Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bất ngờ chiến lược trong quan hệ quốc tế và một số hàm ý chính sách

TCCS - Bất ngờ chiến lược đang nổi lên như một trong những vấn đề then chốt trong quan hệ quốc tế đương đại, đặc biệt trong bối cảnh trật tự thế giới đang trải qua biến chuyển sâu sắc với nhiều yếu tố bất định, khó lường. Các cuộc xung đột trên thế giới hiện nay cho thấy, ngay cả quốc gia có tiềm lực lớn về quốc phòng - an ninh và công nghệ vẫn có thể bị động trước bất ngờ chiến lược mang tầm ảnh hưởng sâu rộng. Việc nghiên cứu toàn diện về bất ngờ chiến lược có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tạp chí Cộng SảnTạp chí Cộng Sản17/04/2025

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh vế thuế tại Nhà Trắng, ngày 2-4-2025_Nguồn: AFP

Về khái niệm bất ngờ chiến lược

Trong nghiên cứu quan hệ quốc tế, “bất ngờ chiến lược” thường được hiểu là sự kiện có tính đột biến, vượt khỏi khả năng dự báo thông thường, tác động trực tiếp đến lợi ích quốc gia và an ninh quốc gia, từ đó buộc quốc gia phải điều chỉnh một cách căn bản chính sách đối ngoại và định hướng chiến lược(1). Ngay cả khi có đầy đủ thông tin, nhà hoạch định chính sách vẫn có thể rơi vào tình trạng bị động do định kiến nhận thức và áp lực về thời gian, dẫn đến việc không thể nhìn nhận đúng bản chất của các mối đe dọa mới.

Tương tự, trong công trình nghiên cứu quan trọng về vụ tấn công bất ngờ nhằm vào Trân Châu Cảng (Mỹ) năm 1941, học giả Rô-béc-ta Âu-xte-tơ (Roberta Wohlstetter) đã chỉ ra rằng, sở hữu số lượng thông tin nhiều hơn không phải lúc nào cũng giúp ngăn chặn bất ngờ chiến lược xảy ra(2). Thậm chí, thất bại trong việc dự đoán và ngăn chặn bất ngờ chiến lược thường không phải do thiếu thông tin, mà do lượng “nhiễu” quá lớn, vốn không thể tránh khỏi khi xử lý một khối lượng thông tin khổng lồ. Thách thức này càng trở nên gay gắt trong thời đại số hóa hiện nay, khi các quốc gia phải đối mặt với luồng thông tin và dữ liệu khổng lồ đến từ nhiều nguồn khác nhau, đồng thời tốc độ biến đổi của tình hình quốc tế cũng tăng lên theo cấp số nhân.

Từ một góc nhìn khác, học giả E-rích Đan (Erik Dahl) nhấn mạnh đến hai yếu tố then chốt trong việc ngăn ngừa bất ngờ chiến lược: Một là, thông tin chính xác ở cấp độ chiến thuật; hai là, mức độ tiếp nhận của nhà hoạch định chính sách đối với các cảnh báo(4). Thông qua việc so sánh sự tham gia của Mỹ tại trận chiến Trân Châu Cảng và trong trận hải chiến Midway ở chiến trường Thái Bình Dương, E-rích Đan chỉ ra rằng, thành công trong việc ngăn chặn bất ngờ chiến lược không chỉ phụ thuộc vào khả năng phân tích chiến lược tổng thể, mà còn đòi hỏi thông tin cụ thể, có tính hành động và sự sẵn sàng tiếp nhận, xử lý thông tin của các nhà lãnh đạo. Lý thuyết này đặc biệt có giá trị trong bối cảnh hiện nay, khi các quốc gia phải đối mặt với nhiều loại hình thách thức an ninh mới, từ khủng bố đến tấn công mạng, đòi hỏi sự kết hợp nhịp nhàng giữa năng lực thu thập thông tin và khả năng ra quyết định kịp thời của bộ máy hoạch định chính sách.

Nhìn chung các nghiên cứu cho thấy, bất ngờ chiến lược mang tính đa chiều và phức hợp, có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Đây là thách thức tổng hợp bao gồm cả yếu tố nhận thức, tổ chức và hệ thống, đòi hỏi quốc gia xây dựng một quy trình, hệ thống tổng thể kết hợp giữa năng lực thu thập và xử lý thông tin chi tiết, khả năng phân tích chiến lược cũng như sự linh hoạt trong quá trình ra quyết định. Trong bối cảnh địa - chính trị toàn cầu ngày càng bất định, với sự xuất hiện của các sáng tạo đột phá, như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và các hình thái xung đột mới trong không gian mạng, khả năng nhận diện và ứng phó với bất ngờ chiến lược đang trở thành một trong những năng lực cốt lõi nhằm bảo đảm an ninh quốc gia.

Kinh nghiệm quốc tế trong ứng phó với bất ngờ chiến lược

Một nghiên cứu về xung đột quốc tế đã chỉ ra có tới 68 trường hợp bất ngờ chiến lược được ghi nhận trong thế kỷ XX, thường xuất hiện sau những giai đoạn căng thẳng và khủng hoảng(4). Đặc điểm này gợi mở một nghịch lý cơ bản trong nghiên cứu về bất ngờ chiến lược, đó là ngay cả khi các dấu hiệu cảnh báo xuất hiện, quốc gia vẫn có thể rơi vào tình thế bị động do hạn chế trong nhận diện và phản ứng đối với các dấu hiệu này.

Kể từ sau năm 1945, bản chất của bất ngờ chiến lược đã có thay đổi căn bản. Thứ nhất, phạm vi của bất ngờ chiến lược đã mở rộng vượt ra ngoài lĩnh vực quân sự truyền thống, bao gồm cả hình thức tấn công khủng bố, tấn công mạng và các cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính có tác động địa - chính trị. Thứ hai, yếu tố công nghệ đã trở thành một biến số quan trọng, vừa tạo ra công cụ mới trong việc dự báo và phòng ngừa, vừa mở ra kênh tấn công và gây bất ngờ mới. Thứ ba, các cuộc xung đột khu vực, dù quy mô có thể hạn chế, nhưng có thể tạo ra hệ quả mang tính chiến lược toàn cầu thông qua hiệu ứng dây chuyền và sự kết nối ngày càng chặt chẽ của hệ thống quốc tế.

Cuộc khủng hoảng tên lửa Cu-ba vào năm 1962 cho thấy, bất ngờ chiến lược có thể xuất phát từ việc các nước đánh giá sai về ngưỡng chấp nhận rủi ro của đối phương. Hệ quả của cuộc khủng hoảng dẫn đến việc thiết lập “đường dây nóng” giữa Liên Xô, Mỹ và cơ chế đối thoại thường xuyên giữa hai siêu cường, cũng như sự ra đời của nhiều điều ước về kiểm soát vũ khí hạt nhân trong những thập niên tiếp theo(5).

Trong khi đó, cuộc chiến tranh Yom Kippur giữa các nước A-rập và I-xra-en vào năm 1973 là ví dụ điển hình về cách một liên minh quốc gia có thể tạo ra bất ngờ chiến lược thông qua việc khai thác “điểm mù” trong tư duy chiến lược của đối phương. Sau chiến thắng áp đảo trong cuộc Chiến tranh Sáu ngày năm 1967, I-xra-en đã phát triển một “khái niệm phòng thủ” dựa trên niềm tin vào ưu thế quân sự tuyệt đối và học thuyết cảnh báo sớm(6). Ai Cập và Xy-ri đã khai thác thành công điểm yếu trong tư duy này, tiến hành một chiến dịch nghi binh tinh vi kéo dài nhiều tháng, bao gồm hơn 40 cuộc tập trận quy mô lớn dọc biên giới, khiến I-xra-en dần mất cảnh giác trước các hoạt động quân sự này. Đồng thời, Ai Cập và Xy-ri cũng tận dụng các yếu tố văn hóa, tôn giáo (lựa chọn ngày lễ Yom Kippur) và địa - chiến lược (tấn công đồng thời trên hai mặt trận) để tối đa hóa yếu tố bất ngờ.

Kinh nghiệm từ cuộc chiến tranh này đã dẫn đến thay đổi căn bản trong cách tiếp cận của I-xra-en đối với vấn đề bất ngờ chiến lược(7). Một là, I-xra-en thiết lập một đơn vị chuyên thách thức các giả định chiến lược đang chiếm ưu thế, nhằm giảm thiểu điểm mù trong phân tích tình báo. Hai là, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm đa tầng, kết hợp cả yếu tố công nghệ và con người, với sự chú trọng đặc biệt vào việc theo dõi thay đổi nhỏ trong môi trường chiến lược. Ba là, phát triển học thuyết “các lớp phòng thủ”, không chỉ dựa vào một lớp phòng thủ duy nhất, dù lớp phòng thủ đó hết sức hiện đại. Bài học này được cho là vẫn còn nguyên giá trị đối với quốc gia vừa và nhỏ trong bối cảnh hiện nay.

Bước vào thế kỷ XXI, sự kiện tấn công khủng bố nhằm vào Trung tâm Thương mại thế giới và Lầu Năm Góc của Mỹ (ngày 11-9-2001) đã đặt ra một thách thức mới trong việc nhận diện và ứng phó với bất ngờ chiến lược. Tính bất ngờ không nằm ở việc thu thập thông tin bởi đã có nhiều báo cáo tình báo đề cập đến tổ chức khủng bố An Kê-đa trong giai đoạn trước cuộc tấn công, mà ở việc không thể kết nối các mảnh thông tin rời rạc thành một bức tranh tổng thể(8). Báo cáo của Ủy ban quốc gia Mỹ về các cuộc tấn công khủng bố vào Mỹ (hay còn gọi là Ủy ban 9-11) được thành lập bởi Tổng thống Mỹ Gióoc-giơ Bu-xơ vào năm 2002 cũng nhận định, đây là hệ quả của sự “thất bại về trí tưởng tượng” và hạn chế trong cấu trúc tổ chức của cơ quan tình báo Mỹ, gây cản trở việc chia sẻ thông tin quan trọng một cách xuyên suốt trong toàn bộ mạng lưới cơ quan an ninh. Ngay sau đó, Mỹ đã thực hiện một cuộc cải tổ sâu rộng nhất trong lịch sử ngành tình báo, bao gồm việc thành lập Giám đốc Tình báo quốc gia (DNI), cấu trúc lại quy trình chia sẻ thông tin và xây dựng trung tâm phân tích liên ngành.

Trong khi Mỹ tập trung vào cải tổ thể chế quy mô lớn, một số quốc gia vừa và nhỏ đã phát triển những cách tiếp cận khác nhau để ứng phó với bất ngờ chiến lược. Xin-ga-po, với vị trí địa - chiến lược nhạy cảm và dễ bị tổn thương, đã xây dựng một hệ thống “cảnh báo tổng hợp” dựa trên ba trụ cột. Thứ nhất, phát triển năng lực dự báo chiến lược thông qua Văn phòng Kịch bản quốc gia và Trung tâm Tình huống quốc gia, tập trung vào xây dựng kịch bản và diễn tập ứng phó thường xuyên. Thứ hai, tăng cường năng lực tự cường của cả xã hội thông qua chương trình “quốc phòng tổng lực”, giúp chuẩn bị tâm lý và năng lực ứng phó của người dân trước những tình huống khẩn cấp(9). Thứ ba, duy trì mạng lưới quan hệ đối ngoại đa dạng để có nhiều nguồn thông tin và hỗ trợ khi cần thiết. Bên cạnh đó, Xin-ga-po cũng chủ động đan cài lợi ích một cách sâu sắc, toàn diện với các nước lớn thông qua thu hút các tập đoàn hàng đầu của Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) đến đặt trụ sở. Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) và nhiều thiết chế quốc tế khác cũng đặt trụ sở tại Xin-ga-po.

Từ kinh nghiệm quốc tế, có thể rút ra một số đặc điểm chung trong cách tiếp cận hiệu quả đối với bất ngờ chiến lược.

Một là, tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm đa tầng, không chỉ dựa vào công nghệ hay tình báo kỹ thuật, mà còn phải kết hợp nhiều nguồn thông tin khác nhau, từ ngoại giao đến phân tích học thuật. Kinh nghiệm của I-xra-en và Xin-ga-po cho thấy tầm quan trọng của việc thiết lập các nhóm chuyên gia được giao nhiệm vụ thách thức các giả định chiến lược đang được chấp nhận rộng rãi đóng vai trò hết sức quan trọng để có thể tránh tối đa “điểm mù” trong quá trình hoạch định chính sách.

Hai là, các quốc gia thành công trong việc ứng phó với bất ngờ chiến lược thường xây dựng được cách tiếp cận tổng thể, vượt ra ngoài giải pháp quân sự và công nghệ đơn thuần. Trong khi duy trì năng lực răn đe và phòng thủ truyền thống, các quốc gia này đặc biệt chú trọng việc nâng cao tính tự cường của toàn xã hội (societal resilience). Mô hình “phòng thủ toàn diện” của các nước Bắc Âu được xem là ví dụ điển hình. Thụy Điển và Phần Lan đã phát triển các chương trình có hệ thống nhằm nâng cao nhận thức và năng lực tự cường của người dân trước tình huống khủng hoảng, từ xung đột vũ trang đến các thách thức an ninh phi truyền thống, như tấn công mạng hay chiến tranh thông tin(10). Cách tiếp cận này giúp tạo ra một “lớp đệm” quan trọng, góp phần giảm thiểu tác động của cú sốc chiến lược và tăng cường khả năng thích ứng của quốc gia trước tình huống bất ngờ.

Ba là, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng, quốc gia vừa và nhỏ đã phát triển các cách thức sáng tạo để tăng cường khả năng dự báo và ứng phó. Đơn cử như, xây dựng mạng lưới đối tác đa dạng, tham gia tích cực vào cơ chế hợp tác khu vực và quốc tế, đồng thời duy trì sự linh hoạt trong chính sách đối ngoại để tránh phụ thuộc quá mức vào bất kỳ đối tác nào.

Bốn là, xây dựng năng lực ứng phó với bất ngờ chiến lược là một quá trình liên tục và thích ứng. Các mối đe dọa ngày càng đa dạng và phức tạp, đòi hỏi một cách tiếp cận tổng thể và linh hoạt, có khả năng tích hợp bài học mới và thích ứng với thay đổi trong môi trường chiến lược. Đây là kinh nghiệm quý báu mà quốc gia vừa và nhỏ có thể tham khảo trong quá trình hoàn thiện năng lực dự báo và ứng phó với bất ngờ chiến lược trong bối cảnh mới.

Tránh bị động, bất ngờ trong tình hình mới

Việt Nam đang đối mặt với một môi trường quốc tế ngày càng phức tạp và khó đoán định. Thứ nhất, cạnh tranh nước lớn, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc, đang tạo ra áp lực và thách thức mới đối với các nước vừa và nhỏ trong khu vực. Xu hướng này không chỉ biểu hiện ở khía cạnh địa - chính trị truyền thống, mà còn thể hiện rõ trong lĩnh vực công nghệ, thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu. Thứ hai, các thách thức an ninh phi truyền thống, như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, dịch bệnh,… đang đặt ra yêu cầu mới đối với công tác dự báo và ứng phó. Thứ ba, vấn đề Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, với thách thức đan xen giữa chủ quyền lãnh thổ, tự do hàng hải và quản lý tài nguồn tài nguyên biển.

Bên cạnh đó, các cuộc xung đột và “điểm nóng”, từ U-crai-na đến bán đảo Triều Tiên, cho thấy môi trường an ninh khu vực có thể thay đổi nhanh chóng và sâu sắc. Đồng thời, sự phát triển của các ứng dụng mới, như AI, vũ khí siêu thanh và năng lực tác chiến trên không gian mạng, đang tạo ra thách thức mới trong việc nhận diện và ứng phó với bất ngờ chiến lược. Trong bối cảnh đó, khả năng duy trì thế chủ động chiến lược và tránh bị động, bất ngờ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Trong thời kỳ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tầm nhìn chiến lược sâu sắc và khả năng dự báo, nắm bắt thời cơ tài tình, thể hiện qua nhiều quyết sách lịch sử quan trọng, như phát động cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 và Toàn quốc kháng chiến năm 1946. Kế thừa và phát triển tư tưởng đó trong điều kiện mới, khái niệm “không để bị động, bất ngờ” đã được chính thức hóa trong Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 12-7-2003, của Hội nghị Trung ương 8 khóa IX, về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”(11). Trong bối cảnh quốc tế khi đó, với diễn biến phức tạp sau sự kiện “ngày 11-9-2001” và xu hướng can thiệp quân sự gia tăng trên thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “xử lý kịp thời mọi mầm mống gây mất an ninh, không để bị động, bất ngờ”. Đây là một bước phát triển quan trọng trong tư duy chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam, phản ánh nhận thức ngày càng sâu sắc về tính chất phức tạp và khó lường của môi trường an ninh quốc tế.

Qua các kỳ đại hội, từ Đại hội X (năm 2006) đến Đại hội XIII (năm 2021) của Đảng, quan điểm này tiếp tục được đề cập nhất quán và phát triển sâu sắc hơn trong các Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI và khóa XIII về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, nhấn mạnh nhiệm vụ ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, xung đột “từ sớm, từ xa” để chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý hiệu quả bất ngờ chiến lược, đột biến. Đáng chú ý, cụm từ này xuất hiện trong hai bối cảnh chính: Một là, khi đánh giá tình hình thế giới và khu vực với nhiều diễn biến khó lường, khó dự báo; hai là, trong phương châm chỉ đạo về quốc phòng - an ninh, đặc biệt liên quan đến những thách thức về chủ quyền biển, đảo và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Đến Đại hội XIII, Đảng ta đã bổ sung yếu tố “giữ vững thế chủ động chiến lược”(12), phản ánh sự phát triển trong nhận thức từ thế phòng ngự sang thế chủ động trong ứng phó với các thách thức chiến lược(13).

Trong các phát biểu của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Quân chính toàn quân từ năm 2016, việc “không để bị động, bất ngờ” được nhấn mạnh là “nhiệm vụ chiến lược rất quan trọng, có tính sống còn”(14). Đặc biệt, tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 (ngày 19-12-2023), cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh yêu cầu “thường xuyên theo dõi sát các diễn biến và dự báo đúng chiều hướng phát triển của tình hình bên ngoài và nhất là đánh giá thật đúng các tác động đến Việt Nam để không bị động, bất ngờ và luôn luôn bình tĩnh, tỉnh táo nắm bắt thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức”(15). Ngày 31-10-2024, trong buổi trao đổi chuyên đề với lớp cán bộ quy hoạch Ủy viên Trung ương khóa XIV về “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận định, trong bối cảnh thế giới đang có những thay đổi mang tính thời đại, “mặt thách thức nổi trội hơn và thời cơ mới còn có thể xuất hiện trong khoảnh khắc giữa những thay đổi đột biến”(16). Trong cuộc làm việc với Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương (tháng 8-2024), Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “Kịp thời nhận diện, xử lý đúng đắn, hài hòa, linh hoạt đối tác, đối tượng, không để bị động, bất ngờ; ngăn ngừa nguy cơ xung đột, đối đầu, tránh bị cô lập, lệ thuộc”(17).

Từ quá trình phát triển tư duy chiến lược nêu trên, cùng với thách thức mới trong tình hình hiện nay, cần khẳng định việc tăng cường năng lực phòng ngừa và ứng phó với bất ngờ chiến lược đòi hỏi một cách tiếp cận tổng thể, hệ thống và linh hoạt. Cách tiếp cận này cần kết hợp hài hòa giữa xây dựng thể chế, phát triển nguồn lực và nâng cao năng lực dự báo, đồng thời bảo đảm sự thống nhất từ tư duy đến hành động trong toàn hệ thống chính trị. Trên cơ sở đó, có thể đề xuất một số hàm ý nhằm tăng cường năng lực phòng ngừa và ứng phó với bất ngờ chiến lược của Việt Nam trong thời gian tới.

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về các thách thức an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống và vai trò của công tác dự báo chiến lược. Đây không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan chuyên trách, mà còn cần được xác định là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, gắn với việc tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng “thế trận lòng dân”, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong việc phát hiện, cung cấp thông tin và tham gia phòng ngừa nguy cơ, thách thức đối với an ninh quốc gia. Qua đó, góp phần xây dựng tiềm lực chính trị  - tinh thần và nền tảng vững chắc cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” trong tình hình mới.

Hai là, chú trọng nâng cao năng lực tự cường của đất nước trên các lĩnh vực then chốt, từ kinh tế, công nghệ đến quốc phòng  - an ninh. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, khả năng ứng phó với bất ngờ chiến lược không chỉ phụ thuộc vào năng lực dự báo, mà còn đòi hỏi một nền tảng tinh thần và vật chất - công nghệ vững chắc và năng lực tự cường của toàn xã hội, nhằm bảo đảm sức chống chịu trước cú sốc tiềm tàng. Trong đó, việc phát triển công nghiệp quốc phòng, làm chủ một số công nghệ lõi và xây dựng năng lực dự phòng chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Sản xuất đồ gỗ nội, ngoại thất xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Đông ở Công ty sản xuất đồ gỗ Hiệp Long, phường An Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương_Ảnh: TTXVN

Ba là, tiếp tục phát huy phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong quan hệ đối ngoại. Điều này đòi hỏi vừa giữ vững các nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, vừa có sự linh hoạt trong ứng xử trước diễn biến phức tạp của tình hình. Đặc biệt, cần tăng cường hợp tác an ninh, chia sẻ thông tin với các đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, góp phần tăng cường khả năng nắm bắt thông tin kịp thời và mở rộng không gian xử lý tình huống phức tạp. Để thực hiện được việc này cần tạo sự đan xen lợi ích ngày càng chặt chẽ, nâng cao tin cậy chính trị trong chia sẻ thông tin mang tính chiến lược.

Bốn là, hoàn thiện cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin liên ngành trong công tác dự báo chiến lược, theo hướng kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan đối ngoại, quốc phòng, an ninh và nghiên cứu chiến lược. Việc xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm đa tầng, có khả năng tích hợp và xử lý thông tin từ nhiều nguồn khác nhau là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực xử lý khủng hoảng (bao gồm cả khủng hoảng truyền thông) thông qua bài tập diễn tập tình huống, theo kịch bản. Đặc biệt, tăng cường đầu tư xây dựng cơ quan nghiên cứu chiến lược chất lượng cao, đóng vai trò kết nối hiệu quả giữa nghiên cứu học thuật và hoạch định chính sách, góp phần nâng cao năng lực dự báo và nhận diện sớm tình huống bất ngờ chiến lược của đất nước.

Năm là, đẩy mạnh hiện đại hóa công tác phân tích và xử lý thông tin. Trong bối cảnh khối lượng thông tin ngày càng lớn và tình hình thay đổi ngày càng nhanh, việc ứng dụng thành tựu tiên tiến như AI trong phân tích dữ liệu lớn, kết hợp nâng cao năng lực phán đoán, dự báo của đội ngũ chuyên gia là yêu cầu tất yếu. Điều này không chỉ giúp nâng cao tốc độ và độ chính xác trong việc phát hiện dấu hiệu cảnh báo sớm, mà còn tăng cường khả năng dự báo xu hướng phát triển của tình hình, từ đó đề xuất phương án ứng phó kịp thời và hiệu quả.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, việc nghiên cứu và ứng phó với bất ngờ chiến lược trở thành một yêu cầu cấp thiết đối với mỗi quốc gia. Từ nhận thức về “không để bị động, bất ngờ” đến việc chủ trương “giữ thế chủ động chiến lược” và phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”, Đảng ta đã có bước phát triển quan trọng trong tư duy chiến lược. Việc hiện thực hóa quan điểm chỉ đạo này đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, bộ, ngành trong việc nâng cao năng lực dự báo và xử lý tình huống. Qua đó, Việt Nam sẽ vững vàng ứng phó với mọi thách thức, tận dụng hiệu quả cơ hội phát triển, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ./…

-----------------

(1) Michael I. Handel: “Intelligence and the problem of strategic surprise” (Tạm dịch: Tình báo và vấn đề bất ngờ chiến lược), The Journal of Strategic Studies 7, No. 3, 1984, tr. 229 - 281
(2) Xem: Wohlstetter, Roberta: Pearl Harbor: warning and decision (Tạm dịch: Trân Châu Cảng: Cảnh báo và quyết định), Stanford University Press, 1962
(3) Xem: Erik J. Dahl: Intelligence and surprise attack: Failure and success from Pearl Harbor to 9/11 and beyond (Tạm dịch: Tình báo và tấn công bất ngờ: Thất bại và thành công từ Trân Châu Cảng đến sự kiện ngày 11-9 và hơn thế nữa), Georgetown University Press, 2013
(4) Xem: Stanley L. Mushaw: “Strategic Surprise Attack” (Tạm dịch: Cuộc tấn công bất ngờ chiến lược), Naval War College Newport Advanced Research Program, 1989
(5) Jonathan Colman: Cuban Missile Crisis: Origins, Course and Aftermath (Tạm dịch: Khủng hoảng tên lửa Cuba: Nguồn gốc, lộ trình và hậu quả), Edinburgh University Press, 2016
(6) Xem: Ephraim Kahana: “Early warning versus concept: The case of the Yom Kippur War 1973” (Tạm dịch: Khái niệm cảnh báo sớm: Trường hợp cuộc chiến tranh Yom Kippur năm 1973), Intelligence and National Security 17, No. 2, 2002, tr. 81 - 104
(7) Xem: Itai Shapira: “The Yom Kippur intelligence failure after fifty years: what lessons can be learned?” (Tạm dịch: Thất bại của tình báo Yom Kippur sau 50 năm: Có thể rút ra bài học gì?), Intelligence and National Security 38, No. 6, 2023, tr. 978 - 1.002
(8) Thomas H. Kean - Lee Hamilton, The 9/11 commission report: Final report of the national commission on terrorist attacks upon the United States (Tạm dịch: Báo cáo của Ủy ban 9/11: Báo cáo cuối cùng của Ủy ban quốc gia về các cuộc tấn công khủng bố vào Mỹ), Vol. 1. Government Printing Office, 2004.
(9) Ron Matthews - Nellie Zhang Yan: “Small country “total defence”: a case study of Singapore” (Tạm dịch: Nước nhỏ “phòng thủ toàn diện”: Trường hợp Xin-ga-po), Defence Studies 7, No. 3, 2007, tr. 376 - 395
(10) Alberto Giacometti - Jukka Teräs: Regional economic and social resilience: An exploratory in-depth study in the Nordic countries (Tạm dịch: Khả năng phục hồi kinh tế - xã hội của khu vực: Một nghiên cứu chuyên sâu mang tính thăm dò ở các nước Bắc Âu), Nordregio, 2019
(11) Đặng Đình Quý: “Tiếp cận tư duy về “đối tác”, “đối tượng” trong bối cảnh mới”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 13-1-2023, https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/tiep-can-tu-duy-ve-doi-tac-doi-tuong-trong-boi-canh-moi
(12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 159
(13) Nguyễn Ngọc Hồi: “Quan điểm “chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa” tại đại hội XIII của Đảng”, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, ngày 5-6-2021, http://m.tapchiqptd.vn/vi/quan-triet-thuc-hien-nghi-quyet/quan-diem-chu-dong-ngan-ngua-cac-nguy-co-chien-tranh-xung-dot-tu-som-tu-xa-tai-dai-hoi-xiii-cua-dang-17139.html
(14) TTXVN: “Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Quân chính toàn quân năm 2016”, Báo Quân đội nhân dân điện tử, ngày 13-12-2016, https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-quan-chinh-toan-quan-nam-2016-494879
(15) Xem: “Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32”, Báo điện tử Chính phủ, ngày 19-12-2023, https://baochinhphu.vn/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-ngoai-giao-lan-thu-32-102231219155116287.htm
(16) GS, TS. Tô Lâm: “Một số nội dung cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; những định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 1-11-2024, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/ky-nguyen-moi-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-ky-nguyen-phat-trien-giau-manh-duoi-su-lanh-dao-cam-quyen-cua-dang-cong-san-xay-dung-thanh-cong-nuoc-vie
(17) “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương”, Báo điện tử Chính phủ, ngày 28-8-2024, https://baochinhphu.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-lam-viec-voi-ban-thuong-vu-quan-uy-trung-uong-102240828091158399.htm

Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/1075702/bat-ngo-chien-luoc-trong-quan-he-quoc-te-va-mot-so-ham-y-chinh-sach.aspx


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Xem trực thăng kéo cờ, tiêm kích xé gió trên bầu trời TPHCM
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Về với đại ngàn
Chênh vênh Sa Mù

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm