PGS.TS Trần Thị Ngọc Lang, "người gìn giữ tiếng nói phương Nam", đã lặng lẽ từ biệt cõi trần. Sự ra đi của bà không chỉ để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, đồng nghiệp, học trò, mà còn là một khoảng trống khó lấp đầy trong công cuộc nghiên cứu và bảo tồn những giá trị ngôn ngữ độc đáo của vùng đất phương Nam. Hơn cả một nhà khoa học, bà là một tâm hồn lớn, một người đã dành trọn cuộc đời mình để lắng nghe, thấu hiểu và kể lại câu chuyện của tiếng nói quê hương bằng tất cả sự trân trọng và tình yêu.

Một đời nghiên cứu lặng lẽ, khiêm nhường
PGS.TS Trần Thị Ngọc Lang sinh năm 1951 tại Sài Gòn, nơi bà lớn lên giữa không gian ngôn ngữ đặc trưng của miền Nam. Ngay từ những năm tháng đầu đời, bà đã sớm bộc lộ niềm đam mê với tiếng Việt, đặc biệt là phương ngữ Nam Bộ. Sự nghiệp nghiên cứu của bà tập trung vào việc khám phá và bảo tồn những giá trị ngôn ngữ độc đáo của vùng đất này.
Bà là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu quan trọng, trong đó nổi bật là cuốn Phương ngữ Nam bộ (NXB Khoa học xã hội, 1995), Một số vấn đề về phương ngữ xã hội (Chủ biên, NXB Khoa học xã hội, 2005), Câu sai và câu mơ hồ (đồng tác giả, NXB Giáo dục, 1992), Tiếng Việt thực hành (đồng tác giả, NXB Đại học Quốc gia TPHCM, 2005), Sửa lỗi ngữ pháp: lỗi kết từ (đồng tác giả, NXB Giáo dục, 1989), và Lỗi từ vựng và cách khắc phục (đồng tác giả, NXB Khoa học xã hội, 2002).

Bà cũng là tác giả nữ duy nhất được tôn vinh trong bộ sách "Tiếng Việt giàu đẹp" của NXB Trẻ năm 2024, một minh chứng cho những đóng góp to lớn của bà trong lĩnh vực ngôn ngữ học. Những công trình của bà không chỉ có giá trị học thuật mà còn góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của vùng đất phương Nam .
Viết về bà, PGS.TS Lê Khắc Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng chia sẻ, sự khác biệt, "lệch chuẩn" trong âm sắc, ngữ điệu hay cách sử dụng từ ngữ, cấu trúc của một cộng đồng nói năng ở mỗi vùng miền là những "trầm tích" tạo nên dấu ấn riêng biệt. Nếu không được trang bị chu đáo về ngữ âm học, ngữ nghĩa học; và quan trọng hơn nữa là tình yêu tiếng Việt, yêu tiếng phương Nam, thứ "trầm tích" đó hẳn không dễ phát hiện, không dễ miêu tả.
Tiếng phương Nam, một dòng chảy rẽ theo từ những lưu dân đàng ngoài vượt đèo Ngang vào khai sơn lập ấp, mở mang bờ cõi, hòa cùng các dân tộc anh em tạo nên bức tranh rực rỡ, đầy màu sắc. Trang sử trăm năm trong bộ sử ngàn năm của dân tộc là sự hòa quyện độc đáo, phong phú trong một chỉnh thể thống nhất. Đạt được ranh giới đó, không còn là ngôn ngữ nữa. Mà đó là Văn hóa.
“Suốt một đời nghiên cứu lặng lẽ, khiêm nhường và nghiêm túc, PGS.TS Trần Thị Ngọc Lang đã làm được điều đó”, PGS.TS Lê Khắc Cường chia sẻ.
Người kể chuyện bằng phương ngữ miền Nam
Với PGS.TS Trần Thị Ngọc Lang, phương ngữ không chỉ là tiếng nói của vùng đất mà còn là linh hồn của văn hóa, của đời sống và ký ức. Tình yêu dành cho tiếng nói miền Nam được bà đúc kết sâu sắc trong công trình “Tiếng Việt phương Nam”, cuốn sách tiêu biểu nhất trong sự nghiệp nghiên cứu ngôn ngữ kéo dài hơn 40 năm của bà.

"Tiếng Việt phương Nam" là tập hợp các công trình nghiên cứu của PGS.TS Trần Thị Ngọc Lang về phương ngữ Nam bộ trong sự so sánh với các từ ngữ Bắc bộ, Trung bộ và từ toàn dân nói chung. Xuất bản lần đầu bởi Nhà xuất bản Khoa học Xã hội vào năm 1995, tác phẩm là kết quả của quá trình thu thập, phân tích và suy ngẫm tỉ mỉ về ngôn ngữ mà bà tiếp xúc từ thuở bé.
Không đơn thuần là một công trình học thuật, "Tiếng Việt phương Nam" là một hành trình nhân văn đi qua nhiều lớp nghĩa: từ chuyện ngữ âm đến nghĩa tình, từ lý luận đến thực tế đời sống, từ văn hóa dân gian đến văn chương hiện đại. Trong các bài viết của mình, tác giả phân tích, lý giải về các hiện tượng ngôn ngữ một cách thấu đáo và vô cùng thú vị.
Sách được chia thành ba phần chính, trong đó phần đầu tiên lý giải sự khác biệt về từ vựng – ngữ nghĩa giữa phương ngữ Nam Bộ và tiếng Việt toàn dân. Ở phần thứ hai, bà dày công phân loại, hệ thống các nhóm từ ngữ phương Nam – từ “trổng” (chỉ người thứ ba), đến “chảnh” (chảnh choẹ), “giựt” (giật), “hổng” (không), hay “bả” (bà ấy). Những từ ngữ tưởng như đơn giản nhưng lại mang đậm cá tính, chất sống và cả màu sắc vùng miền.
“Như những giọt phù sa âm thầm bồi đắp cho miền châu thổ, để dâng cho đời trái ngọt cây lành, PGS.TS Trần Thị Ngọc Lang suốt một đời lặng lẽ vun xới, tìm tòi trong miền đất ngôn ngữ những hạt ngọc lấp lánh ẩn trong tiếng nói bình dị của người dân xứ sở Nam Bộ. Dù trong nghiên cứu, giảng dạy hay trong sinh hoạt thường ngày, PGS.TS Trần Thị Ngọc Lang luôn giữ nét đôn hậu, giản dị của người phụ nữ phương Nam, vẫn nụ cười hiền lành luôn nâng đỡ bao lứa học trò”, PGS.TS Lê Khắc Cường đã chia sẻ những dòng xúc động về bà.
Điểm đặc biệt khiến công trình này được đánh giá cao chính là phần cuối, nơi bà dùng văn học để soi chiếu ngôn ngữ. Những phân tích sắc sảo trong tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Nguyễn Ngọc Tư… giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp của lời ăn tiếng nói miền Nam không chỉ ở nghĩa mà còn ở hồn, thứ hồn dân dã, bình dị mà sâu xa.
Không ép buộc phương ngữ thành ngôn ngữ chuẩn, bà để tiếng nói ấy sống đúng với bản chất, với vẻ đẹp nguyên sơ. Chính vì thế, Tiếng Việt phương Nam không chỉ được tái bản bởi NXB Trẻ trong tủ sách Tiếng Việt giàu đẹp, mà còn được giảng dạy và trích dẫn trong nhiều công trình ngôn ngữ học sau này.
Cuốn sách ấy, như chính cuộc đời bà, là một lời thủ thỉ bền bỉ: rằng phương ngữ không thấp kém, nó chỉ đang chờ người hiểu và kể lại câu chuyện của mình bằng tất cả sự trân trọng. Và PGS.TS Trần Thị Ngọc Lang chính là người kể chuyện ấy, người kể chuyện bằng phương ngữ miền Nam.
PGS.TS Trần Thị Ngọc Lang cho biết, sau Tiếng Việt phương Nam, bà có kế hoạch viết cuốn sách tiếp theo về từ láy, bởi từ láy là một nét đặc trưng trong tiếng Việt. Chỉ cần mở cuốn Chinh phụ ngâm hay Truyện Kiều, sẽ thấy không thể dịch sang một ngôn ngữ nào mà hay hơn tiếng Việt. Đáng tiếc, PGS.TS Trần Thị Ngọc Lang đã đi xa, không thể thực hiện được ấp ủ này.
PGS.TS Trần Thị Ngọc Lang đã rời cõi tạm, nhưng "hạt ngọc lấp lánh" bà trao lại sẽ còn mãi và ánh sáng của nó sẽ tiếp nguồn cảm hứng cho những ai yêu mến và muốn tìm hiểu sự giàu đẹp của tiếng Việt.
Nguồn: https://khoahocdoisong.vn/pgsts-tran-thi-ngoc-lang-nguoi-gin-giu-tieng-phuong-nam-post1542416.html
Bình luận (0)