"Đừng để mọi người phải sống vì mình"
Nhiều năm nay, hình ảnh anh Nguyễn Duy Học chân tay co quắp, bước đi khó khăn, trên cổ thường đeo một chiếc máy ảnh đã trở nên thân thuộc với các hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Anh Học cùng các thành viên nhóm Vòng tay yêu thương đã sẻ chia từ từng món quà nhỏ nhất đến những dự án bền vững để đem lại niềm vui, gieo yêu thương cho những cảnh đời khốn khó.
Anh Học tặng xe đạp cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Anh Học sinh năm 1987 tại thôn 1A, xã Ea Kly, H.Krông Pắc trong một gia đình có truyền thống cách mạng. "Bố tôi từng tham gia quân ngũ và bị ảnh hưởng chất độc da cam, mẹ là thanh niên xung phong đi xây dựng kinh tế mới tại tỉnh Đắk Lắk nay đã nghỉ hưu. Tôi sinh ra chân tay đã bị cong quắp, đến năm 10 tuổi tôi mới tập tễnh đi những bước đầu tiên", anh cho biết.
Song, bằng nỗ lực của bản thân, anh Học đã học hết lớp 12 và thi đậu vào ngành Công nghệ thông tin, Trường ĐH Duy Tân (nay là ĐH Duy Tân - TN) năm 2007. Ra ngoài xã hội, anh nhận thấy còn nhiều hoàn cảnh bất hạnh hơn mình và quyết định trở thành tình nguyện viên cho CLB Búp Sen Hồng, đi dạy văn hóa cho các bạn khuyết tật ở Trung tâm hướng nghiệp từ thiện (thuộc Hội Chữ thập đỏ TP.Đà Nẵng). Từ đó, anh Học luôn tâm niệm: "Mình phải sống vì mọi người chứ đừng để mọi người phải sống vì mình".
Các bạn trẻ trong nhóm sửa chữa bàn ghế hư hỏng cho học sinh
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nghĩ về quê hương nắng gió đại ngàn, anh Học cho biết đặc thù Đắk Lắk có địa bàn dân cư cách xa nhau, đồi núi cao, vùng khó khăn lại nhiều nên việc đi khắp nơi làm thiện nguyện rất khó khăn với một thanh niên khuyết tật vận động như anh. Tuy nhiên, khi trái tim dẫn lối yêu thương, anh Học không coi đó là trở ngại mà lấy làm thử thách để vượt qua.
Sau nhiều đêm dài trăn trở về những dự án thiện nguyện bền vững, anh quyết định vận động bạn bè thành lập nhóm thiện nguyện Vòng tay yêu thương năm 2012, ban đầu có 6 thành viên do anh làm chủ nhiệm. Thành viên của nhóm đến từ mọi lứa tuổi, tầng lớp miễn là có tinh thần tình nguyện, cống hiến vì cộng đồng. Đến nay, số lượng thành viên đã lên đến gần 50 người và hiện, nhóm thiện nguyện Vòng tay yêu thương đang là thành viên Mạng lưới Tình nguyện quốc gia khu vực Tây nguyên.
Những dự án bền vững
Ngay sau khi nhóm được thành lập, anh Học đã triển khai ngay dự án nấu cơm tặng bệnh nhân nghèo đang điều trị ở các bệnh viện tại địa phương, mỗi lần nhóm nấu khoảng 200 suất cơm. "Tôi chia thành các đội nhỏ như hậu cần, đầu bếp, phát cơm… và điều phối các bạn thực hiện dự án một tuần một lần. Ngoài kinh phí tự nguyện đóng góp, chúng tôi còn có sự chung tay của các nhà hảo tâm. Mỗi suất cơm trao đến bệnh nhân nghèo đều mang lại niềm hạnh phúc cho chúng tôi", anh Học tâm sự.
Anh Học và các em nhỏ sau khi đã có những bộ bàn ghế vững chắc
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Dự án cứ thế được duy trì trong sự khích lệ và động viên của người dân địa phương. Sang năm 2014, anh Học tiếp tục triển khai dự án hướng đến các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhóm đã vận động nhà hảo tâm trao tặng 5.000 chiếc áo trắng, đồ dùng học tập tại các điểm trường ở Đắk Lắk, Đắk Nông.
Năm 2017 đánh dấu sự ra đời của một dự án lớn do nhóm Vòng tay yêu thương chủ trì: dự án Dựng nhà bằng khung sắt cho học sinh nghèo. Anh Học cho biết do thường thấy nhiều em phải ở trong những căn nhà gỗ xập xệ, có thể bị cuốn bay sau một trận bão nên anh mới có ý tưởng thực hiện dự án.
Do nguồn lực hạn chế, khó có thể xây được nhà bê tông nên nhóm lựa chọn nhà khung sắt, mái tôn. Ngoài ra, nhà khung sắt có thể làm nhanh mà vẫn đảm bảo những công năng cơ bản, có tuổi thọ trên 10 năm. "Mỗi lần tổ chức, nhóm huy động được khoảng 30 tình nguyện viên chia làm các đội thợ sắt, thợ tôn, hậu cần, mỗi người một việc chung tay giúp đỡ. Đến nay, nhóm đã dựng mới được 5 ngôi nhà, sửa chữa hơn 20 căn cho các em học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn", anh Học cho biết.
Tháng 11.2017, bão số 12 quét qua xã Yang Mao, H.Krông Bông (Đắk Lắk), thổi tốc mái nhà của gần cả xã, khiến bà con lâm cảnh màn trời chiếu đất. Biết tin, anh Học kêu gọi tiền mua tôn và cùng tình nguyện viên đến xã lợp được hơn 10 mái nhà cho bà con với tiến độ thần tốc.
Bên cạnh đó, từ năm 2018, nhóm đã triển khai dự án sửa chữa bàn ghế cho các trường ở vùng sâu, vùng xa khó khăn. Đây là mô hình sửa chữa, thay mặt bàn ghế đã hư hỏng và gia cố lại khung để các em ngồi học tốt hơn. Đến nay, nhóm đã đóng mới và sửa chữa 4.500 bộ bàn ghế cho 41 ngôi trường trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, sửa một khu bán trú trường học. Ngoài ra, nhóm Vòng tay yêu thương còn tổ chức các hoạt động như vệ sinh cá nhân cho các em, cắt tóc, phát áo ấm, tham gia phòng chống dịch Covid-19, tặng đồ dùng học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thực hiện các dự án cung cấp nước sạch với ngân sách huy động được khoảng 1 tỉ đồng...
"Khi đến thăm Trường tiểu học Bùi Thị Xuân - một ngôi trường nằm giữa rừng heo hút ở xã Cư San, H.M'Đrắk, tôi thấy các em học sinh ngồi học trên những bộ bàn ghế hỏng nặng, áo quần bẩn hết vì phải tì sát vào những mặt bàn tróc sơn để viết bài. Khoảnh khắc đó khiến tôi quyết định thực hiện dự án đóng bàn ghế mới cho học sinh. Ngay sau đó, nhóm bắt tay vào thực hiện, sửa chữa gần 60 bộ bàn ghế, thay 6 chiếc quạt và bổ sung hơn 10 quạt mới cho các lớp học", anh Học chia sẻ.
Bước chân không dừng lại
Tuy di chuyển khó khăn, song anh Học lại rất hay đi. Có những tháng anh đi thiện nguyện đủ 30 ngày, có ngày đi quãng đường dài hơn 200 km đến tận nhà hộ gia đình khó khăn để trao quà. Tận mắt thấy nghị lực của anh, nhiều phụ huynh đã tin tưởng cho con đi thiện nguyện cùng anh Học để trải nghiệm tình thương, tinh thần sẻ chia trong cuộc sống. "Các sự kiện lớn, nhóm có thể huy động trên 500 tình nguyện viên tham gia, hầu hết là các bạn trẻ và có nhiều bạn khuyết tật. Những con đường xa xôi, lầy lội, điều kiện di chuyển vất vả dù mưa hay nắng đều không làm giảm lòng nhiệt huyết của các bạn trẻ. Có những đoạn đường gập ghềnh tôi không đi được, các bạn lại bế, cõng tôi vượt qua", anh Học chia sẻ.
Anh Học nhận giải thưởng Tỏa sáng Nghị lực Việt 2020
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Từ khi ra trường, anh Học làm nhiều nghề kiếm sống như bán trà sữa, sửa chữa máy tính và chụp ảnh, quay phim. Do bàn tay không duỗi ra được, không thể trực tiếp đóng bàn ghế hay dựng nhà nên anh thường dùng máy ảnh lưu lại khoảnh khắc đẹp của các tình nguyện viên. "Hành trình thiện nguyện sẽ theo tôi đi hết cuộc đời, hãy sống vì mọi người và sống một cách có ích cho xã hội", anh cười hiền.
Chị Lý Thị Hồng Trị, Trưởng ban thường trực Mạng lưới Tình nguyện quốc gia khu vực Tây nguyên, cho biết: "Trong những năm qua anh Học đã dẫn dắt nhóm Vòng tay yêu thương thực hiện nhiều dự án thiện nguyện bền vững, góp phần nâng bước học sinh đến trường. Nghị lực của anh Học thật đáng khâm phục". Năm 2019, nhóm thiện nguyện Vòng tay yêu thương vinh dự nhận giải thưởng Tình nguyện quốc gia do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng.
Nguồn: https://thanhnien.vn/gieo-nhan-ai-tu-trong-trai-tim-185250516193704851.htm
Bình luận (0)