Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bài 1: Vượt sóng đến Trường Sa

TRỌNG HUY

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng07/05/2025

Khi 3 hồi còi chào đất liền kết thúc, tàu KN 390 trực chỉ hướng Trường Sa, dằn lên từng con sóng biển Đông để đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các đảo ở Trường Sa và Nhà giàn DK1-17. Chuyến hải trình đến với Trường Sa với quãng đường hàng nghìn dặm biển bắt đầu.

Tàu KN 390 nhìn từ phía Nhà giàn DK1-17.
Tàu KN 390 nhìn từ phía Nhà giàn DK1-17.

Trung tuần tháng 4-2025, đoàn công tác số 8 trên tàu KN 390 do Chuẩn Đô đốc Nguyễn Thiên Quân, Tư lệnh Vùng 3 Hải quân làm trưởng đoàn, cùng với hơn 200 đại biểu thành phố Đà Nẵng, các địa phương, cơ quan, đơn vị và văn nghệ sĩ, phóng viên báo chí đi kiểm tra, thăm quân và dân quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1-17 Phúc Tần.

Chuyến hải trình diễn ra trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025); 70 năm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7-5-1955 - 7-5-2025); 50 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa (29-4-1975 - 29-4-2025). Chuyến thăm nhằm cổ vũ, động viên to lớn giúp cán bộ, chiến sĩ hải quân, quân và dân quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 thêm ý chí, nghị lực, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Khi tàu KN 390 rời bến lúc 8 giờ, những hồi còi chào cảng vang lên, đáp lại là những tràng còi dài từ các tàu hải quân, kiểm ngư neo đậu. Trên bến, cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân vẫy tay, gửi gắm tình cảm từ đất liền ra biển đảo. Khung cảnh chia tay tràn đầy xúc động, ấm áp, gợi bao niềm tin và kỳ vọng. Tàu KN 390 thẳng hướng Trường Sa, để lại phía sau dải sóng trắng dài trong làn nước xanh biếc. Khi đất liền dần khuất, sóng điện thoại cũng mất tín hiệu, chỉ còn lại tiếng sóng đại dương vỗ đều mạn tàu. Đối với những đại biểu lần đầu đi biển, cảm xúc vừa háo hức vừa hồi hộp. Những sinh hoạt hằng ngày nay thay đổi hoàn toàn: từ việc ăn, ngủ, sinh hoạt đến cảm giác chênh chao theo từng nhịp sóng. Những ngày đầu, nhiều người chưa quen, say sóng, mệt mỏi. Nhưng rồi, tất cả cũng dần thích nghi, nhất là khi bước chân đầu tiên đặt lên đảo Song Tử Tây.

Trên đất liền, bữa ăn tập thể thường có đầu bếp hoặc chí ít là người nấu ăn chuyên nghiệp chuẩn bị. Nhưng trên tàu KN 390 hành trình đi về phía Trường Sa, những người lo bữa ăn cho gần 300 con người lại là những “anh nuôi” vốn là thợ máy, sĩ quan chính trị, thủy thủ, lái tàu... Nhiều đại biểu đều thừa nhận một điều: thức ăn trên tàu ngon, đa dạng, được thay đổi theo ngày, theo bữa. Khẩu phần đảm bảo dinh dưỡng, có cả canh, mặn, rau xào, trái cây. Thỉnh thoảng còn có thêm món tráng miệng, món ăn đặc sản từng vùng miền.

Các đầu bếp trên tàu KN 390. Ảnh: TRỌNG HUY
Các đầu bếp trên tàu KN 390. Ảnh: TRỌNG HUY

Câu chuyện nấu ăn trên tàu, đặc biệt là khi biển động, lại càng đáng nể. Sóng cấp 3, 4 thì còn đỡ, nhưng khi biển lên cấp 6, cấp 7, người nấu phải vừa nắm tay vịn, vừa khuấy nồi, đảo rau. Không ít lần, nước sôi, đồ ăn suýt đổ trào, nhưng nhờ thiết kế đặc biệt của khu bếp, có tay vịn quanh bếp, vung nồi gắn chốt cố định mà các anh vẫn xoay sở được. Lê Đức Trung, một thợ máy đã có 21 năm quân ngũ, vừa cười vừa chia sẻ: “Nấu cháo, mì, lương khô là phương án trong ngày biển động mạnh. Có hôm, tay vịn bếp là cứu cánh để không đổ cả người và nồi”. Những cọng rau, lát củ đều tay, tỉ mỉ trong khi tàu vẫn lắc lư là minh chứng cho sự chuyên nghiệp và tận tụy của những người lính. Trên boong phía sau tàu, nơi bếp ăn được bố trí, từng động tác thái rau, xào nấu của các chiến sĩ nhanh nhẹn, thuần thục như những đầu bếp thực thụ. “Làm lâu thành quen thôi anh ạ”, quân nhân chuyên nghiệp Đặng Ngọc Bảo cười hiền. “Trong điều kiện nào cũng phải khắc phục, giữ vững hậu cần. Có người còn có tài nấu rất ngon nữa!”.

Hậu cần không chỉ là chuyện ăn uống mà còn là câu chuyện trách nhiệm, tấm lòng và sự sẻ chia. Hình ảnh Đại tá Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ nhiệm Chính trị Vùng 3 Hải quân, tận tay kiểm tra từng mâm cơm, xách từng bát nước mắm đến bàn ăn cho đoàn công tác, nhắc nhở tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ khiến ai nấy đều xúc động. Sự gần gũi, giản dị, không phân biệt giữa cấp trên, cấp dưới ấy chính là điều làm nên bản sắc riêng của những người lính đảo nghĩa tình, trách nhiệm, tận tâm.

Với họ, hậu cần không đơn thuần là nhiệm vụ, mà là một phần của tình cảm, niềm tự hào, là “bữa cơm đoàn kết” giữa quân và dân. Trên con tàu giữa đại dương mênh mông, không gì quý hơn một bữa ăn đầy đủ, ấm áp nghĩa tình, tiếp thêm năng lượng, niềm tin cho một hành trình dài. Chuyến hải trình còn dài. Trường Sa vẫn phía trước. Và phía sau, là hậu phương vững chắc, những bữa cơm, những bàn tay nấu nướng thầm lặng nhưng đủ sức nuôi dưỡng những trái tim yêu biển, giữ đảo.

Nguồn: https://baodanang.vn/xa-hoi/202505/hanh-trinh-den-truong-sa-bai-1-vuot-song-den-truong-sa-4006109/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại
Tái hiện trận chiến huyền thoại: Bức tranh Panorama Điện Biên Phủ độc nhất Việt Nam
Cảnh tượng hiếm thấy của rùa biển ở Côn Đảo mùa sinh sản

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm