Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bỏ room tín dụng - cần có lộ trình

Câu chuyện “nóng” trong những ngày gần đây là nên hay không nên bỏ ngay hạn mức tín dụng tối đa (room tín dụng) cho các ngân hàng. Trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước có nhiều biến động, việc chấm dứt áp dụng room tín dụng cần thiết phải có lộ trình.

Hà Nội MớiHà Nội Mới08/07/2025

14 năm áp dụng room tín dụng

bank.jpg
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong. Ảnh Nguyễn Quang

Tại Công điện số 104/CĐ-TTg về tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa (ngày 6-7-2025), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 16% so với năm 2024 và tiến tới năm 2026 điều hành tăng trưởng tín dụng theo công cụ thị trường và bỏ hạn ngạch. Ngân hàng Nhà nước khẩn trương rà soát, phân tích, đánh giá tác động, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, khẩn trương xem xét việc gỡ bỏ công cụ hành chính trong điều hành tăng trưởng tín dụng thông qua phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng...

Tính đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng công cụ hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng 14 năm, từ năm 2011 khi lạm phát tăng lên 18,13% do hậu quả của chính sách tiền tệ nới lỏng và nhập siêu, chi tiêu Chính phủ tăng liên tục kéo theo tổng cầu tăng. Trước đó, từ năm 2005 đến 2010, cung tiền và dư nợ tín dụng của Việt Nam tăng trưởng nóng, bình quân tốc độ tăng trưởng là 30%/năm, lượng tiền lưu thông lớn trong khi lượng sản phẩm trong nước không gia tăng tương ứng dẫn đến lạm phát cao. Sau khi thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa, lạm phát giảm mạnh, năm 2015 về mức 0,6% và từ năm 2020 đến nay, lạm phát được duy trì trong khoảng 1,84-3,24%. Kết quả tăng trưởng tín dụng khả quan trong năm 2025 sau thời gian dài chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 khiến nhiều người quan tâm đến việc bỏ hạn mức tín dụng.

Theo các chuyên gia, room tín dụng cho các ngân hàng được ví như chiếc “van” kiểm soát cung tiền ra nền kinh tế. Bởi nhìn lại thời điểm trước đây, khi tín dụng tăng trưởng “nóng”, có thời điểm vượt 30% gây ra nhiều hệ lụy và rủi ro với hệ thống ngân hàng nói riêng, cũng như cả nền kinh tế nói chung. Khi các ngân hàng chạy đua tăng trưởng tín dụng sẽ cho vay “dễ dãi”, khiến nợ xấu gia tăng. Thực tế, ngành Ngân hàng đã mất khoảng thời gian dài xử lý gánh nặng nợ xấu, nên “van” tín dụng đã phát huy hiệu quả tích cực cho giải phóng “cục máu đông” nợ xấu, với tăng trưởng tín dụng những năm gần đây được kiểm soát chỉ còn khoảng 12-14%, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế.

Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Lộc Phát (LPBank) Nguyễn Đức Hưởng cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước áp dụng room tín dụng đã giúp Ngân hàng Nhà nước điều hành về tăng trưởng tín dụng linh hoạt, có tiêu chí cụ thể, rõ ràng trong việc phân bổ tín dụng cho các ngân hàng như quy mô, chất lượng tài sản… Trước đây, thực sự room tín dụng phát huy hiệu quả, góp phần bình ổn thị trường tiền tệ, “hạ nhiệt” các cuộc đua lãi suất, mang lại sức khỏe bền vững cho các ngân hàng, vốn được coi là xương sống của nền kinh tế. Đó là chưa kể, room tín dụng còn giúp cơ quan chức năng kiểm soát lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế, từ đó lạm phát cũng được kiểm soát một cách chủ động, góp phần ổn định giá trị đồng tiền.

Vẫn là một công cụ hiệu quả

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, mặc dù áp dụng room tín dụng, song Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt công cụ này dựa vào tình hình thực tế kinh tế trong nước, cũng như xem xét diễn biến của kinh tế toàn cầu. Chẳng hạn như năm 2024, thay vì cấp từng đợt như những năm trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm cho các ngân hàng, dựa trên mức điểm về sức khỏe tài chính, từ đó, các ngân hàng chủ động lập kế hoạch tín dụng. Tuy nhiên, đây không phải chỉ tiêu cứng mà cơ quan quản lý liên tục điều chỉnh dựa vào sức khỏe của nền kinh tế, cũng như bản thân các ngân hàng và thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã có 2 lần nới room tín dụng trong năm 2024 với những ngân hàng có mức tăng trưởng tốt hay giảm room cho ngân hàng không bảo đảm tăng trưởng.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% năm 2025, tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước đưa ra là 16%, tương ứng lượng tiền tăng thêm 2,5 triệu tỷ đồng. Tính đến ngày 30-6, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng đã vượt 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024, tăng 19,32% so với cùng kỳ năm 2024, mức tăng trưởng tín dụng cao nhất kể từ năm 2023 đến nay.

Nhiều ý kiến cho rằng, thời điểm này với đặc điểm của nền kinh tế phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn từ ngân hàng, room tín dụng vẫn là một công cụ hiệu quả để kiểm soát cung tiền. Tuy nhiên, về lâu dài, có thể bỏ công cụ hạn mức tín dụng và sử dụng các công cụ khác, nhưng chỉ có thể làm vậy khi các điều kiện của thị trường đã chín muồi và khi chính sách tiền tệ không còn đồng thời phải đạt được nhiều mục tiêu trong cùng một thời điểm như hiện nay.

Việc Ngân hàng Nhà nước triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng được coi là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cần phân tích kỹ các yếu tố để tìm điểm cân bằng lợi ích và rủi ro. Bởi, để bỏ room tín dụng cần phải những điều kiện như kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, sức khỏe của hệ thống ngân hàng đồng đều.

Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước Phạm Chí Quang:
Không có giải pháp nào là vĩnh viễn

quang.jpg

Giai đoạn chính sách tiền tệ nới lỏng (2005-2010), tăng trưởng tín dụng tăng nóng, có những giai đoạn tăng đến 54%, khiến không ít tổ chức tín dụng trên bờ vực phá sản. Do đó, để duy trì hệ thống tín dụng không đổ vỡ, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng chính sách room tín dụng và việc này có vai trò tích cực giúp tăng trưởng kinh tế bền vững và kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, không có giải pháp nào là vĩnh viễn. Ngân hàng Nhà nước nhận thấy đây là giải pháp hành chính cần thay đổi.

Trong năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đã gỡ bỏ room tín dụng cho nhóm ngân hàng nước ngoài, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng..., chỉ còn áp dụng với các ngân hàng thương mại. Đây là một giai đoạn trong lộ trình gỡ bỏ. Ngân hàng Nhà nước sẽ có giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam để vừa ổn định vĩ mô, lại vừa kiểm soát lạm phát. Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu, đánh giá chính sách kỹ lưỡng để gỡ bỏ room tín dụng.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh:
Quản lý tín dụng bằng room không còn phù hợp

huan.jpg

Quản lý tín dụng theo cách cấp hạn mức đã duy trì lâu. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cũng nên tính đến việc bỏ, bởi dù quản lý room tín dụng mang lại hiệu quả nhưng là biện pháp hành chính và không còn phù hợp. Tuy nhiên, bài học lịch sử tăng trưởng tín dụng nóng từ năm 2007 đến năm 2010 dẫn đến lạm phát ở mức cao vẫn còn đó và Ngân hàng Nhà nước đã phải sử dụng room tín dụng để điều tiết dòng tiền ra thị trường.

Chính sách tiền tệ của Việt Nam hiện là đa mục tiêu, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định tỷ giá nhưng vẫn phải kiểm soát lạm phát. Thị trường tiền tệ biến động nên khi thực hiện bỏ room tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cần áp dụng mô hình định lượng, sử dụng dữ liệu và dùng công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích thì mới quản lý được. Nếu không sẽ dễ xảy ra các cú sốc cho nền kinh tế như năm 2008, lạm phát tăng mạnh do nới lỏng quá mức tín dụng.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Hồng Phong, nguyên Tổng Giám đốc LPBank:
Đến lúc xem xét bỏ cấp room tín dụng

phong.jpg

Tín dụng đang tăng trưởng đúng hướng, dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Do đó, việc Ngân hàng Nhà nước xem xét bỏ cấp room tín dụng thời gian tới là phù hợp.

Trước đây, việc cấp room tín dụng hằng năm theo tỉ lệ nhất định đôi khi dẫn tới tình trạng không sử dụng hết hạn mức. Một số ngân hàng vì không sử dụng hết room tín dụng nên phải tìm mọi cách để đạt chỉ tiêu trong cuối năm để đạt đủ điều kiện được Ngân hàng Nhà nước cấp room tín dụng năm sau ngang hoặc cao hơn năm trước. Việc xóa bỏ room tín dụng sẽ khắc phục tình trạng sử dụng room không đồng đều.

Khi không còn room tín dụng, các ngân hàng sẽ căn cứ vào năng lực tài chính, khả năng quản trị rủi ro và chiến lược kinh doanh để tự quyết định quy mô, tốc độ tăng dư nợ cho vay. Từ đó, nguồn vốn sẽ chảy vào các lĩnh vực có nhu cầu cao, tiềm năng tăng trưởng lớn như sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng sạch, hạ tầng…

Thanh Nga ghi

Nguồn: https://hanoimoi.vn/bo-room-tin-dung-can-co-lo-trinh-708467.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm