Liên kết tiêu thụ
Sau vài trận mưa rào, tình trạng hạn hán được cải thiện đáng kể trên hầu hết các trà vải. Tại vùng vải VietGAP thôn Muối, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn), những chùm vải nhỏ sai quả đang được bà con tỉa bớt, chỉ giữ lại một lượng quả vừa phải để tiện cho thu hái cũng như chăm sóc, nâng chất lượng quả. Bà Lý Thị Hà, người dân trong thôn nói: “Vụ này, nhà tôi có 400 cây vải. Vừa qua nắng hạn, cây vải có nguy cơ rụng quả nhưng rất may được tưới mát bằng trận mưa rào đã kịp thời giải cơn khát cho cây. Những năm trước được mùa, giá cao, gia đình tôi thu về hơn 200 triệu đồng và năm nay tôi hy vọng giá trị sẽ được bằng hoặc cao hơn”.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà vườn trồng vải, tập đoàn bán lẻ, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị trong nước ký thỏa thuận hợp tác tiêu thụ sản phẩm năm 2025. |
Theo ông Vi Văn Ngự, Phó Chủ tịch UBND xã Giáp Sơn, vụ này toàn xã có gần 1 nghìn ha vải. Toàn bộ được trồng, chăm sóc theo quy trình VietGAP, GlobalGAP. Trong đó, có 10 mã vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ thuộc các thôn Muối, Vành Dây, Chão. Thời điểm này, các cơ sở đóng gói sản phẩm đã khảo sát vườn vải và hợp tác thu mua khoảng 4 nghìn tấn trong vụ này.
Bà Nguyễn Thị Trà, thành viên Hợp tác xã Nông sản sạch Bình Nguyên (thị xã Chũ) thông tin, Hợp tác xã hiện có 7 thành viên liên kết sản xuất vải, dự kiến cung cấp khoảng 200 tấn ra thị trường. Ngoài sản phẩm của đơn vị, hợp tác xã cũng thu mua thêm cung ứng cho thị trường các tỉnh phía Nam và Trung Quốc. Đến nay, hợp tác xã đã kết nối, làm việc với một số đơn vị vận chuyển để cùng chung tay tiêu thụ trong mùa vải 2025. Tại xã Phúc Hòa (Tân Yên), một số doanh nghiệp đã ký kết thu mua vải sớm với giá ổn định tại vùng trồng xuất khẩu.
Theo ông Trần Trọng Nguyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Mova Plus - doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản, ở vụ vải này, Công ty dự kiến xuất khẩu khoảng 500 tấn vải U hồng sang châu Âu, những năm tới sẽ tăng dần và phấn đấu năm 2030 sẽ đạt hơn 2 nghìn tấn. Để chuẩn bị cho năm nay, Công ty đã chuẩn bị các điều kiện, liên kết hợp tác với các hộ trồng vải U hồng tại Phúc Hòa (Tân Yên), Tân Mộc (Lục Ngạn) trong giai đoạn 5 năm với mức giá ổn định; đặc biệt cử cán bộ cùng các hộ trong vùng chăm sóc vải theo quy trình GlobalGAP. Ngoài ký kết bao tiêu sản phẩm, một số doanh nghiệp cũng ký kết ưu đãi giá cước.
Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Chi nhánh Bưu chính Viettel Bắc Giang, mùa vụ này đơn vị chủ động triển khai vận chuyển tiêu thụ vải thiều ở 22 bưu cục, kho trên địa bàn với mục tiêu giữ trái vải luôn tươi ngon từ nhà vườn đến người tiêu dùng. Đặc biệt, đơn vị sẽ áp dụng chính sách cước phí giao hàng ưu đãi.
Theo Sở Công Thương, hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký thu mua vải thiều trong đó một số thương nhân trong nước và các nước, khu vực như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á..... đến tìm hiểu, chuẩn bị cho việc ký kết hợp đồng tiêu thụ vải thiều của tỉnh. Tại hội nghị kết nối, thỏa thuận hợp tác tiêu thụ vải thiều tỉnh Bắc Giang năm 2025 do Sở tổ chức vừa qua, một số doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ vải thiều đã ký biên bản thỏa thuận, hợp tác tiêu thụ sản phẩm năm 2025. Những thỏa thuận hợp tác không chỉ giúp vải thiều được tiêu thụ ở thị trường mới mà còn góp phần ổn định giá cả, tránh cảnh "được mùa, mất giá". Khi có sự liên kết vững chắc, vải thiều có thể tiếp cận nhiều thị trường tiềm năng hơn, tạo đầu ra ổn định và nâng cao giá trị thương hiệu.
Được biết, năm nay, toàn tỉnh có 29.700 ha vải thiều. Đến nay tỷ lệ vải thiều ra hoa đạt hơn 90%, dự kiến tỷ lệ đậu quả đạt hơn 80%; diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 16.000 ha, Global GAP là 204 ha, hữu cơ là 10 ha. Dự kiến vải sớm thu hoạch từ ngày 20/5 -15/6/2025; vải chính vụ thu hoạch từ ngày 10/6 - 30/7/2025.
Giữ vững chất lượng, tạo điều kiện thu mua sản phẩm
Năm nay, sản xuất vải thiều đối mặt với điều kiện thời tiết bất thuận, nắng nóng, khô hạn. Để khắc phục kịp thời khó khăn, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã chủ động phối hợp tham mưu, chỉ đạo sản xuất; kiểm tra, giám sát 240 mã số vùng trồng vải xuất khẩu với tổng diện tích khoảng 17.400 ha; hướng dẫn các hộ trồng vải thực hiện đúng quy trình sản xuất của nước nhập khẩu như: Sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ghi chép nhật ký đồng ruộng. Đồng thời giám sát 39 cơ sở đóng gói vải phục vụ xuất khẩu, trong đó phối hợp với Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (được phía Nhật Bản ủy quyền) tiến hành kiểm tra định kỳ cơ sở đóng gói của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Toàn Cầu, kết quả kiểm tra đạt yêu cầu; hướng dẫn Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco lập và hoàn thiện hồ sơ cơ sở đóng gói vải xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ của Công ty gửi Cơ quan kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS) và đang chờ cấp chứng nhận.
Về thị trường tiêu thụ, Bắc Giang luôn coi trọng tất cả các thị trường, cả trong nước và xuất khẩu. Đối với thị trường trong nước, đến nay, vải thiều đã được kết nối tiêu thụ ngay từ đầu vụ với hệ thống kênh phân phối tại các siêu thị của Tập đoàn Central Retail (GO!, Big C, Tops Market, Lan Chi Mart...), MM Mega Market Việt Nam (MM Mega Market, MM Super Market, Dry food, Food Severce…), Saigon Co.op (Co.opmart), WinCommerce (Siêu thị WinMart)...; các chợ đầu mối, chợ truyền thống ở các tỉnh, thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai... và với tất cả các doanh nghiệp, thương nhân trong cả nước.
Với thị trường xuất khẩu, tiếp tục duy trì xuất khẩu quả vải tươi và vải thiều chế biến. Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường truyền thống, có quan hệ hợp tác nhiều năm qua. Cùng đó, tiếp tục mở rộng, hoàn chỉnh chuỗi cung ứng xuất khẩu vào các thị trường: Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Malaysia, Singapore...; phát triển mở rộng thị trường xuất khẩu khác: Trung Đông, Thái Lan, Canada… Bên cạnh đó, tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo đổi mới phương thức tiêu thụ, kết hợp phương thức bán hàng truyền thống và đẩy mạnh tiêu thụ trực tuyến trên các Sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước; trên các trang mạng xã hội (TikTok, Facebook, Zalo, Youtobe...), trên các Fanpage...
Theo ông Dương Ngọc Chiên, Giám đốc Sở Công Thương, Sở đã tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2025 với mong muốn gửi gắm thông điệp: Bắc Giang sản xuất, chế biến vải thiều với chất lượng cao nhất, vượt trội, đặc trưng riêng có, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, cam kết tiếp tục tạo mọi điều kiện hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều; chỉ đạo cung cấp các dịch vụ hậu cần tốt nhất như: Vốn, điện, vật tư, kho bãi, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông và các dịch vụ khác; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thu mua, vận chuyển và tiêu thụ trong suốt mùa vụ vải thiều năm 2025.
“Chúng tôi kỳ vọng được đón tiếp nhiều hơn nữa các doanh nghiệp và thương nhân trong và ngoài nước đến Bắc Giang khảo sát, tham quan, kết nối thu mua, tiêu thụ vải thiều” - ông Chiên nói.
Nguồn: https://baobacgiang.vn/bac-giang-da-dang-kenh-tieu-thu-dua-vai-thieu-vuon-xa-postid417688.bbg
Bình luận (0)