Với diện tích đất nông nghiệp hơn 416 ha, trong đó, diện tích trồng lúa chiếm gần 90%, xã Yên Bình là địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn của huyện Vĩnh Tường.
Thực hiện chủ trương dồn thửa đổi ruộng của tỉnh, xã định hướng, vận động nhân dân chủ động thu gom ruộng đất, hình thành các cánh đồng mẫu lớn với diện tích trung bình 360m2/thửa, tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Bên cạnh đó, hằng năm, UBND xã phối hợp với ngành nông nghiệp hỗ trợ giống lúa chất lượng cao tương ứng với 70 - 80% tổng diện tích canh tác; đồng thời, hỗ trợ phân bón, vật tư nông nghiệp giúp nâng cao năng suất, giá trị canh tác.
Hiện nay, 100% diện tích canh tác trên địa bàn xã đã được cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch, nhờ đó, sản lượng lúa trung bình đạt từ 65 - 67 tạ/ha, cao hơn so với mặt bằng chung toàn tỉnh.
Vào vụ Đông, tận dụng một số vị trí đất nông nghiệp trồng lúa kém hiệu quả, nhiều hộ dân chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng khoai lang mật và bí đỏ cho hiệu quả kinh tế cao.
Trung bình vụ Đông mỗi năm, toàn xã có khoảng 70 ha trồng khoai lang mật và 100 ha trồng bí đỏ với sản lượng đạt hơn 13 tấn/ha.
Với chất đất phù hợp, chất lượng nông sản vượt trội, thương hiệu “Khoai lang mật Yên Bình” ngày càng khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường, có đầu ra ổn định và được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Hiện nay, khoai lang mật tại xã được thu mua với giá từ 10.000 - 13.000 đồng/kg, cao hơn so với mặt bằng chung thị trường, tạo nguồn thu nhập cho nhiều hộ dân.
Nắm bắt xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, những năm gần đây, một số hộ dân trong xã đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng KHKT trồng một số loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao.
Dẫn chúng tôi tham quan mô hình trồng nho trong nhà màng với quy mô hơn 1ha tại thôn Nội, anh Vũ Văn Yên, Giám đốc HTX Quảng Phúc (chủ mô hình) cho biết:
“Nhận thấy giá trị kinh tế từ cây nho, sau nhiều năm nghiên cứu, học hỏi kỹ thuật, năm 2019, tôi quyết định đầu tư trồng thử nghiệm 2 giống nho mẫu đơn và hạ đen trong nhà màng, lắp đặt hệ thống tưới nước, bón phân tự động.
Mặc dù vốn đầu tư ban đầu tương đối lớn, nhưng được sự động viên, hỗ trợ của chính quyền địa phương và các tổ chức tín dụng, tôi được tiếp cận vốn vay ưu đãi.
Ngoài ra, được hỗ trợ 2 tấn phân bón, gần 200 triệu đồng đầu tư giống, vật tư nông nghiệp từ chính sách hỗ trợ ngành nông nghiệp của tỉnh để triển khai mô hình. Hiện nay, trung bình mỗi vụ thu hoạch được gần 100 tạ nho/ha, giá thu mua dao động từ 150 - 350 nghìn đồng/kg”.
Bên cạnh diện tích canh tác trồng cây hằng năm, quy mô chăn nuôi trên địa bàn xã Yên Bình cũng phát triển với tổng đàn gia súc đạt 8.000 con, gia cầm đạt gần 78.500 con.
Tận dụng các vị trí đồng chiêm trũng để nuôi trồng thủy sản, toàn xã hiện có gần 40 ha nuôi cá giống với sản lượng trung bình đạt 165 tấn cá giống mỗi năm.
Về phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, toàn xã hiện có gần 100 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, hơn 150 hộ kinh doanh thương mại - dịch vụ.
Đặc biệt, trong nhiều năm trở lại đây, nghề đan giường, ghế gấp phát triển mạnh tại địa phương, tạo việc làm ổn định cho khoảng 500 lao động, trong đó phần lớn là lao động nông nhàn.
Anh Trần Văn Thuận, chủ cơ sở sản xuất giường, ghế gấp tại thôn Yên Trù cho biết: “Nghề đan giường, ghế gấp không đòi hỏi sức lao động lớn, nhưng cần có thời gian và sự tỉ mỉ, phù hợp với lao động nông nhàn.
Với quy mô sản xuất trung bình khoảng 2.000 sản phẩm mỗi tháng, cơ sở đang tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên, thu nhập trung bình 9 - 10 triệu đồng/người/tháng và 40 lao động thời vụ, thu nhập trung bình 5-6 triệu đồng/người/tháng”.
Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT - XH, năm 2024, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Yên Bình đạt hơn 72 triệu đồng/năm, cao hơn mặt bằng chung khu vực nông thôn toàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bình Lê Thị Hương cho biết: “Phát huy tiềm năng về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng đời sống.
Bên cạnh đó, xã tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực trong việc đầu tư, xây dựng hạ tầng phát triển KT - XH, minh chứng rõ nhất thông qua việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với 19/19 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH, xã Yên Bình tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hạ tầng; định hướng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, khuyến khích tạo thêm việc làm cho lao động địa phương; duy trì và nâng cao các tiêu chí NTM, hướng tới xây dựng xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Bài, ảnh: Hoàng Sơn
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/128460/Da-dang-mo-hinh-phat-trien-kinh-te-o-Yen-Binh
Bình luận (0)