Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lặng lẽ một dòng tranh vải giữa dòng chảy mỹ thuật đương đại Việt Nam

Trong khuôn khổ chuỗi chương trình “Art Talk – Những nẻo đường nghệ thuật” do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, họa sĩ Trần Thanh Thục đã có buổi chia sẻ đặc biệt xoay quanh hành trình hơn 40 năm gắn bó với tranh vải – một chất liệu sáng tạo độc đáo và đầy thách thức trong mỹ thuật đương đại.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịchBộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch26/07/2025

Tại buổi giao lưu diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, ngày 26/7, với chủ đề "Trần Thanh Thục – Lặng lẽ một dòng tranh vải", họa sĩ đã chia sẻ chân thật về hành trình hơn bốn thập kỷ âm thầm theo đuổi con đường riêng. Không nhiều họa sĩ chọn tranh vải như một phương tiện chính trong sáng tác – vừa bởi đây là chất liệu khó, vừa bởi ranh giới mong manh giữa "nghệ thuật thị giác" và "nghệ thuật ứng dụng". Nhưng với họa sĩ Trần Thanh Thục, tranh vải là ngôn ngữ phù hợp nhất để bà có thể kể những câu chuyện của mình về ký ức, thiên nhiên, phụ nữ, thân phận, và cả những góc nhìn rất đỗi đời thường.

Những tác phẩm của họa sĩ Trần Thanh Thục không dừng lại ở cái đẹp thị giác mà luôn ẩn chứa lớp ý nghĩa sâu hơn: có lúc là sự tĩnh lặng của thiên nhiên, có khi là nội tâm của người phụ nữ, hoặc nỗi niềm trong những đổi thay của đời sống đương đại. Vải, dưới bàn tay của bà – không chỉ là chất liệu mềm mại mà trở thành chất liệu có sức biểu cảm mạnh mẽ, biết kể chuyện, biết thì thầm và biết lay động người xem.

Lặng lẽ một dòng tranh vải giữa dòng chảy mỹ thuật đương đại Việt Nam - Ảnh 1.

Tại buổi giao lưu diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Trần Thanh Thục đã chia sẻ chân thật về hành trình hơn bốn thập kỷ âm thầm theo đuổi con đường riêng.

Các tác phẩm của Trần Thanh Thục hiện lên như những bài thơ thị giác. Từng miếng vải được chọn lựa, cắt, khâu, đính… không theo quy tắc máy móc mà theo cảm xúc và trực giác. Những cảnh sắc thiên nhiên, hình ảnh thiếu nữ, mái nhà xưa, con thuyền, lũy tre… đều được tái hiện bằng lớp lang màu sắc trầm ấm, bố cục dung dị mà gợi nhiều tầng nghĩa.

Tại buổi trò chuyện, khán giả được nghe người nghệ sĩ chia sẻ về cách chọn từng miếng vải, cách cảm nhận màu sắc và bố cục để tạo nên một tác phẩm tranh vải. Những gì tưởng như vụn vặt – như một mảnh vải cũ, một nét chỉ thêu không đều – lại được biến thành điểm nhấn có hồn trong bố cục tổng thể.

Tranh vải với họa sĩ Trần Thanh Thục không phải là sự thử nghiệm, mà là một lựa chọn đã chín muồi. Từ những ngày đầu còn chật vật đi tìm tiếng nói riêng, đến khi được giới chuyên môn ghi nhận, hành trình của bà là minh chứng cho sự bền bỉ, cho khát vọng làm nghề một cách nghiêm túc – dù không theo số đông.

Lặng lẽ một dòng tranh vải giữa dòng chảy mỹ thuật đương đại Việt Nam - Ảnh 2.

Các tác phẩm của họa sĩ Trần Thanh Thục thường tái hiện về Hà Nội xưa qua các lớp vải tạo độ sâu, mang đậm nét hoài niệm.

Sáng tác tranh vải – với họa sĩ Trần Thanh Thục – không đơn thuần là tạo hình, mà là một hành trình đầy thử thách và kiên nhẫn. Khó khăn đến từ cả chất liệu, kỹ thuật lẫn thời gian để hoàn thiện một tác phẩm. Trước hết là việc lựa chọn và xử lý chất liệu. Họa sĩ không dùng cọ hay màu vẽ, mà hoàn toàn dùng các mảnh vải in sẵn, được sưu tầm từ khắp nơi – có khi là vải vụn cũ kỹ, có khi là vải hoa từ những thế kỷ trước. Mỗi mảnh vải phải phù hợp về sắc độ, hoa văn, chất liệu… và đặc biệt là cảm xúc mà nó gợi lên. Để tìm được một "mảnh vải đúng" có khi bà phải đợi nhiều tháng, thậm chí vài năm mới đủ điều kiện để hoàn thiện tác phẩm.

Buổi art talk nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng, trong đó có công chúng trẻ.

Đằng sau vẻ nữ tính của tranh là tinh thần rất kiên cường. Để làm nên một tác phẩm tranh vải hoàn chỉnh, người nghệ sĩ phải trải qua quá trình mà tất cả đều làm bằng tay, đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn cao độ. Đó là một hành trình chậm rãi, nhưng cũng là hành trình của sự lắng sâu và đi đến tận cùng bản ngã nghệ thuật.

Trong suốt hơn 40 năm gắn bó với tranh vải, họa sĩ Trần Thanh Thục đã vượt qua những trở ngại âm thầm đó – bằng sự kiên nhẫn và một tình yêu bền bỉ với chất liệu. Có thể nói, tranh vải không chỉ là phương tiện biểu đạt, mà là một phần gắn bó máu thịt với cuộc đời và cảm xúc của người nghệ sĩ.

Sáng tác tranh vải, không đơn thuần là tạo hình, mà là một hành trình đầy thử thách và kiên nhẫn.

"Art Talk – Những nẻo đường nghệ thuật" là chuỗi chương trình do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khởi xướng, nhằm tạo ra không gian đối thoại giữa công chúng và nghệ sĩ. Mỗi buổi trò chuyện là một dịp để công chúng hiểu sâu hơn về hành trình sáng tác của một nghệ sĩ đương đại Việt Nam – những người đang góp phần đa dạng hóa bản đồ nghệ thuật nước nhà bằng chính chất liệu, phong cách và tinh thần riêng.

Với Trần Thanh Thục, đó là hành trình âm thầm, nữ tính, lặng lẽ – nhưng chính sự lặng lẽ ấy lại tạo nên một dòng chảy đặc biệt, khác biệt và có sức nặng riêng trong đời sống mỹ thuật Việt Nam đương đại./.


  • Triển lãm tranh 'Thầy - Trò: Giai điệu một con đường' tại Moskva

  • Trưng bày tài liệu và trao trả hồ sơ chiến tranh nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ

Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/lang-le-mot-dong-tranh-vai-giua-dong-chay-my-thuat-duong-dai-viet-nam-20250726140253037.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm