đất và người Long An.

Chi hội Văn nghệ dân gian có 72 hội viên, đóng góp quan trọng vào việc nghiên cứu sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình văn nghệ dân gian.

Triển vọng vươn xa

Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, nghệ thuật Long An đã đạt được những thành tựu nổi bật, khẳng định vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Dưới sự lãnh đạo sâu sát của Đảng, sự quản lý điều hành hiệu quả của chính quyền và nỗ lực không ngừng của đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ thuật Long An đã thực sự trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển của tỉnh.

Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức đặt ra như việc nâng cao chất lượng sáng tạo, đối phó với những tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường và sự xâm nhập của các loại hình nghệ thuật không lành mạnh. Để tiếp tục phát triển vững chắc, nghệ thuật Long An (tỉnh Tây Ninh mới) cần tiếp tục đổi mới, phát huy tối đa tiềm năng, tập trung vào việc tạo ra những tác phẩm có giá trị cao, phản ánh chân thực cuộc sống, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nghệ thuật Long An cần tiếp tục khai thác những giá trị truyền thống, đồng thời, mạnh dạn tiếp thu cái mới, cái hay của thế giới. Phát triển đội ngũ nghệ sĩ cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là thế hệ kế cận, sẽ là yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững của nghệ thuật tỉnh nhà trong những năm tới.

Nghệ thuật Long An – chặng đường 50 năm tự hào và bản sắc, sẽ tiếp tục cất lên những giai điệu mới, tô điểm thêm cho bức tranh văn hóa Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Trong bối cảnh hợp nhất 2 tỉnh Tây Ninh và Long An thành tỉnh Tây Ninh mới, nghệ thuật tỉnh Tây ninh sẽ có sự gắn kết hài hòa về bản sắc văn hóa, được bổ sung nguồn lực, chắp cánh bay cao, sẽ tiếp tục cất lên những giai điệu mới, tô điểm thêm cho bức tranh văn hóa, nghệ thuật quê hương “Trung dũng, kiên cường” trong kỷ nguyên mới./.

Tân An

Nguồn: https://baolongan.vn/50-nam-nghe-thuat-giai-dieu-cuoc-song-tu-vung-dat-anh-hung-a198402.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm