Năm 22 tuổi sau khi tốt nghiệp Trường đại học Nông-Lâm Huế, Nguyễn Thị Thắm quyết định về quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lập nghiệp. Với chị, miền đất chiêm trũng với làn điệu hò khoan ấm áp tình người đã níu giữ bước chân người con gái quê xã Minh Châu, huyện Diễn Châu (Nghệ An) ở lại bên dòng Kiến Giang xanh.
17 năm gắn bó với Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Lệ Thủy, là chừng đó thời gian chị hầu như có mặt ở tất cả các “điểm nóng”, đồng hành cùng những mảnh đời bất hạnh, để họ có thêm nghị lực vượt qua thử thách trong cuộc sống. Chị Nguyễn Thị Thắm cho hay, thời gian qua, hoạt động nhân đạo của hội đã tạo được niềm tin của cộng đồng và ngày càng thu hút nhiều tổ chức, cá nhân cùng tham gia, qua đó lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong xã hội.
Với sự đổi mới công tác vận động nguồn lực, hình thức tổ chức các chương trình, phong trào, trong năm 2023, chị và các cộng sự đã vận động xây 1 cầu dân sinh tại Cụm Còi, bản Còi Đá (xã Ngân Thủy) trị giá 250 triệu đồng; xây 1 bếp ăn bán trú tại Trường tiểu học (TH) và THCS số 2 Kim Thủy trị giá 300 triệu đồng; hỗ trợ xây mới 26 căn nhà CTĐ với trị giá gần 1,2 tỷ đồng; tài trợ 3 bể bơi di động cho học sinh Trường TH Thái Thủy, TH số 1 Hồng Thủy, TH Phong Thủy với tổng trị giá hơn 550 triệu đồng; tặng 6 thuyền nhôm cho các cụm dân cư; trao hỗ trợ 200 triệu đồng mua sắm trang thiết bị trường học và thực hiện một số phần việc nhân đạo thường xuyên khác, như: Vận động hàng nghìn suất quà Tết, lắp đặt máy lọc nước miễn phí, tặng hàng chục mô hình sinh kế chăn nuôi gia súc, gia cầm cho đồng bào Bru-Vân Kiều, ngư dân các xã bãi ngang ven biển...
Thay mặt các nhà hảo tâm, chị Nguyễn Thị Thắm thăm và tặng quà cho bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy. |
Đặc biệt, chị đã cùng với các cán bộ hội từ huyện tới cơ sở nghiên cứu, ra mắt nhiều mô hình mới, như: “Trường học an toàn” nhằm tập huấn kỹ năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp cho học sinh TH và THCS; mở phòng đọc và giao lưu tiếng Anh miễn phí tại thôn Xuân Lai (xã Xuân Thủy) sau đó nhân rộng các lớp tiếng Anh tại Lộc Thủy, Ngư Thủy Bắc; vận động các nhà hàng, chùa Hoằng Phúc, các nhóm thiện nguyện nấu cháo trực tiếp tại bệnh viện phát miễn phí cho bệnh nhân 4-6 nồi/tháng. Đáng chú ý, khi lũ lụt cuối tháng 10/2024 xảy ra trên địa bàn, chị đã kết nối các nhà hàng, nhóm thiện nguyện nấu hàng nghìn suất cơm, cháo miễn phí tiếp tế cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong 1 tuần xảy ra thiên tai.
Chị còn là người trực tiếp điều hành Kho Thực phẩm cộng đồng Food bank Lệ Thủy, tiếp nhận thực phẩm từ Food bank Việt Nam và của người dân ủng hộ tạo nguồn thực phẩm phục vụ chương trình từ thiện tại các xã miền núi; chủ động triển khai các hoạt động ứng phó sớm trước khi thiên tai xảy ra trên địa bàn. Năm 2024, Kho Food bank Lệ Thủy vinh dự được Food bank Việt Nam vinh danh giải thưởng FOOD HERO tại TP. Hồ Chí Minh.
Không chỉ tham gia phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, thảm họa trên địa bàn, năm 2023, chị Thắm cùng các nhóm thiện nguyện vận động tham gia cứu trợ xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Tiếp đó, năm 2024, chị trực tiếp tham gia chuyến cứu trợ tại tỉnh Tuyên Quang giúp người dân khắc phục hậu quả bão Yagi và hoàn lưu sau bão. Sau các hoạt động cứu trợ tại các tỉnh, chị Thắm đã quyết định thành lập 1 đội ứng phó nhanh tại huyện để tham gia các hoạt động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai thảm họa với 11 thành viên tham gia. Đội hoạt động dưới sự điều phối của chị và hoạt động tự nguyện, tự đóng góp và tự vận động nguồn lực, huy động phương tiện của các thành viên để duy trì hoạt động.
Khi lũ lụt tháng 10/2024 diễn ra, đội được kích hoạt và tham gia các hoạt động hỗ trợ người dân trước, trong và sau thiên tai. Đây là mô hình đầu tiên của hệ thống CTĐ trong toàn tỉnh và là mô hình hoạt động hiệu quả được Hội CTĐ tỉnh, UBND huyện đánh giá cao.
Tổng trị giá hoạt động Hội CTĐ huyện Lệ Thủy từ năm 2023 đến quý I/2025 đạt gần 21 tỷ đồng, thông qua đó đã có hàng nghìn lượt người yếm thế được hỗ trợ giúp đỡ. Nhiều chương trình, cuộc vận động, phong trào đã được hội triển khai có hiệu quả... |
Với vai trò Phó trưởng Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện huyện, chị đã tham mưu tổ chức thành công 6 đợt hiến máu tình nguyện trong năm 2023, 2024 và tiếp nhận hơn 2.500 đơn vị máu đạt 135% chỉ tiêu UBND tỉnh giao; đồng thời, chị trực tiếp tham gia hiến máu cứu và tiên phong đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết/chết não và được ngân hàng mô tạng quốc gia cấp thẻ đăng ký vào năm 2024.
Chị Nguyễn Thị Thắm cho biết, thấu cảm đối với học sinh nên dịp hè năm 2024, chị đã áp dụng sáng kiến thực hiện chương trình “Sắc hè rực rỡ, chắp cánh ước mơ”, gửi các em học sinh có năng khiếu học các lớp, câu lạc bộ năng khiếu miễn phí trên địa bàn, như: Bơi lội, học vẽ, học đá bóng, học đàn..., và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Thầy giáo Ngô Mậu Tình, Phó hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc bán trú TH và THCS Lâm Thủy tâm sự: Hơn 10 năm làm việc bên chị Nguyễn Thị Thắm, Chủ tịch Hội CTĐ huyện Lệ Thủy, tôi đã có dịp chứng kiến một người phụ nữ nhỏ bé nhưng mang trong mình trái tim lớn lao. Từ vùng quê nghèo Lệ Thủy đến các địa phương xa xôi, dấu chân chị in đậm trên mỗi hành trình thiện nguyện. Sự kết nối các nhóm nhân đạo trên cả nước mà chị âm thầm bền bỉ thực hiện, đã mở ra những con đường hy vọng cho bao mảnh đời bất hạnh.
“Ngoài kia, chắc hẳn còn nhiều người lặng thầm cống hiến. Nhưng tôi tin rằng, trong bản giao hưởng của tình yêu thương, người dân Lệ Thủy sẽ luôn nhắc đến chị Thắm như một biểu tượng sống động của lòng nhân ái-người thắp lên và truyền đi ngọn lửa từ tâm, để phong trào thiện nguyện nơi đây không chỉ cháy sáng, mà còn ấm áp và bền bỉ qua từng năm tháng”, thầy giáo Ngô Mậu Tình cho hay.
M.Văn
Nguồn: https://baoquangbinh.vn/xa-hoi/202504/am-ap-tam-long-thien-nguyen-2225823/
Bình luận (0)