Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bản hùng ca của ngành Thông tấn cách mạng Việt Nam

Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, với tinh thần quả cảm, ý chí kiên trung, các nhà báo Thông tấn đã có mặt ở khắp các chiến trường, phản ánh sinh động cuộc chiến anh dũng của quân dân ta.

VietnamPlusVietnamPlus24/04/2025

Chiều 24/4, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), tại trụ sở Trung tâm Thông tấn quốc gia, Thông tấn xã Việt Nam tổ chức tọa đàm “Viết tiếp bản hùng ca.”

Đây là dịp đặc biệt để tri ân các thế hệ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên và nhân viên của ngành Thông tấn – những người đã có những đóng góp quan trọng trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Lào và Campuchia.

Chương trình được tổ chức trực tiếp và trực tuyến tại ba điểm cầu: Trung tâm Thông tấn Quốc gia tại Hà Nội; Trung tâm Thông tin Thông tấn xã Việt Nam khu vực miền Trung-Tây Nguyên tại Đà Nẵng, Trung tâm Thông tin Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đến dự chương trình có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh; Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Sư đoàn 304 - đơn vị kết nghĩa của Thông tấn xã Việt Nam; thân nhân các gia đình liệt sỹ, thương binh của Thông tấn xã Việt Nam và đặc biệt là 400 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, nhân viên Thông tấn xã Việt Nam và Thông tấn quân sự đã từng tham gia các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở Lào, Campuchia.

Chặng đường vẻ vang của ngành Thông tấn

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang bày tỏ sự trân trọng, lời tri ân sâu sắc tới toàn thể các thế hệ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên, nhân viên của Thông tấn xã Việt Nam. Chính những đóng góp thầm lặng và bền bỉ của thế hệ đi trước đã làm nên một chặng đường vẻ vang, đầy tự hào của ngành Thông tấn cách mạng Việt Nam.

vnp-gap-mat-pv-7.jpg
Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang trao tặng cuốn sách cho các khách mời tham dự tọa đàm “Viết tiếp bản hùng ca.” (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Tổng giám đốc Vũ Việt Trang nêu rõ: Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam ghi nhận dấu ấn sâu đậm của Thông tấn xã Việt Nam với vai trò một cơ quan thông tin chiến lược, tin cậy của Đảng, Nhà nước trong suốt các cuộc kháng chiến vĩ đại. Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, với lòng yêu nước, tinh thần quả cảm, ý chí kiên trung, các nhà báo Thông tấn đã có mặt ở khắp các chiến trường, phản ánh sinh động cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

Với lòng yêu nước, tinh thần quả cảm, ý chí kiên trung, các nhà báo Thông tấn đã có mặt ở khắp các chiến trường, phản ánh sinh động cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

Đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các phóng viên Việt Nam Thông tấn xã ở miền Bắc luôn bám sát thực tiễn sản xuất, chiến đấu. Tại miền Nam, ngày 12/10/1960, bản tin đầu tiên của Thông tấn xã Giải phóng đã đánh dấu sự ra đời của tiếng nói chính thức từ chiến trường, góp phần quan trọng trong việc truyền tải thông tin, cổ vũ phong trào cách mạng.

Trong suốt 15 năm tồn tại (1960-1975), Thông tấn xã Giải phóng đã nhận được hơn 450 lượt cán bộ, phóng viên chi viện từ Việt Nam Thông tấn xã, sát cánh cùng các lực lượng vũ trang, liên tục phát đi những bản tin khẩn, tiếp thêm ý chí cho đồng bào, chiến sĩ ở cả hậu phương và tiền tuyến.

Đỉnh cao là ngày 30/4/1975 – một dấu mốc lịch sử thiêng liêng khi Việt Nam Thông tấn xã đã vinh dự phát đi những hình ảnh, dòng tin đầu tiên về thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do và thống nhất đất nước.

vna-potal-to-chuc-gap-mat-truyen-thong-ky-niem-50-nam-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-7992913.jpg
Nhà báo Vũ Việt Trang, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc, Chủ tịch Liên chi hội nhà báo Thông tấn xã Việt Nam phát biểu. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Để có mùa Xuân lịch sử ấy, gần 260 cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của Thông tấn xã Việt Nam đã hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời. Những mất mát đó mãi mãi được khắc ghi trong lịch sử vẻ vang của ngành.

Bước sang thời kỳ đổi mới và hội nhập, kế thừa truyền thống hào hùng, các thế hệ Thông tấn hôm nay tiếp tục xông pha ở những điểm nóng, sự kiện trọng đại của đất nước và thế giới, với tinh thần đổi mới, sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, tạo nên các sản phẩm báo chí hiện đại, chất lượng cao, được vinh danh ở các giải thưởng lớn.

Theo Tổng giám đốc Vũ Việt Trang, Thông tấn xã Việt Nam đang từng bước đổi mới mô hình hoạt động, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18-NQ/TW, vận hành hiệu quả với 22 đơn vị và mạng lưới Cơ quan thường trú phủ khắp trong và ngoài nước. Với hơn 1.000 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên hoạt động toàn diện trên các nền tảng, Thông tấn xã Việt Nam đang cung cấp hơn 60 sản phẩm thông tin đa dạng, đóng góp tích cực cho sự phát triển của nền báo chí nước nhà.

vna-potal-to-chuc-gap-mat-truyen-thong-ky-niem-50-nam-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-7992920.jpg
Các đại biểu dự chương trình gặp mặt và tọa đàm "Viết tiếp bản hùng ca." (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Trong hành trình viết nên những bản hùng ca của đất nước, Thông tấn xã Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phối hợp chân tình và hiệu quả các bộ, ban, ngành, địa phương, đặc biệt của Sư đoàn 304 với mật danh sư đoàn Vinh Quang – đơn vị kết nghĩa thủy chung, son sắt với Thông tấn xã Việt Nam trong hơn sáu thập kỷ và cơ quan Thông tấn Quân sự.

“Truyền thống vẻ vang của những nhà báo chiến sỹ Thông tấn là nền tảng quý giá để thế hệ hôm nay tiếp tục nỗ lực viết tiếp bản hùng ca trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Những câu chuyện nghề đầy xúc động vẫn đang được viết tiếp bởi những trái tim nhiệt huyết, cống hiến không mỏi, góp phần xây dựng Thông tấn xã Việt Nam ngày càng phát triển lớn mạnh, xứng đáng là cơ quan thông tấn quốc gia trong kỷ nguyên số,” Tổng giám đốc Vũ Việt Trang nêu rõ.

Ký ức những năm tháng hào hùng

Trong phần giao lưu của tọa đàm, thế hệ trẻ của Thông tấn xã Việt Nam đã được gặp gỡ, lắng nghe câu chuyện của các vị khách mời.

Vẹn nguyên ký ức của ngày 30/4/1975 lịch sử, nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, cho hay ông cùng các đồng nghiệp tiến vào trung tâm Sài Gòn từ sáng sớm.

Lúc ấy, nhiều đoạn trên xa lộ, chiếc xe commăngca chở nhóm phóng viên phải áp vào sườn xe tăng, lúc luồn bên phải, khi lại lách sang trái để tránh làn đạn đáp trả của địch. Xe tăng dẫn đầu, rồi đến xe thiết giáp, xe chở bộ binh, cùng pháo 130 ly bắn yểm trợ dọc hai bên đường, đoàn xe nối đuôi nhau hướng thẳng đến Dinh Độc Lập.

vnp-gap-mat-pv-3.jpg
Nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam chia sẻ về bức ảnh “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập trưa 30/4/1975.” (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Nhóm phóng viên Việt Nam Thông tấn xã đến Dinh Độc Lập khi những chiếc xe tăng đầu tiên đã húc đổ cổng Dinh và tiến vào trong sân. Vừa tới nơi, nhà báo Trần Mai Hưởng liền nhảy xuống xe và chứng kiến hình ảnh chiếc xe tăng 846 đang hùng dũng tiến qua cánh cổng sắt vừa bị húc đổ.

Phản xạ của một phóng viên thôi thúc ông giơ máy ảnh lên và chụp lại. Bức ảnh đó sau này được đặt tên “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập trưa 30/4/1975.”

Ông bấm đúng một tấm, sau đó gửi phim ra Hà Nội. Bức ảnh được nhiều cơ quan báo chí trong nước và hãng thông tấn nước ngoài sử dụng rộng rãi, trở thành biểu tượng của ngày chiến thắng 30/4. Nhưng mãi hơn một năm sau, khi trở về cơ quan tại Hà Nội, ông mới được tận mắt thấy bức ảnh do chính mình chụp.

Với nhà báo Nguyễn Ngọc Bích, nguyên phóng viên, biên tập viên Ban tin miền Nam, bà tự hào vì được sống, được chứng kiến những tháng ngày huy hoàng, chói lọi của quân dân ta chiến thắng một đế quốc hùng mạnh nhất thế giới.

vnp-gap-mat-pv-11.jpg
vnp-gap-mat-pv-10.jpg
vnp-gap-mat-pv-9.jpg
Những khoảnh khắc gặp gỡ xúc động. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Bà còn nhớ thời điểm đó, tin tức chiến thắng từ khắp nơi liên tục đổ về. Các phóng viên, biên tập viên không ai bảo ai, đều có mặt tại cơ quan từ 6 giờ và buổi tối ở lại muộn nhất có thể để chờ tin.

“Sáng 30/4/1975, lúc 10 giờ 30 phút, Ban nhận được tin quân ta đã tiến vào dinh Độc Lập. Sài Gòn đã được giải phóng. Một tràng pháo giòn giã nổ vang trời từ tầng năm của Việt Nam Thông tấn xã tại trụ sở số 5 Lý Thường Kiệt (Hà Nội). Trong những ngày lịch sử đó, phía trước cơ quan luôn có rất đông nhân dân tới đón chờ tin tức. Pháo nổ vang, làn sóng bà con kéo đến đông nghẹt bên công viên trước cửa cơ quan hò reo vang lừng, nhiều người vừa khóc vừa hô to: ‘Hồ Chí Minh muôn năm, Việt Nam muôn năm’ rồi cả biển người hát vang ca khúc Giải phóng miền Nam của nhạc sỹ Lưu Hữu Phước,” bà Nguyễn Ngọc Bích nhớ lại.

Đại diện thế hệ trẻ Thông tấn xã Việt Nam tham dự tọa đàm, phóng viên Cao Thùy Giang, Báo Điện tử VietnamPlus xúc động khi lắng nghe câu chuyện từ các nhà báo lão thành, các nhân chứng lịch sử.

vnp-gap-mat-pv-6.jpg
Phóng viên Cao Thùy Giang (thứ hai từ trái sang), Báo Điện tử VietnamPlus chia sẻ cảm xúc tại tọa đàm. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Chị Giang đã hiểu thêm về những năm tháng hào hùng, đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi tự hào, không thể quên của những người làm thông tấn cách mạng, cũng là để tưởng nhớ các liệt sỹ đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vì sự nghiệp Thông tấn, góp phần xây dựng nên truyền thống vẻ vang của Thông tấn xã Việt Nam, đơn vị vinh dự được Đảng, Nhà nước trao trao tặng 3 danh hiệu Anh hùng.

“Chúng tôi sinh ra trong thời bình, không trải qua những khó khăn gian khổ như các nhà báo lão thành Thông tấn nhưng chúng tôi lại mang một sứ mệnh mới là viết tiếp bản hùng ca mà các bác đã khởi đầu. Chúng tôi luôn tự nhủ phải nỗ lực hơn nữa để tiếp tục truyền thống đầy tự hào của cơ quan Thông tấn quốc gia,” chị Cao Thùy Giang bày tỏ./.

vna-potal-to-chuc-gap-mat-truyen-thong-ky-niem-50-nam-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-7992950.jpg
Đại diện lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam các thời kỳ dâng hương tưởng nhớ, tri ân các liệt sỹ-nhà báo. (Ảnh: Thành Phương/TTXVN)
(Vietnam+)

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/ban-hung-ca-cua-nganh-thong-tan-cach-mang-viet-nam-post1034846.vnp


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Sài Gòn - Ký ức về đô thị 300 năm tuổi
Chênh vênh Sa Mù
Hồn Việt
Người dân tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc mừng ngày 30/4 lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm