Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh vai trò quan trọng của dự thảo Luật trong việc thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Bộ trưởng chia sẻ: "Hội thảo hôm nay được tổ chức để góp ý cho phiên bản cuối của dự thảo Luật. Luật ra đời kỳ vọng sẽ tạo ra điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu KH&CN, đồng thời thúc đẩy ứng dụng đổi mới sáng tạo (ĐMST) vào thực tiễn. Đây là nền tảng để chúng ta tạo ra tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội." Trước đó, dự thảo Luật đã được trình bày tại phiên họp 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Bộ trưởng, việc điều chỉnh dự thảo Luật: KH,CN&ĐMST phải phục vụ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng đời sống người dân. Bộ trưởng khẳng định, Luật cần được xây dựng một cách chi tiết và khả thi, tránh để xảy ra những vướng mắc trong quá trình triển khai.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể và thiết thực để nâng cao chất lượng các điều khoản trong dự thảo Luật. Ông Phạm Thế Bình, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số cơ yếu, Văn phòng Trung ương Đảng đã trao đổi về các khái niệm trong dự thảo Luật, đặc biệt là khái niệm ĐMST. Ông Bình cho rằng: "Khái niệm ĐMST trong dự thảo hiện tại thiên về công nghệ, chưa bao quát hết các khía cạnh ĐMST phi công nghệ, đặc biệt là vai trò của khoa học xã hội và nhân văn". Từ đó, ông Bình đề xuất: "ĐMST là quá trình tạo ra hoặc cải tiến sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh, quy trình quản lý, dựa trên công nghệ hoặc phi công nghệ, mang lại giá trị gia tăng và ứng dụng thực tế".
Bên cạnh đó, ông Bình cũng đề xuất điều chỉnh một số khái niệm khác để phù hợp hơn với thực tiễn, như "tổ chức khoa học, công nghệ" cần mở rộng bao gồm cả trường đại học và các trung tâm nghiên cứu. Ông nhấn mạnh: "Việc làm rõ các khái niệm sẽ giúp dự thảo Luật không chỉ mang tính lý thuyết mà còn có thể áp dụng hiệu quả vào thực tiễn".
Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là việc xây dựng hệ sinh thái ĐMST. Theo các ý kiến góp ý, dự thảo Luật cần làm rõ vai trò của các chủ thể trong hệ sinh thái ĐMST, bao gồm doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu và các trường đại học. Đặc biệt, cần có cơ chế mạnh mẽ để thúc đẩy hợp tác giữa các bên, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Các đại biểu cũng đề xuất tạo cơ chế đồng sáng tạo và đặt hàng từ doanh nghiệp đối với các nghiên cứu khoa học để đảm bảo tính thực tiễn và hiệu quả trong quá trình triển khai.
Về vấn đề tài chính, các đại biểu cho rằng, dự thảo cần có cơ chế tài chính linh hoạt và đột phá, giúp huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả cho các hoạt động khoa học, công nghệ và ĐMST. Thêm vào đó, việc xây dựng các quỹ hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo và các hoạt động nghiên cứu cần được chú trọng hơn.
Một điểm quan trọng được các đại biểu nêu là việc tháo gỡ rào cản pháp lý đối với hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Các quy định hiện hành về tự chủ và quản lý tài sản trí tuệ tại các cơ sở giáo dục đại học công lập và doanh nghiệp nhà nước cần được cải thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập doanh nghiệp KH&CN và áp dụng các nghiên cứu vào thực tiễn.
Toàn cảnh Hội thảo
Kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cảm ơn các đại biểu đã có những ý kiến đóng góp quan trọng. Bộ trưởng cho biết, Bộ KH&CN sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến và điều chỉnh dự thảo Luật sao cho phù hợp nhất với thực tiễn, " phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước và tạo điều kiện cho KH,CN&ĐMST thực sự đi vào cuộc sống", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng kêu gọi các đại biểu tiếp tục đồng hành trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật, đảm bảo rằng khi được thông qua, Luật sẽ trở thành công cụ quan trọng giúp thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ KH&CN Việt Nam./.
Nguồn: https://mst.gov.vn/bo-khcn-to-chuc-hoi-thao-lay-y-kien-hoan-thien-du-thao-luat-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-197250416113627832.htm
Bình luận (0)