Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

ADB: Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng vững vàng trong năm 2025

Dù dự báo khu vực giảm nhưng ADB vẫn nhận định Việt Nam duy trì tăng trưởng 6,3% năm 2025 nhờ xuất khẩu mạnh và đầu tư nước ngoài tăng trưởng.

VietnamPlusVietnamPlus23/07/2025

Chuyên gia ADB nhận định kinh tế Việt Nam được kỳ vọng vẫn sẽ vững vàng trong năm 2025. (Ảnh: Vietnam+)

Chuyên gia ADB nhận định kinh tế Việt Nam được kỳ vọng vẫn sẽ vững vàng trong năm 2025. (Ảnh: Vietnam+)

Trong ấn phẩm “Triển vọng Phát triển châu Á – ADO” tháng 7/2025 do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 23/7 đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế cho các nền kinh tế đang phát triển tại khu vực châu Á Thái Bình Dương trong năm nay và năm tới. Việc hạ dự báo này chủ yếu do dự kiến xuất khẩu giảm trong bối cảnh Hoa Kỳ tăng thuế nhập khẩu và môi trường thương mại toàn cầu thiếu ổn định, cùng với nhu cầu trong nước suy yếu.

Tuy nhiên đối với Việt Nam, chuyên gia ADB lại nhận định kinh tế Việt Nam kỳ vọng vẫn sẽ vững vàng trong năm 2025.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,3%

Các chuyên gia ADB nhận định kinh tế Việt Nam được kỳ vọng vẫn sẽ vững vàng trong năm 2025 và 2026, mặc dù tăng trưởng có thể chững lại trong ngắn hạn do áp lực từ thuế quan. Tăng trưởng xuất - nhập khẩu mạnh mẽ cùng với sự gia tăng mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đã thúc đẩy nền kinh tế trong nửa đầu năm 2025.

Cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 32,6%, trong khi giải ngân tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy niềm tin mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam.

Cũng theo chuyên gia ADB, giải ngân đầu tư công đạt mức cao nhất kể từ năm 2018, đạt 31,7% kế hoạch năm và tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Việc đẩy mạnh xuất khẩu để ứng phó với bất ổn thuế quan đã thúc đẩy tăng trưởng thương mại, nhưng điều này khó có thể duy trì trong nửa cuối năm.

Thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ, được công bố vào đầu tháng 7/2025, áp mức thuế nhập khẩu cao hơn đáng kể đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ, dự kiến sẽ làm giảm nhu cầu xuất khẩu trong phần còn lại của năm 2025 và sang năm 2026. Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) cho thấy sản xuất công nghiệp đã chậm lại từ cuối năm 2024.

vnp-cong.jpg

ADB cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,3%. (Ảnh: Vietnam+)

Bất chấp những rủi ro gia tăng từ sự bất ổn về thuế quan, các cải cách trong nước, nếu được thực hiện hiệu quả và nhanh chóng, có thể giảm thiểu những rủi ro này bằng các yếu tố trong nước được củng cố. Tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến đã được điều chỉnh giảm xuống còn 6,3% vào năm 2025 và 6,0% vào năm 2026. Lạm phát dự kiến sẽ giảm xuống còn 3,9% vào năm 2025 và 3,8% vào năm 2026.

Hạ dự báo tăng trưởng ở châu Á và Thái Bình Dương

Cũng tại ấn phẩm Triển vọng Phát triển Châu Á này ADB dự báo các nền kinh tế trong khu vực sẽ tăng trưởng 4,7% trong năm 2025, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng Tư. Dự báo cho năm 2026 cũng được điều chỉnh giảm từ 4,7% xuống 4,6%.

Triển vọng cho châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển có thể tiếp tục bị ảnh hưởng từ việc leo thang căng thẳng thương mại và thuế quan của Hoa Kỳ. Các rủi ro khác bao gồm xung đột và căng thẳng địa chính trị có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy giá năng lượng tăng cao, cùng với sự suy yếu nặng nề hơn dự kiến của thị trường bất động sản tại Trung Quốc.

Ông Albert Park, chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB nhận định: “Châu Á và Thái Bình Dương đã chống chịu được với môi trường bên ngoài ngày càng thách thức trong năm nay. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế đang suy yếu trước các rủi ro ngày càng gia tăng và sự bất định toàn cầu. Các nền kinh tế trong khu vực cần tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế và thúc đẩy mở cửa thương mại cùng hội nhập khu vực để hỗ trợ đầu tư, việc làm và tăng trưởng.”

Dự báo tăng trưởng cho Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất khu vực - được giữ nguyên ở mức 4,7% trong năm nay và 4,3% trong năm tới. Các chính sách kích thích tiêu dùng và hoạt động công nghiệp dự kiến sẽ bù đắp phần nào tác động từ thị trường bất động sản suy yếu và xuất khẩu giảm.

Tiếp đến là Ấn Độ - nền kinh tế lớn thứ hai của khu vực - được dự báo tăng trưởng 6,5% trong năm 2025 và 6,7% trong năm 2026, giảm lần lượt 0,2 và 0,1 điểm phần trăm so với dự báo tháng hồi Tư, do tình trạng bất ổn về thương mại và mức thuế nhập khẩu cao hơn từ Hoa Kỳ tác động tới xuất khẩu và đầu tư.

tru-so-adb-router.jpg

Trụ sở ADB tại Manila, Philippines. (Nguồn: REUTERS)

Các nền kinh tế ở Đông Nam Á được dự báo sẽ chịu tác động mạnh nhất từ điều kiện thương mại xấu đi và tình trạng bất định. ADB hiện dự báo tăng trưởng của tiểu vùng này đạt 4,2% trong năm 2025 và 4,3% trong năm 2026, giảm khoảng 0,5 điểm phần trăm mỗi năm so với dự báo hồi tháng Tư.

Đi ngược lại xu hướng giảm là các nền kinh tế ở Cáp-ca-dơ và Trung Á. Dự báo tăng trưởng của tiểu vùng này được nâng lên 0,1 điểm phần trăm cho cả năm nay và năm sau, lần lượt ở mức 5,5% và 5,1%, chủ yếu nhờ kỳ vọng tăng sản lượng dầu mỏ.

Chuyên gia ADB nhận định thêm, lạm phát tại châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển được dự báo sẽ tiếp tục hạ nhiệt, nhờ giá dầu giảm và sản lượng nông nghiệp cao giúp giảm áp lực giá lương thực. ADB dự báo lạm phát khu vực này ở mức 2,0% trong năm 2025 và 2,1% trong năm 2026, thấp hơn so với mức dự báo lần lượt là 2,3% và 2,2% trong tháng Tư./.

(Vietnam+)

Nguồn:https://www.vietnamplus.vn/adb-kinh-te-viet-nam-duoc-ky-vong-vung-vang-trong-nam-2025-post1051267.vnp


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm