Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Áp dụng AI vào quản lý pháp luật là hướng đi tất yếu của thời đại số

Trong kỷ nguyên chuyển đổi số mạnh mẽ, việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào lĩnh vực pháp luật không còn là viễn cảnh xa vời mà đã trở thành một xu hướng tất yếu. Tại Việt Nam, ngành Tòa án đang tiên phong trong công cuộc này với dự án “Trợ lý ảo Tòa án nhân dân”, một bước tiến quan trọng nhằm xây dựng hệ thống Tòa án điện tử.

Tạp chí Doanh NghiệpTạp chí Doanh Nghiệp18/04/2025

Chú thích ảnh

Thẩm phán sử dụng phần mềm "trợ lý ảo" hỗ trợ công tác nghiệp vụ. Ảnh: TTXVN.

Theo Tòa án nhân dân tối cao, kể từ năm 2022, Trợ lý ảo được ứng dụng nhằm hỗ trợ Thẩm phán và Thư ký trong quá trình tố tụng. Dù còn đối mặt nhiều thử thách về kỹ thuật và nghiệp vụ, phần mềm này được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả xét xử, tiết kiệm chi phí cho đương sự và phổ cập pháp luật đến người dân. Tuy nhiên, vấn đề minh bạch, khả năng tích lũy tri thức và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế như ISO/IEC 25059:2023 về chất lượng AI vẫn là những điểm cần hoàn thiện.

PGS.TS. Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) nhận định, xã hội đang chuyển mình mạnh mẽ dưới tác động của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, dữ liệu lớn (Big Data) và Internet vạn vật (IoT).“Pháp luật không thể đứng ngoài cuộc mà cần đi cùng, thậm chí đi trước công nghệ để thiết lập khuôn khổ pháp lý phù hợp, vừa bảo vệ lợi ích công, vừa thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, các vấn đề như bảo mật dữ liệu, quyền riêng tư và trách nhiệm pháp lý trong không gian số đang ngày càng trở nên phức tạp và cần được giải quyết toàn diện”, Phó Hiệu trưởng Nam nói.

Luật gia, PGS.TS. Đoàn Thị Phương Diệp, cho biết: “Luật và công nghệ là một tổ hợp đang ngày càng gắn bó, nhất là từ sau khi ChatGPT xuất hiện năm 2023”. Theo bà Phương Diệp, việc ứng dụng công nghệ vào pháp luật không chỉ là áp lực thích nghi mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về pháp lý, quyền riêng tư và đạo đức. Chẳng hạn tại Mỹ, chatbot Tessa từng gây hậu quả nghiêm trọng khi đưa ra lời khuyên sai lệch về chế độ ăn, đặt ra vấn đề; nếu AI gây thiệt hại, ai là người chịu trách nhiệm, nhà phát triển hay người sử dụng?

Chú thích ảnh

Việc ứng dụng công nghệ mới và trí tuệ nhân tạo (AI) vào lĩnh vực pháp lý đang trở thành xu thế tất yếu trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Ảnh minh họa

Từ góc nhìn đào tạo, nhiều trường đại học luật tại Việt Nam đang từng bước tích hợp công nghệ vào chương trình học. Tuy nhiên, thách thức lớn vẫn nằm ở sự lạc hậu của khuôn khổ pháp lý. Ví dụ, hoạt động “chứng khoán hóa bất động sản” hay ứng dụng blockchain tại Việt Nam vẫn chưa có quy định rõ ràng, trong khi thế giới đã đi trước nhiều bước.

ThS. Ngô Minh Tín, giảng viên trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHồ Chí Minh, chuyên gia nghiên cứu pháp luật về sàn giao dịch tiền số cũng chỉ ra rằng: “Dự thảo Luật công nghiệp công nghệ số hiện vẫn còn nhiều lỗ hổng, đặc biệt trong định nghĩa "tài sản số". Việc giới hạn khái niệm này trong phạm vi blockchain là chưa đủ, khi thực tế có nhiều loại tài sản số khác như NFT, tiền kỹ thuật số không nhất thiết phải dựa trên blockchain”. Ông Tín cho rằng, cần bổ sung “tài sản số” như một loại tài sản độc lập trong Bộ luật Dân sự.

Một điểm quan trọng khác là bảo vệ dữ liệu cá nhân. Nhiều ứng dụng AI hiện thu thập dữ liệu mặc định qua điều khoản sử dụng, đặt người dùng vào thế bị động. Nếu không có cơ chế kiểm soát hiệu quả, hậu quả có thể rất nghiêm trọng. Vì vậy, đã đến lúc cần đặt ra các quy định cấp phép cho ứng dụng AI, đồng thời xây dựng bộ quy tắc đạo đức cho nhà phát triển để vừa khuyến khích đổi mới, vừa đảm bảo an toàn xã hội.

Một vấn đề đặt ra ở đây, quyền sở hữu tài sản do AI tạo ra vẫn đang bỏ ngỏ. Nếu một AI tạo ra tác phẩm vi phạm bản quyền, trách nhiệm thuộc về ai? Như ThS. Tín nhận định: “Người sở hữu cũng phải là người chịu trách nhiệm”. Do đó, trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng, việc xây dựng hành lang pháp lý phù hợp là điều kiện kiên quyết để trí tuệ nhân tạo có thể phát triển lành mạnh, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Theo TTXVN


Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/chuyen-doi-so/ap-dung-ai-vao-quan-ly-phap-luat-la-huong-di-tat-yeu-cua-thoi-dai-so/20250418092531217


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Sài Gòn - Ký ức về đô thị 300 năm tuổi
Chênh vênh Sa Mù
Hồn Việt
Người dân tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc mừng ngày 30/4 lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm