Nó còn tiếp tục khẳng định vai trò dẫn dắt thông tin trong đời sống xã hội hiện đại
Trong hành trình chuyển đổi số của báo chí, mạng xã hội không chỉ là một công cụ hỗ trợ, mà đã trở thành "mặt trận" chiến lược - nơi báo chí vừa khẳng định bản lĩnh dẫn dắt thông tin, vừa thích ứng với hành vi tiêu thụ nội dung số đang biến đổi từng ngày.
Khi báo chí hiện diện giữa "dòng chảy số"
Trong bối cảnh hiện nay, dù ở độ tuổi nào, chắc hẳn chúng ta đều đã ít nhất một lần lướt mạng xã hội và dừng lại xem một bản tin ngắn trên TikTok, Facebook hay YouTube. Chỉ hơn mười giây nhưng súc tích, sinh động, nội dung cập nhật - và đáng tin cậy. Bởi vì, phần lớn bản tin đó không đến từ trang tin lá cải hay tài khoản tự do nào, mà đến từ fanpage tích xanh chính thức của một cơ quan báo chí.
Hệ sinh thái mạng xã hội của Báo Người Lao Động với 21 kênh .Đồ họa: CHI PHAN
Những gì chúng ta đang xem không còn là "truyền hình" theo nghĩa truyền thống, cũng không hẳn là "báo mạng". Đó là một hình thức lai ghép, nơi tốc độ, thị hiếu, công nghệ và nghiệp vụ báo chí chính thống cùng tồn tại, nhằm đưa thông tin đến gần hơn với độc giả hiện đại. Mạng xã hội không còn là công cụ phụ trợ, mà đã trở thành một phần tất yếu trong chiến lược thông tin của báo chí hiện đại.
Trong kỷ nguyên số, người dùng cập nhật tin tức qua điện thoại hoặc trên các mạng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram… Khán giả thế hệ mới đang bị thu hút bởi clip ngắn, tiêu đề hấp dẫn, hình ảnh sinh động. Nếu báo chí không thích ứng kịp, rất dễ bị vượt mặt bởi những nguồn tin không chính thống chỉ vì "dễ xem" hơn.
Chính vì vậy, việc đưa báo chí lên mạng xã hội không còn là lựa chọn, mà là bắt buộc nếu muốn giữ vững vai trò dẫn dắt thông tin. Tuy nhiên, không chỉ "có mặt", báo chí cần hiện diện một cách chủ động, chuyên nghiệp và chiến lược, nơi sự chính xác đi cùng tốc độ và tính thời sự gắn liền với khả năng lan tỏa.
Số liệu từ WeAreSocial cho thấy trung bình người Việt Nam dành 2 giờ 39 phút mỗi ngày để sử dụng mạng xã hội. Nếu báo chí không hiện diện ở đó thì không còn ở đâu nữa để tiếp cận công chúng của mình.
Nỗ lực "đi 1 về 3"
Là một trong số các đơn vị báo chí thể hiện rõ tinh thần thích ứng mạnh mẽ với môi trường mạng xã hội, bằng chiến lược đầu tư bài bản, lâu dài, HTV đã và đang phát triển loạt nội dung ngắn, gọn, nhanh - phục vụ nhu cầu xem tin của người trẻ. Đặc biệt, dự án HTV NewZ với Mô hình "đi 1 về 3" - tức một lần tác nghiệp tạo ra ba định dạng nội dung Sóng (HTV9, HTV7) - Tin tức (Trang thông tin điện tử) - Mạng xã hội (Facebook, YouTube, TikTok) chính là cách tối ưu hóa năng suất trong môi trường truyền thông số mà HTV đã áp dụng cùng với kết hợp khuyến nghị nội dung mà trí tuệ nhân tạo (AI) hướng đến trải nghiệm báo chí tương tác với video dọc, infographic, podcast và livestream theo xu hướng mạng xã hội.
Ngoài ra, báo chí còn sử dụng mạng xã hội như một công cụ tốt để tạo các chiến dịch nhân văn, hướng đến người dân như dự án kêu gọi quyên góp học bổng "Vững bước tới trường" dành cho các học sinh khó khăn của Báo Người Lao Động nhằm tăng sức lan tỏa tốt hơn. Điều này cũng được chứng minh qua nhiều dự án kêu gọi từ các đơn vị báo chí chính thống trong cơn bão Yagi vào năm 2024.
Thách thức và con đường phía trước
Báo chí muốn hiện diện hiệu quả trên mạng xã hội phải thay đổi tư duy vận hành, đầu tư con người không chỉ viết hay mà còn dựng video, làm clip ngắn, hiểu thuật toán, bắt trend... Đó là yêu cầu mới của nghề báo và đây cũng có thể là nơi mà AI có thể giúp sức.
Mạng xã hội cũng đặt ra cám dỗ lớn: chạy theo tương tác, số lượt xem, xu hướng giật gân. Đây là ranh giới mong manh giữa tiếp cận công chúng và đánh mất bản sắc. Báo chí phải tỉnh táo để không biến mình thành một phiên bản giải trí rẻ tiền trong guồng quay số.
Có thể nói, mỗi cơ quan báo chí cần xác định bản sắc riêng trong không gian số: từ cách chọn chủ đề, kể chuyện, định dạng thể hiện đến giọng điệu truyền thông. Đó chính là "thương hiệu báo chí số" mà mỗi tòa soạn cần xây dựng để tồn tại bền vững và cũng là hướng đi để có được nguồn thu mới của báo chí, nguồn thu từ mạng xã hội.
Từ góc nhìn cá nhân, tôi tin rằng tương lai của báo chí không nằm ngoài mạng xã hội mà nằm ngay chính trên nền tảng ấy, nơi các cơ quan báo chí chủ động làm chủ công nghệ, đổi mới phương thức truyền tải và giữ vững các nguyên tắc nghề nghiệp giữa muôn vàn biến động.
Mạng xã hội không phải nơi báo chí "mất chất" nếu chúng ta không từ bỏ chất báo chí. Đó có thể là nơi lý tưởng nhất để các giá trị như chính xác, khách quan, nhân văn và trách nhiệm xã hội được thể hiện bằng một hình thức mới: ngắn hơn, nhanh hơn, gần gũi hơn, nhưng vẫn tử tế và sâu sắc.
Quan trọng hơn hết, chúng ta lựa chọn xuất hiện như thế nào trên "mặt trận" ấy: bị động hay chủ động, lẫn vào đám đông hay trở thành người dẫn dắt? Câu trả lời nằm ở từng tòa soạn, từng nhà báo, từng chiến lược nội dung cụ thể.
Chuyển đổi số trong báo chí là một hành trình dài, không có lối tắt. Và mạng xã hội chính là một trong những "mặt trận" quyết định để báo chí không chỉ tồn tại, mà tiếp tục khẳng định vai trò dẫn dắt thông tin trong đời sống xã hội hiện đại.
"Không dừng lại chỉ là cung cấp nội dung mới cho khán giả, mạng xã hội như một công cụ lắng nghe để báo chí đưa được đúng thông tin độc giả cần.
Khẳng định vai trò dẫn dắt thông tin
Mạng xã hội là một "mặt trận" đầy cạnh tranh, hỗn loạn và đôi khi méo mó bởi tin giả, thông tin phiến diện. Nhưng chính vì thế, báo chí càng cần có mặt ở đó để lấp khoảng trống bằng sự thật, dẫn dắt công chúng bằng thông tin chuẩn xác.
Báo chí có những giá trị mà mạng xã hội tự phát không thể có: kiểm chứng, chuyên môn, đạo đức, trách nhiệm. Nếu báo chí không chủ động hiện diện, không gian ấy sẽ bị chiếm lĩnh bởi những nguồn tin nguy hiểm, phản cảm, độc hại.
Điều đáng ghi nhận là tư duy làm báo của Báo Người Lao Động đã thực sự chuyển đổi: không còn "xuất bản rồi chờ đọc", mà là làm báo theo thời gian thực, tương tác đa chiều. Tin bài có thể xuất hiện đồng thời trên báo điện tử, YouTube, Facebook, TikTok với hình thức thể hiện phù hợp từng nền tảng.
Báo Người Lao Động không chỉ theo kịp xu hướng, mà còn giữ được chất lượng nội dung, đạo đức báo chí và bản sắc riêng, điều mà không phải cơ quan truyền thông nào cũng duy trì được khi bước vào môi trường số.
Nguồn: https://nld.com.vn/mang-xa-hoi-mat-tran-chien-luoc-196250724202553597.htm
Bình luận (0)