Phát biểu tại sự kiện, nhà báo Lâm Hiếu Dũng, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên cho biết sau mùa giải thành công vào năm 2024 với hơn 100 phim ngắn gửi về từ các nhà làm phim trẻ, sinh viên, học viên và các du học sinh tại Mỹ, Úc, cuộc thi phim năm nay có nhiều thay đổi đáng chú ý.
Nhà báo Lâm Hiếu Dũng chia sẻ về những điểm mới của cuộc thi năm nay và chụp ảnh cùng TS Huỳnh Ngọc Anh - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Một trong số đó là mở rộng thêm hạng mục phim tài liệu cũng như đối tượng tham gia: dành cho công dân Việt Nam và người nước ngoài đang sinh sống, làm việc hợp pháp tại Việt Nam (từ 15 tuổi trở lên).
Với thay đổi này, hy vọng mùa giải Vietnamese 2025 sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm của các nhà làm phim trẻ qua các tập Cinetalk và chuỗi Cinetour vòng quanh các trường đại học.
Tham dự buổi tọa đàm có đại diện Báo Thanh Niên, nhà tài trợ San Disk, đại diện nhà trường và 4 khách mời chuyên môn: đạo diễn Trần Thanh Huy, nhà sản xuất Nguyễn Hữu Thị Tường Vi, thạc sĩ - đạo diễn Hoàng Sĩ Đăng và Đạo diễn Ninh Lê - người đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất và Phim ngắn xuất sắc nhất với tác phẩm Cánh diều bay lưng trời tại cuộc thi phim ngắn Vietnamese 2024.
Tham dự tọa đàm gồm đại diện Báo Thanh Niên, đại diện nhà trường và các đơn vị đồng hành cùng 4 khách mời chuyên môn
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Điều đặc biệt, Ninh Lê cũng từng là một sinh viên của trường ĐH Công nghệ TP.HCM. Nói về tác phẩm đặc biệt của mình, anh cho biết mình tham dự cuộc thi nhờ có được sự động viên của người hướng dẫn và cũng là người theo sát bản thân anh trong các năm học - đạo diễn Hoàng Sĩ Đăng.
Chất lượng trước, marketing sau
Với chủ đề Marketing phim sao cho hiệu quả, các bạn sinh viên đã phần nào hiểu được làm phim không chỉ dừng lại ở việc lên ý tưởng, tổ chức sản xuất, cầm máy quay mà còn là cả một hành trình đưa bộ phim đến với khán giả.
Do đó, có thể nói, một bộ phim thành công không chỉ vì nội dung hay, mà còn ở cách truyền tải tác phẩm đến công chúng thông qua hành trình có phần "kỳ công" của khâu marketing.
Bà Nguyễn Hữu Thị Tường Vi cho biết marketing là một quá trình cần có chiến lược
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Theo bà Nguyễn Hữu Thị Tường Vi - Trưởng phòng Sản xuất phim Công ty VPictures (CGV Việt Nam), là nhà sản xuất của các phim điện ảnh gây sốt phòng vé, đặc biệt là Mai và Nhà bà Nữ - thì chi phí cho khâu marketing thường tùy thuộc vào việc định vị tác phẩm sẽ ở vị thế nào trong thời gian ra mắt, nhưng thường chiếm từ 20 - 40% kinh phí.
Trước sự thắc mắc của các sinh viên, bà cũng chia sẻ marketing là một quá trình cần có chiến lược. Với sự tham gia của nhà sản xuất và nhà phát hành, các kế hoạch này thường phải kéo dài đến hàng tháng trời. Trong đó thông tin thường được tiết lộ theo từng chặng để thu hút sự chú ý của khán giả, nuôi dưỡng sức nóng cho đến thời điểm ra mắt.
Và khi đã có chiến lược, thì việc quảng bá qua poster, trailer hay first look sẽ tùy thuộc vào quá trình đó. Do đó điều cần thiết nhất là phải tỉnh táo để đưa ra đúng lúc và đúng điểm rơi thông tin muốn truyền tải.
Đạo diễn Trần Thanh Huy chia sẻ trước khi cần đến marketing thì sự đặc biệt phải đến từ người sáng tạo
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Đạo diễn Trần Thanh Huy - người cầm trịch phim Ròm đã thắng giải thưởng cao nhất ở hạng mục New Curents tại LHP quốc tế Busan 2019, thắng giải thưởng Phim đầu tay xuất sắc nhất tại LHP quốc tế Fantasia (Canada) 2020 chia sẻ trước khi cần đến marketing, sự đặc biệt phải đến từ người sáng tạo. Bởi "nếu không chạm được đến khán giả, thì có là thần thánh thì cũng không thể PR hay quảng bá thành công".
Bà Vi cũng đồng ý với nhận định này và cho rằng trước khi quan tâm đến marketing, các nhà làm phim nên "không thỏa hiệp" và :đảm bảo chất lượng tác phẩm tốt nhất". Khi ấy thì việc quảng bá sẽ hỗ trợ thêm cho việc đến gần khán giả ở thời gian đầu, còn để đi đường dài, thì vẫn phụ thuộc vào nội hàm tác phẩm.
Hết mình và tỉnh táo với đam mê
Nói thêm về lĩnh vực phim ngắn mà bản thân cũng từng thành công với phim ngắn 16:30 trước khi Ròm được đánh giá cao, đạo diễn Trần Thanh Huy nhớ về lần gặp được nữ đạo diễn The Pianist - Jane Campion ở tuổi 23.
Chia sẻ với các bạn trẻ, anh cho biết bà đã khuyên mình hãy luôn vững tin vào các dự án mà bản thân theo đuổi và hãy làm hết sức có thể. Bên cạnh đó hãy không ngừng trau dồi kiến thức, kinh nghiệm mỗi ngày.
Đạo diễn trẻ Ninh Lê đưa ra lời khuyên các nhà làm phim trẻ hãy thật nghiêm túc và hết mình nhất có thể với các dự án mà bản thân theo đuổi
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Bà Vi cho biết với phim ngắn, các nhà nhà làm phim trẻ có lợi thế là không chịu nhiều áp lực của doanh thu cũng như nhà đầu tư nên có thể tự do chọn đề tài mà mình thích nhất, rõ nhất.
Theo bà, khoan tìm các công thức làm phim thành công mà hãy đào sâu vào bản thân và tận cùng vào đề tài mình muốn thực hiện, tránh sự chung chung, mơ hồ, từ đó mới thuyết phục được khán giả. Bên cạnh đó, cũng hãy không ngừng lăn xả, bởi các trải nghiệm và kỹ năng mềm khi làm việc nhóm cũng sẽ mang đến những kinh nghiệm quý giá.
Tuy vậy, cũng nên thật tỉnh táo, biết được khả năng của mình ở đâu và bản thân có thể làm gì. Không nên chạy theo "khẩu hiệu" rằng "đừng bao giờ bỏ cuộc" để rồi cuối cùng nhận ra quá trình vừa qua đã bị bỏ phí.
Đạo diễn trẻ Ninh Lê cũng đưa ra lời khuyên các nhà làm phim trẻ hãy thật nghiêm túc và hết mình nhất có thể với các dự án mà bản thân theo đuổi.
Nguồn: https://thanhnien.vn/marketing-phim-sao-cho-hieu-qua-185250516193152357.htm
Bình luận (0)