Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Học thêm có thể tăng thành tích nhưng không phát triển người học

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng: "Các lớp học thêm có thể làm gia tăng thành tích học tập cho người học, nhưng không đem lại nhiều giá trị trong việc phát triển người học".

Báo Thanh niênBáo Thanh niên16/05/2025

Bộ GD-ĐT, UB Văn hóa và Xã hội của Quốc hội vừa có cuộc làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh Quảng Ninh về công tác quản lý giáo dục khi thực hiện sắp xếp tổ chức, bộ máy, góp phần hoàn thiện xây dựng luật Nhà giáo trên địa bàn tỉnh này.

Không sáp nhập cơ học các cơ sở giáo dục

Nói về việc giải quyết tình trạng thiếu giáo viên mà tỉnh Quảng Ninh đề cập (địa phương này còn thiếu 2.660 giáo viên), Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, giải pháp căn cơ về lâu dài là phải có các chính sách mạnh mẽ hơn cho nhà giáo.

"Đây không phải là chế độ ưu đãi, đặc quyền, đặc lợi mà là nhà giáo xứng đáng được hưởng như vậy", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Về việc sắp xếp các cơ sở giáo dục khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, ông Thưởng cho rằng, không nên sáp nhập các trường vì điều này không phù hợp với mục tiêu giáo dục.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Học thêm có thể tăng thành tích nhưng không phát triển người học - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, khi thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính, cần lấy việc đảm bảo vận hành bình thường của các cơ sở giáo dục làm ưu tiên hàng đầu, không sáp nhập cơ học các cơ sở giáo dục khi thay đổi đơn vị hành chính. 

"Sau khi ổn định bộ máy và đánh giá thấu đáo các phương diện, khi đó mới rà soát tái sắp xếp nếu cần thiết", ông Sơn nói.

Về quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý, cần có sự phân chia trách nhiệm giữa cấp sở và cấp xã nhưng không cứng nhắc. 

Dẫn một vài số liệu thống kê (trên 3.300 đơn vị hành chính cấp xã khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, 52.000 cơ sở giáo dục, 23,4 triệu học sinh), người đứng đầu ngành giáo dục cho biết, tính bình quân mỗi xã có 7.000 học sinh, trong khi dự kiến có 2 công chức quản lý giáo dục cấp xã. 

"Sẽ có tập huấn trên phạm vi toàn quốc để minh định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các công chức này", ông Sơn nói.

Cũng liên quan đến việc tổ chức lại đơn vị hành chính, Bộ trưởng cho biết, dự kiến trong năm học 2026 – 2027, sẽ thực hiện nguyên tắc tuyển sinh các cấp không theo địa giới hành chính. Thay vào đó, sẽ áp dụng nguyên tắc tuyển sinh đảm bảo học sinh được đến cơ sở giáo dục gần nhất với nơi cư trú. Việc này đã được TP.HCM thực hiện thí điểm từ năm 2023 trên cơ sở áp dụng Hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System - gọi tắt là bản đồ GIS).

Không để buổi học thứ 2 bị biến tướng

Thông tin về chủ trương tổ chức buổi học thứ 2, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định, hình thức buổi học thứ 2 rất mở. Tuy nhiên, nguyên tắc thực hiện là chỉ cần một buổi để thực hiện chương trình học chính và chỉ được phép thực hiện trong một buổi, đây là trách nhiệm của toàn ngành giáo dục. Còn buổi thứ 2 sẽ phụ thuộc vào điều kiện của từng địa phương.

Đặt ra yêu cầu không được để buổi học thứ 2 bị biến tướng, người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng trường học ngay ngắn, dạy học lành mạnh là phải ngăn chặn việc ép học sinh học thêm dưới mọi hình thức. 

"Các lớp học thêm có thể làm gia tăng thành tích học tập, nhưng không đem lại nhiều giá trị trong việc phát triển người học", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nguồn: https://thanhnien.vn/bo-truong-bo-gd-dt-hoc-them-co-the-tang-thanh-tich-nhung-khong-phat-trien-nguoi-hoc-185250516155534991.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập
Khám phá vùng savan ở Vườn quốc gia Núi Chúa
Khám phá Vũng Chua- ‘nóc nhà’ mây phủ của phố biển Quy Nhơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm