Theo số liệu mới nhất Ngân hàng Nhà nước công bố, tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đến hết tháng 2 đạt 7,366 triệu tỷ đồng, tăng 4,26% so với cuối năm 2024, lập kỷ lục mới. So với cuối tháng 1 liền trước, lượng tiền gửi tiết kiệm của dân cư tăng thêm 178.000 tỷ đồng tỷ đồng còn so với cuối năm 2024 tăng 301.000 tỷ đồng.
Cùng thời điểm, tiền gửi của khối tổ chức kinh tế tiếp tục giảm tháng thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm 71.000 tỷ đồng trong tháng 2, nâng mức giảm trong 2 tháng đầu năm lên 305.000 tỷ đồng. Các tổ chức kinh tế hiện gửi tiền tại các ngân hàng còn 7,362 triệu tỷ đồng, giảm 3,98% so với cuối năm 2024.
Như vậy, lượng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng của khách hàng cá nhân đã chính thức vượt tiền gửi của các tổ chức kinh tế.

Tiền gửi của người dân vào ngân hàng tăng mạnh (Ảnh: Tiến Tuấn).
Để hút vốn từ dân cư, trong tháng 2, nhiều ngân hàng đã tiến hành tăng lãi suất huy động. Nhiều ngân hàng đưa lãi suất huy động vượt mốc 6%/năm, cao hơn so với mặt bằng chung trong nhiều tháng trước đó. Lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng dao động từ 3,5-4,6%/năm; kỳ hạn 6 tháng từ 4,8-5,9%/năm; kỳ hạn 12 tháng lên đến 5,8-7,7%/năm, tùy theo ngân hàng.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 2, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động để tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay. Từ tháng 3 đến hiện tại, 29 ngân hàng đã giảm lãi suất huy động từ 0,3-1,3%/năm, tùy kỳ hạn.
TS Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, cho biết định hướng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước nhằm duy trì lãi suất ở mức thấp, hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế sau các đợt ảnh hưởng như dịch Covid-19, bão Yagi và gần đây nhất là căng thẳng thương mại toàn cầu. Từ đó, các ngân hàng có sự điều chỉnh phù hợp đối với lãi suất đầu vào.
Lãi suất tiết kiệm hiện nay không đồng đều, phụ thuộc từng sản phẩm, kỳ hạn, cũng như quy mô ngân hàng. Ngân hàng lớn hơn có thanh khoản dồi dào hơn, trong khi ngân hàng nhỏ hơn bị áp lực về thanh khoản sẽ có mức lãi suất khác nhau.
Theo chuyên gia, nhìn chung, lãi suất tiết kiệm hiện nay có xu hướng ổn định ở mức cơ bản, nhưng lãi suất kỳ hạn trung và dài hạn có xu hướng tăng cao hơn so với lãi suất ngắn hạn.
Lãi suất tiết kiệm truyền thống không cao, nhưng vẫn thu hút được dòng tiền gửi của người dân, do sự an toàn, nhu cầu bảo toàn vốn của người dân.
Ông Linh cho rằng không ít người xem gửi tiết kiệm là một kênh tạm thời, chờ cơ hội đầu tư khác có tiềm năng sinh lời cao hơn xuất hiện. Tuy nhiên, theo ông, đây vẫn là kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh các kênh đầu tư khác có rủi ro cao hoặc sinh lời chưa đủ hấp dẫn.
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/736-trieu-ty-dong-tien-gui-cua-nguoi-dan-chay-vao-ngan-hang-20250521100152150.htm
Bình luận (0)