>> Trấn Yên thúc đẩy nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển bền vững
>> Trấn Yên: Cơ hội mới cho nghề trồng dâu nuôi tằm
Ngay từ khi có chủ trương của địa phương về phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, gia đình bà Tạ Thị Ngọc ở thôn Đồng Trạng đã chuyển đổi hơn 3 sào lúa kém hiệu quả sang trồng dâu. Từ quy mô nhỏ, sau khi tích lũy thêm kinh nghiệm, tự học hỏi thêm từ nhiều nguồn khác nhau, đến nay, diện tích dâu của gia đình bà Ngọc đã mở rộng được gần 1 mẫu, mỗi năm cho nguồn thu trên 60 triệu đồng.
Bà Ngọc cho biết: "Kể từ khi trồng dâu nuôi tằm, cuộc sống gia đình tôi khấm khá lên nhiều. Nuôi tằm không khó nhưng chúng tôi phải thường xuyên lên mạng để học hỏi và tham gia các lớp tập huấn do địa phương tổ chức để cải tiến kỹ thuật nuôi nhằm giảm chi phí, đạt năng suất, chất lượng kén tốt nhất. Đối với nghề nuôi tằm, vất vả nhất là trong 3 ngày tằm ăn rỗi nhưng bù lại nuôi tằm cho giá trị kinh tế cao hơn làm nông nghiệp truyền thống (trồng lúa, trồng ngô) gấp nhiều lần”.
Nghề trồng dâu nuôi tằm không chỉ mang lại niềm vui, sự phấn khởi cho bà Ngọc mà còn giúp nhiều hộ gia đình khác trong thôn có thu nhập ổn định, vươn lên có cuộc sống đầy đủ, khá giả. Chị Nguyễn Thị Phương ở thôn Đồng Trạng chia sẻ: "Ban đầu gia đình tôi chỉ có 5 sào dâu, đến nay đã phát triển được khoảng 1 mẫu rưỡi. Được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình chị được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng từ Ngân hàng CSXH huyện để mở rộng quy mô phát triển sản xuất nên gia đình tôi đã đầu tư chuyển đổi từ nuôi tằm truyền thống bằng nong hoặc nuôi dưới nền nhà sang nuôi trên khay trượt. Mỗi năm sản lượng kén tằm thu về được khoảng 9 tạ, mang lại thu nhập 160 triệu đồng/ năm”.
Thực hiện Đề án Phát triển dâu tằm tơ huyện Trấn Yên giai đoạn 2020 - 2025, thời gian qua, xã Báo Đáp đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân dồn điền đổi thửa mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm. Cùng với đó phối hợp với các đơn vị liên kết tiêu thụ sản phẩm kén tằm; chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho nông dân; hỗ trợ phân bón trả chậm; hỗ trợ kinh phí mua cây giống, né tằm, xây dựng, sửa chữa nhà tằm... Đến nay, xã có hơn 500 hộ trồng dâu nuôi tằm với tổng diện tích gần 200 ha, tập trung nhiều ở các thôn: Đình Xây, Đồng Sâm, Đồng Gianh, Đồng Gạch, Đồng Bưởi, Đồng Trạng. Năm 2024, sản lượng kén tằm đạt trên 235 tấn, mang lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng.
Ông Trần Đức Tiến - Chủ tịch UBND xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên cho biết: "Để mở rộng và phát triển hơn nữa nghề trồng dâu nuôi tằm, thời gian qua, xã đã tích cực chỉ đạo, phân công cán bộ về địa bàn các thôn hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; vận động bà con trồng dâu theo phương pháp hữu cơ, đưa cơ giới hóa vào sản xuất để tăng hiệu quả trồng dâu.
Cùng đó, xã cũng phối hợp với các cơ quan, phòng, ban liên quan của huyện tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn về kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm để bà con tham gia học tập, trực tiếp áp dụng phương pháp được học để nâng cao hiệu quả trồng dâu nuôi tằm. Trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, định hướng của chính quyền địa phương là tiếp tục mở rộng diện tích trồng dâu, trung bình mỗi hộ dân sẽ có khoảng 5 – 10 sào. Từ đó sẽ hình thành những cánh đồng dâu chuyên canh, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao năng suất là dâu, sản lượng kén tằm, hướng tới hình thành vùng sản xuất tập trung, xây dựng thương hiệu dâu tằm tơ Báo Đáp”.
Với những ưu thế của nghề trồng dâu nuôi tằm đã được kiểm chứng, cùng nhu cầu thị trường hiện nay, việc phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm sẽ là bước khởi đầu cho chuyển dịch cơ cấu ngành nghề nông thông, qua đó giúp phát huy được tiềm năng về thổ nhưỡng, khí hậu cũng như nguồn lực về lao động phổ thôn, tạo cơ hội giúp các hộ dân trên địa bàn xã Báo Đáp nói riêng và huyện Trấn Yên nói chung vươn lên phát triển bền vững.
Thu Trang
Nguồn: https://baoyenbai.com.vn/12/349285/Bao-Dap-dua-nghe-trong-dau-nuoi-tam-phat-trien-ben-vung.aspx
Bình luận (0)