.Phóng viên: Ông có thể cho biết nhìn nhận của mình về thị trường báo chí và những xu hướng của báo chí trong tương lai?
- Ông LÊ QUỐC MINH - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân: Thời gian qua, chúng ta nói khá nhiều đến câu chuyện chuyển đổi số, chuyện về các nền tảng mạng xã hội hỗ trợ thúc đẩy lan tỏa nội dung, cách thức để sử dụng hiệu quả những nền tảng như thế nào nhằm tăng lượng người dùng, tăng nguồn thu. Tuy nhiên, với những chuyển biến rất nhanh của công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI), chúng ta sẽ chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong thời gian tới.
Đơn cử thời gian gần đây, chúng ta đã có rất nhiều chương trình tập huấn, đào tạo cho phóng viên cách thức sử dụng AI để phục vụ công việc của mình - không chỉ là những nội dung văn bản, hình ảnh, video để nhằm tạo ra sản phẩm mang tính chất giải trí. Những bước đi đó là rất đúng đắn và cần thiết nhưng sắp tới đây, chúng ta sẽ còn chứng kiến những biến chuyển mạnh mẽ hơn nữa của công nghệ truyền thông, mà trong tương lai rất gần là câu chuyện của các thiết bị đeo trên người.
Cho đến giờ này, rất ít cơ quan báo chí trong nước có một chiến lược nào đó dành cho các sản phẩm đeo trên người, cụ thể là kính, đồng hồ, nhẫn, ghim cài áo và rất nhiều thứ khác nữa. Trong khi đó, những nền tảng này đang dần trở nên phổ biến hơn, đặc biệt khi AI tạo sinh giúp con người có thể ra lệnh bằng giọng nói một cách rất chính xác. Thay vì phải gõ, phải dùng điện thoại để ra những câu lệnh hay phải trực tiếp dùng giọng nói để tìm kiếm thì bây giờ không cần thiết nữa. Đây sẽ là những xu hướng được dự báo phát triển trong thời gian rất ngắn sắp tới, có thể là trong năm 2026.
.Vậy, liệu các cơ quan báo chí trên thế giới cũng như ở Việt Nam nắm bắt như thế nào để tranh thủ các nền tảng này, thưa ông?
- Đương nhiên là chúng ta cũng đã từng nói đến cái gọi là Metaverse (tạm dịch là vũ trụ ảo) hay đang thử nghiệm và ứng dụng về thực tế ảo, thực tế tăng cường, dần dần đang được đưa vào các ứng dụng của truyền thông báo chí. Nhưng rồi sẽ có những thứ khác mà bây giờ chúng ta chưa thấy sẽ được ra đời.
Hiện nay, rất nhiều cơ quan báo chí quốc tế có hẳn bộ phận nghiên cứu phát triển rất sâu, nhưng hầu hết các cơ quan báo chí ở Việt Nam lại không có. Thay vào đó, các cơ quan báo chí trong nước thấy công nghệ nào phát triển mà quan tâm thì mua về dùng; hoặc là thấy nó phát triển nhưng cũng không đủ năng lực để ứng dụng. Trong khi đó, nhiều cơ quan báo chí trên thế giới có một bộ phận nghiên cứu về nhu cầu của người dùng hiện nay và sắp tới là gì; thế giới về mặt công nghệ sẽ ra sao và tận dụng nó như thế nào, không chỉ cho báo điện tử mà kể cả báo in, rồi phát thanh, truyền hình.
Để lập bộ phận nghiên cứu phát triển, đối với những báo nhỏ thì hơi khó. Nhưng kể cả cơ quan báo chí lớn ở Việt Nam cũng chưa nhiều đơn vị đầu tư cho lực lượng này, trong khi xét về truyền thống, báo chí phải tiên phong về mặt công nghệ mới đúng.
Cho nên có thể nói, báo chí bây giờ khá chậm chân. Chẳng hạn chat GPT ra đời, thế là mình loay hoay xem dùng được cái gì từ chat GPT ấy - tức là mấy ứng dụng làm hình ảnh, video rồi tích hợp vào, chứ chưa nói báo chí phải nghiên cứu và đi trước, dù điều này không dễ dàng về mặt công nghệ, ít nhất mình nghiên cứu được về mặt xu thế, xu hướng, nhưng thực tế điều này các cơ quan báo chí cũng chưa có, chưa làm được.
Với việc phổ cập kỹ năng công nghệ, ứng dụng công nghệ không phải là chuyện khó. Bản thân những người lãnh đạo các cơ quan báo chí phải hiểu công nghệ để động viên, khuyến khích anh em sử dụng. Hiểu ở đây là biết giới hạn thế nào, không phải dùng "vung lên" là được. Dùng như thế nào thì được, như thế nào thì không, chỗ nào sẽ bị khả năng rủi ro về mặt sai nội dung, chỗ nào rủi ro về xâm phạm bản quyền, thậm chí là vấn đề đạo đức nữa…, lãnh đạo cơ quan báo chí mà hiểu thì mới khuyến khích phóng viên dùng thế nào cho hợp lý và hiệu quả.
.Trong bối cảnh báo in ngày càng giảm sút lượng phát hành, doanh thu rất khó khăn, nhiều cơ quan báo chí đã tìm kiếm nguồn thu từ độc giả trả tiền cho chuyên mục, sản phẩm báo chí độc đáo, khác biệt, nhưng cũng rất khó khăn. Ông gợi mở gì về vấn đề này?
- Sẽ không có một mô hình chung nào cho các cơ quan báo chí. Chúng ta nhìn vào những thành công của The New York Times với hơn 10 triệu người đọc trả tiền là một động lực để phấn đấu. Nhưng đa phần cơ quan báo chí trên thế giới có được khoảng 100.000 người đọc báo trả phí đã là thành công rất lớn, thậm chí mấy chục nghìn người thì vẫn có thể tạo được nguồn thu đáng kể.
Thế nên, đầu tiên là phải làm nội dung để cho người ta thấy hấp dẫn. Còn một rào cản là khi đa số người dân thấy rằng có thể đọc miễn phí nội dung này ở đâu đó thì hà cớ gì họ lại trả tiền cho mình?. Điều này là đương nhiên trong một thế giới mà như ngày xưa là người ta phải tìm đến báo chí mới có tin, còn bây giờ tin ở đâu cũng có. Vì vậy, tin là thứ không thể bán được mà là bán những nội dung chuyên sâu.
Nhưng nội dung chuyên sâu thì tỉ lệ người đọc đồng ý trả tiền - kể cả ở những nước phát triển - cũng rất thấp chứ không cao, chỉ loanh quanh độ hơn 10%. Thậm chí, kể cả những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, tỉ lệ người đồng ý trả tiền cũng rất ít. Chỉ có ở các nước Bắc Âu là những nơi mà tỉ lệ cao người đọc sẵn sàng chi trả cho báo chí có phí.
Do đó, việc thu hút để bạn đọc sẵn sàng trả tiền cho mình là câu chuyện phải làm nhưng thành công hay không còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố. Chưa kể, ở những nước như Việt Nam thì việc đọc báo trả phí là câu chuyện chưa quen hoặc e ngại với nhiều lý do khác nhau.
Nhưng tạo nguồn thu từ độc giả không chỉ mỗi việc đi thu phí người đọc báo, mà còn có nhiều cách thức. Ví dụ, ở nước ngoài có những chương trình gọi là thành viên - member, khi đăng ký là thành viên và trả một khoản phí nhất định thì được hưởng những ưu đãi nhất định. Hay làm những chương trình như gặp gỡ, trao đổi, nói chuyện, rồi những chế độ giảm giá, quà tặng… Nói chung, có khoảng 14-15 cách kiếm tiền theo mô hình kinh doanh, trong đó có khoảng 3-4 mô hình kinh doanh từ độc giả như: mua báo in, trả tiền mua báo điện tử, member, tham gia câu lạc bộ để được hưởng những cơ chế, chế độ.
Tôi được biết Báo Người Lao Động có chuyện mục "Dành cho bạn đọc VIP" trên báo điện tử có thu phí. Một số cơ quan báo chí ở Việt Nam cũng có chuyên mục mà bạn đọc phải trả phí. Thế nhưng, việc thu phí có rất nhiều thách thức và không hề dễ dàng. Vì vậy, phải nghĩ ra những cách thức gắn kết bạn đọc, để khi họ thấy có lợi ích ở đấy thì bỏ tiền ra chi trả.
Muốn "bán hàng" được thì phải có rất nhiều thủ thuật chăm sóc khách hàng, sử dụng công nghệ, AI để tìm hiểu nhu cầu của người dùng, tìm cách "gây nghiện" độc giả, chứ không phải cứ tạo ra một chuyên mục rồi để ai thích thì sẽ bấm đăng ký mua và vào đọc.
Nguồn: https://nld.com.vn/bao-chi-phai-gay-nghien-doc-gia-196250724201139453.htm
Bình luận (0)