Rừng quốc gia Yên Tử có hơn 2.730ha rừng và đất lâm nghiệp với trên 800 loài thực vật, 150 loài động vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm, đặc hữu, như: Lim xanh, táu mật, sao Hòn Gai, hồng tùng, mai vàng Yên Tử, thằn lằn cá sấu... Với những giá trị nổi bật đó, Rừng quốc gia Yên Tử nằm trong danh sách khu rừng cấm tại Quyết định số 194/CT ngày 9/8/1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Để bảo vệ và phát triển rừng bền vững, những năm qua BQL Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử đã thường xuyên tổ chức các đợt tuần tra, kiểm tra rừng, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp săn bắt, khai thác lâm sản trái phép; củng cố các trạm bảo vệ rừng, đầu tư trang thiết bị phục vụ PCCCR, như máy thổi gió, bình bọt chữa cháy; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, khách du lịch về vai trò của rừng đối với tự nhiên, con người và hệ sinh thái thông qua các buổi họp dân, hệ thống loa truyền thanh xã, phường, hệ thống pano, áp phích...
Bên cạnh đó, hỗ trợ nhân dân địa phương xây dựng quy ước bảo vệ rừng và môi trường tài nguyên thiên nhiên tại các thôn; phát triển du lịch sinh thái; các mô hình trồng cây ăn quả, nông lâm kết hợp, chuyển giao công nghệ phát triển giống mai vàng Yên Tử thành hàng hóa... nhằm khắc phục triệt để tình trạng người dân xâm hại đất rừng tự nhiên để canh tác nương rẫy.
Bình quân mỗi năm, BQL Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên được 2.200ha. Hiện nay, Rừng quốc gia Yên Tử vẫn giữ được gần như nguyên vẹn hệ sinh thái rừng nguyên sinh, trở thành lá phổi xanh điều hòa không khí, giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho TP Uông Bí.
Quảng Ninh hiện có 7 khu rừng đặc dụng với tổng diện tích 30.034ha, gồm: Rừng quốc gia Yên Tử, Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng, Vườn quốc gia Bái Tử Long, Rừng thông Yên Lập, Khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan Vịnh Hạ Long, Khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui (huyện Tiên Yên) và Khu bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học Quảng Nam Châu (huyện Hải Hà).
Rừng đặc dụng không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, mà còn có vai trò bảo vệ môi trường sinh thái, nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm mang tính thân thiện với thiên nhiên.
Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã phối hợp với Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam triển khai 19 nhiệm vụ khoa học phát triển lâm nghiệp bền vững và 20 nhiệm vụ bảo tồn gen, phát triển tài sản trí tuệ có liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng; triển khai Dự án nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR theo Quyết định số 177/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó đầu tư nhiều trang thiết bị công nghệ phục vụ công tác quản lý, giám sát tài nguyên và PCCCR.
Phát huy vai trò nòng cốt trong quản lý, bảo vệ rừng, từ năm 2020 đến nay, lực lượng kiểm lâm tỉnh đã xử lý 407 vụ vi phạm hành chính về lĩnh vực lâm nghiệp, thu nộp ngân sách hơn 4,2 tỷ đồng (giảm 587 vụ so với giai đoạn 2015-2019); trong đó đã khởi tố 12 vụ án hình sự về tội huỷ hoại rừng theo Điều 243, Bộ luật Hình sự.
Lực lượng kiểm lâm tỉnh đã tăng cường quản lý bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng, nhất là động vật, thực vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm, từ đó hạn chế nhiều tình trạng săn bẫy chim di cư. Trước năm 2020, toàn tỉnh chỉ có 46 cơ sở nuôi động vật hoang dã, quý hiếm, đến nay có 125 cơ sở gây nuôi động vật rừng, tăng 272% so với trước khi ban hành Nghị quyết 19-NQ/TU, góp phần bảo tồn nguồn gen, đồng thời giảm áp lực từ việc khai thác trái phép từ rừng.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/bao-ton-da-dang-sinh-hoc-gan-voi-phat-trien-rung-ben-vung-3358371.html
Bình luận (0)